Chuyện một người phụ nữ Việt khởi nghiệp từ... cái áo lót
Sự tinh tế của một thiên tính nữ, nhạy bén trong kinh doanh mặt hàng đặc thù, và quyết tâm cao phải làm ra những trang phục lót chất lượng, giá rẻ nhất đã đưa Điệp vượt qua mọi gian nan, để hôm nay, nhãn hàng Jovial trở nên đáng tin cậy…
Sự tinh tế của một thiên tính nữ, nhạy bén trong kinh doanh mặt hàng đặc thù, và quyết tâm cao phải làm ra những trang phục lót chất lượng, giá rẻ nhất đã đưa Điệp vượt qua mọi gian nan, để hôm nay, nhãn hàng Jovial trở nên đáng tin cậy… Gian hàng của Jovial trong hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao TP.HCM năm nay lúc nào cũng tấp nập khách. Người mua phần lớn là khách quen dùng.
Kênh thông tin ngoài chợ
Với giá áo lót nữ từ 165.000 đồng, và quần lót từ 20.000 đồng, mẫu mã bắt mắt, phong phú, chất liệu sang không khác gì hàng ngoại, phù hợp với người Việt, thật dễ hiểu khi Jovial đến được với khách hàng có thu nhập từ thấp đến cao. Làm được điều đó, Điệp trải qua những tháng ngày gian khó tưởng đâu “giữa đường đứt gánh”. Từng lăn lộn ngoài đời với nghề trang điểm cô dâu, mở nhà hàng, khi lấy chồng, một chàng kỹ sư trường đại học Bách khoa, Điệp bắt đầu nuôi mộng kinh doanh.
Trên thị trường, mua được đồ lót nữ giá trung bình mà chất lượng tốt thật khó. Điệp tự hỏi sao mình không làm? Thế là bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật, mua máy móc, nghiên cứu vóc dáng phụ nữ Việt… Kinh nghiệm bằng không, ban đầu, chính Điệp phải ngồi cắt, may từng chiếc áo, rồi đưa cho bạn bè thân thiết mặc thử, góp ý về nguyên phụ liệu sao cho phù hợp nhất để mặc không bị cấn, bị đau… sau đó mới hoàn thiện sản phẩm.
Khấp khởi mừng thầm, Điệp tự mang ký gửi hàng cho tiểu thương ở chợ Tân Định, Hoà Hưng, Hoà Bình… Sau mấy tuần, hàng bị trả lại vì không đạt. Phải ôm về một mớ, vốn liếng bỏ hết ra mua máy móc rồi, có nên tiếp tục hay buông? Hai vợ chồng buồn quá, chẳng lẽ bán hết máy đi? Suy nghĩ nát óc, rồi lại động viên nhau bước vào cuộc thử thách mới.
Để hoàn thiện một chiếc áo lót phải qua hơn 30 công đoạn, một chiếc quần lót phải qua sáu chiếc máy may khác nhau, rồi tìm kiếm nguyên phụ liệu chất lượng là cả một quãng đường dài học hỏi liên tục. Chồng kỹ sư lo phụ trách xưởng, vợ lo thiết kế, kinh doanh. Tìm người tài trong ngành thiết kế đồ lót là cả một thách thức.
Cùng sáng tạo với anh em, cùng lặn lội khắp các thị trường ngoài nước để kiếm phụ liệu, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng ngoài chợ, những chị tiểu thương chính là kênh thông tin hữu ích nhất giúp Điệp hiểu được nhu cầu của khách hàng.Hai năm ròng rã chào hàng, ký gửi, cuối cùng Hồng Điệp cũng bán được lô hàng đầu tiên.
Bước vào siêu thị
Năm 2011, Jovial lọt vào Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Trực tiếp là người tham gia chuỗi hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, các chương trình Kết nối tiểu thương ở Đà Nẵng, An Giang, miền Trung…, nắm bắt nhu cầu khách hàng, cải tiến mỗi ngày, sản phẩm của Jovial đã dần hoàn thiện, được các chợ tỉnh chấp nhận với những đơn hàng lớn.
Lúc này Hồng Điệp lại phải đối mặt với chuyện bị làm giả. Một số đại lý đã cắt mạc của Jovial và may mạc hàng Nhật vào bỏ các chợ với giá gấp đôi. Khi phát hiện, phải điều tra, chứng minh. Kinh nghiệm này giúp chị lõi hơn trong việc phân phối hàng đến tận nơi người tiêu dùng.
Từ một người sản xuất nhỏ, mọi khâu đều tự thân vận động, để bước chân vào 40 siêu thị của Saigon Co.op, Vinatex, Maximark… một tháng trung bình bán 50.000 sản phẩm, doanh thu hơn 1 tỉ đồng/tháng, và cứ tăng đều mỗi tháng, đến giờ nghĩ lại Điệp vẫn không hiểu sức đâu mình làm được.
Năm 2004, đồ lót Trung Quốc giá rẻ có hại cho sức khoẻ rộ lên, người tiêu dùng trở lại với hàng Việt, cũng là lúc Jovial tuyển thêm công nhân, đào tạo bài bản, mua thêm máy móc để sản xuất hàng loạt.
Làm đồ lót, quản lý đầu vào là phức tạp nhất. Nguyên liệu chủ yếu của áo ngực là hai cặp mút và cọng nâng bằng thép, đều phải nhập. Cũng muốn chuyển sang dùng phụ liệu Việt Nam, nhưng sau một lần test 2.000 cặp mút để lên hàng, phát hiện ra bên trong áo bị ố, chị đã phải ngưng hoàn toàn, nhập lại hàng của Đài Loan.
Điệp nói: “Tôi đã cầm cái gọng đi khắp các công ty thép Việt Nam đặt hàng nhưng không ai chịu làm, cuối cùng phải nhập từ Tây Ban Nha. Dù rất muốn 100% sản phẩm made in Vietnam, nhưng thực sự nguyên liệu phải nhập từ Tây Ban Nha, Malaysia, Indonesia… hết 50% rồi”.
Mỗi tháng mấy phiên hội chợ là những lần đào thải khắt khe qua chương trình mặc thử vài trăm áo và cho ý kiến. Kênh thông tin này khiến Điệp tự tin hơn. Điệp nói: “Tôi muốn tạo ra những sản phẩm đẹp, chất lượng, giá phải chăng. Muốn vậy, ngoài sự nhạy bén, quyết tâm, kiên trì… còn cần cái tâm hết lòng cho cộng đồng”.
Điệp cho rằng gia công cho nước ngoài có thể lời nhiều hơn nhưng sẽ biến đất nước thành gia công hết, làm sao có được những thương hiệu của người Việt.
Theo Thế giới tiếp thị