Cô gái khởi nghiệp thành công từ tháng lương cuối cùng
Sau khi lãnh tháng lương cuối cùng ở công ty cũ, cô gái 24 tuổi đã dùng số tiền 10 triệu đồng để gây dựng cho mình một thương hiệu túi xách thủ công mỹ nghệ. Hiện nay túi xách của cô được xuất đi nhiều nước trên thế giới.
Từ lời thách thức của ông chủ
Nguyễn Xuân Diệu (28 tuổi) tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh một trường ĐH ở TP HCM. Sau khi tốt nghiệp, Diệu làm thư ký - trợ lý cho giám đốc của một công ty sản xuất túi xách thủ công mỹ nghệ. Tuy vị trí công việc chủ yếu liên quan đến văn phòng, nhưng trên thực tế, Diệu được giám đốc giao khá nhiều việc. Chính vì vậy, Diệu phải làm quen với tất cả các khâu để có thể sản xuất ra một chiếc túi xách.
Trong quá trình làm việc, Diệu cảm thấy công việc rất phù hợp và thú vị, nên cô đã lăn xả vào tìm hiểu, học hỏi, làm việc không biết mệt. Ngoài giờ làm việc, Diệu đi học thêm tiếng Anh và khóa thiết kế trên phần mềm Photoshop. Nhận thấy tiềm năng của sản phẩm này là rất lớn, nhiều khách hàng đến từ Nhật, Pháp, Úc, Mỹ có nhu cầu ngày càng cao, Diệu nói với ông chủ nên sáng tạo thêm mẫu mới để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng. Tuy nhiên, vị giám đốc này lại không đồng tình, chỉ muốn an toàn với những mẫu mã truyền thống.
Có lần, một khách hàng nước ngoài yêu cầu thiết kế và sản xuất một mẫu túi xách hoàn toàn mới nhưng giám đốc của Diệu ngại làm vì thấy khó. Diệu bèn đề xuất để mình làm thử. Về nhà mày mò thiết kế ra 8 mẫu từ ý tưởng của khách, thì Diệu được khách ưng ý tới 6 mẫu và quyết định ký hợp đồng với đơn hàng lên tới cả ngàn chiếc. Hào hứng với thành công đó, Diệu tiếp tục đưa ra ý tưởng về những mẫu mã mới với mong muốn công ty phát triển, đột phá nhưng không được giám đốc ủng hộ. Quá ức chế, Diệu nói với sếp: “Nếu anh không làm, em sẽ tự làm!”. Giám đốc đáp lại: “Em không bao giờ đủ khả năng để làm riêng đâu!”.
Cảm thấy vừa bất lực, vừa tự ái, Diệu quyết định nghỉ việc và nhận tháng lương cuối cùng là 11 triệu đồng. Diệu về quê ở Đồng Tháp 2 tháng, sau khi suy nghĩ, cô bắt đầu lên kế hoạch cho một hành trình mới, khởi nghiệp với số tiền còn lại - 10 triệu đồng.
Mất bạn bè, người yêu vì ham việc
Lúc đầu, ba mẹ của Diệu phản đối kịch liệt vì công việc này đã khiến Diệu mắc bệnh viêm mũi dị ứng (hậu quả của việc xuống xưởng tiếp xúc quá nhiều với nguyên liệu trong quá trình xử lý). Tuy nhiên, thấy con quá tâm huyết, nên gia đình cô đã chấp thuận.
Trong 2 tháng về quê, Diệu đã nhờ một người thợ thân thiết trong công ty cũ về dạy đan cho những người nông dân ở đây. Vì số vốn chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng, Diệu đã tự thiết kế mẫu, rồi lên TP HCM mua phụ kiện (dây, vải…) tự may thành chiếc túi hoàn thiện. Lúc đầu chỉ có 3-4 mẫu, Diệu bắt đầu đi chào hàng. Bán được chiếc nào, Diệu có tiền lại tiếp tục làm thêm những mẫu mới. 9 tháng sau, Diệu đã xin giấy phép kinh doanh cho sản phẩm của mình.
Đến nay, sau 4 năm gầy dựng, sản phẩm của Diệu đã xuất đi rất nhiều nước Mỹ, Úc, Pháp, Nhật… với mẫu mã phong phú, được nhiều khách hàng hài lòng.
Diệu cho biết: “Thường mỗi đơn hàng của em ít nhất là 500 chiếc, nhiều nhất là 5.000 chiếc. Khi có hợp đồng, em đưa mẫu về quê cho khoảng 60 anh chị trong xã và xã kế bên làm. Em luôn cố gắng để có được nhiều đơn hàng, không chỉ cho mình, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác, giúp họ có thu nhập từ 3-5 triệu/tháng, tùy vào số lượng sản phẩm”. Được biết doanh thu năm 2017 của Diệu là 3,6 tỉ đồng.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, Diệu cho rằng nhờ có “máu” kinh doanh, có đam mê, nhiệt huyết với công việc, có sự hứng thú với những chiếc túi xách xinh xắn được làm từ những nguyên liệu độc đáo, mà mình có được sự thành công như hôm nay. Nhưng khó khăn đến với Diệu cũng nhiều vô kể.
“Mặc dù mình đã có sự am hiểu và có kinh nghiệm, nhưng có những tình huống hết sức bất ngờ trong quá trình kinh doanh làm mình dễ chùn bước. Chẳng hạn, có lần mình xuất 5.000 giỏ xách trị giá 420 triệu đồng sang Pháp, gặp thời tiết bên đó lạnh nên lớp sơn hồng trang trí trên ngoài rớt hết ra. Quá lo sợ uy tín bị mất, mình nói với khách sẽ làm lại, nhưng may quá vị khách này đã thông cảm, chỉ yêu cầu làm lại hơn 100 chiếc. Đó là một bài học xương máu cho sự chủ quan, bất cẩn. Rồi có vị khách kia ký đơn hàng 300 triệu đồng, hàng đã nhận đủ nhưng đến nay 2 năm rồi vẫn nợ 160 triệu đồng. Thời điểm đó trong túi mình không còn tiền để trả cho thợ, nên phải cầu cứu ba mẹ. Đó là những lần mình muốn bỏ cuộc”, Diệu kể lại.
Hỏi về những “được, mất” sau 4 năm khởi nghiệp, cô gái mạnh mẽ, đầy quyết đoán này cho biết cái được lớn nhất là mình đã vượt qua giới hạn của bản thân để làm được điều mình yêu thích, mong muốn nhất, và chứng minh cho ông chủ cũ thấy mình hoàn toàn có thể làm được. Cái được thứ 2 là “kiếm được rất nhiều đơn hàng, tạo được việc làm cho nhiều người. “Nhưng mình cũng mất khá nhiều đấy. Mất người yêu. Bạn trai mình đã chia tay mình vì thấy mình tham công tiếc việc, không dành thời gian đi chơi. Yêu nhau gì mà 1-2 tuần mới gặp nhau một lần. Bạn bè rủ đi chơi, đi cà phê hoài mà mình bận nên giờ cũng nghỉ chơi với mình luôn”, Diệu ngậm ngùi. Tuy nhiên, công việc đã mang lại niềm vui và khiến mình quên đi những nỗi buồn khác. Mình có những đối tác thân thiết tuyệt vời, sẵn sàng bay từ Singapore, Pháp qua chơi, đi ăn đi uống, chia sẻ chuyện công việc, cuộc sống”, Diệu chai sẻ.