Cô gái Việt đưa phở vào TPP

Quyết giải tán cả công ty tư nhân may gia công đang làm ăn phát đạt để quay về với nghề phở truyền thống của gia đình, cô gái cầm tinh con mèo giàu tham vọng gốc Nam Trung bộ này, đang xoay xở bán phở ra toàn cầu theo lối riêng.

Tên cô là Nguyễn Thị Thanh Nguyên, người đang giữ kỷ lục với công nghệ sản xuất nhiều loại bánh phở màu tự nhiên từ rau củ quả. Cô cũng đang kinh doanh tiệm phở thương hiệu Hai Thiền, khá hút khách ở khu phố Tây sầm uất bậc nhất Sài Gòn.

Bán nhà “nuôi” phở

Bên tách cà phê, tận hưởng tiết trời TP.HCM se lạnh lạ thường dịp cuối năm và tổng kết lại năm qua, điều Nguyên hài lòng nhất là chị đã xúc tiến để mở xưởng sản xuất bánh phở tại Mỹ. Đó là chiến lược mang phở vào thị trường TPP. Bởi với quy mô sản xuất hàng loạt, tiêu chuẩn Mỹ sẽ giúp bánh phở của chị dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.

Đồng thời, ở một hướng tiếp cận khác, chị cũng mới chuyển giao thêm một máy làm bánh phở (trị giá 8.000 USD) cho một Việt kiều Đài Loan, nâng tổng số máy bán ra toàn cầu là 20 máy. Trong khi đó, ngoài việc cung cấp độc quyền loại bột làm nên những sợi bánh phở nổi màu tự nhiên độc đáo; chị cũng tranh thủ tạo thị trường riêng cho dòng sản phẩm ưng ý của mình, ở các nước. Mọi chuyện đẹp như một giấc mơ, nếu chưa nhìn lại những trầy trật của hành trình khởi nghiệp...

Một quyết định mang tính lãng mạn được đưa ra năm 2009, lúc Nguyên đang điều hành công ty may tư nhân đang ăn nên làm ra của mình: quay về kinh doanh phở. Gọi là quay về bởi từ thập niên 1980, lò bánh phở của Hai Thiền (Nguyễn Văn Thiền), ba chị đã nổi tiếng tại Hàm Tân (Bình Thuận). Ba mẹ chị cùng lò bánh phở ấy nuôi hết 11 đứa con học hết đại học thì nghỉ. Phở với Nguyên có thể coi là nghiệp và chị quyết định nối nghiệp. Nhưng những cơ cực của nghề làm bánh phở bán thủ công cũng giúp cô con gái út nhận ra, phải làm bằng máy và tăng tính tiện dụng của loại bánh này thì mới chiếm lĩnh được thị trường. Tiền bán công ty, tiền bán nhà (khoảng 10 tỉ đồng) chị dốc hết vào việc thuê người sáng chế máy làm bánh phở, công thức làm bột... Nhưng kết quả lại ê chề. Những chiếc máy thuê tiến sĩ trong nước sáng chế chỉ có tác dụng trưng bày. Những mẻ bánh làm mẫu nhỏ thì thành công nhưng làm đồng loạt phải đổ bỏ bởi gạo đã bị tráo đổi so với hợp đồng ban đầu...

Chính trong những thời điểm khó khăn ấy, giá trị tình thân được phát huy. Những người chị, anh rể trong gia đình xúm vào giúp chị nghĩ cách cải tiến chiếc máy cổ lỗ sĩ của gia đình ngày xưa. “Lần này tôi lại thấy giá trị của việc... làm biếng. Ngày xưa do làm biếng nên phải nghĩ cách rút ngắn cách xếp bánh phở sao cho xong sớm còn đi chơi, nhờ vậy mà làm nhanh hơn. Nay cứ vậy mà áp dụng, cải tiến từ từ cuối cùng cũng chế tạo thành công bánh phở, kích thước nhỏ gọn hơn, công suất cao và tiện dụng hơn”, chị Nguyên chia sẻ. Nhờ vậy mà trước đây nếu vận hành hết công suất, mỗi giờ chỉ làm được 20 - 30kg bột thì nay đã gần 150kg. Và cũng từ tình thương dành cho đứa cháu ruột ở độ tuổi ăn dặm nhưng kén ăn, giúp chị thai nghén ý tưởng làm ra những loại bánh phở nhiều màu sắc bằng cách: nhuộm màu bột từ nước cốt rau củ quả - dễ dụ trẻ con ăn. Đó là tiền đề ra đời những sản phẩm kinh doanh hút khách sau này: phở xào, phở cuốn với bảy màu sắc tự nhiên từ gấc, cải xanh, bí ngô, củ dền, cải tím, gạo lứt, mè đen. Để giới thiệu sản phẩm bánh phở độc đáo của mình, ý định ban đầu của Nguyên là mở một cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, những sản phẩm của chị lập tức thu hút khách hàng, không chỉ xem mà còn ăn thử.

Và tiệm phở Hai Thiền được mở ở đầu đường Bùi Viện, quận 1, TP.HCM.

Phở Việt “made in USA”

Sản phẩm bánh phở mới lạ của Nguyên lập tức thu hút đông đảo mọi người, trong đó có những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Ít nhất hai lần, những vị khách đặc biệt ấy cố tình tiếp cận bí quyết làm bánh phở. Ý định không thành, họ nài nỉ xin tham quan, lén quay phim và chụp hình. Biết điều đó, nhưng cô chủ vẫn niềm nở. Bởi vì, cô nắm giữ bí quyết quan trọng nhất - công thức làm bánh phở: “Tôi có thể bán cho họ máy làm bánh, còn công thức thì giá nào cũng không thể bán! Nghề phở là nghề của dân tộc chứ không phải của riêng mình. Nhất quyết không để nó mất vào tay nước ngoài!”. Đó là lý do cô tự tin bán hàng loạt máy làm bánh phở ra nước ngoài mà không sợ “bắn vào chân mình”.

Mang máy làm bánh phở sang đặt ở Mỹ, là một bước đi đầy tính toán của Nguyên. Chị thừa nhận: “Bây giờ không thể lãng mạn như trước mà phải nghiêm túc hơn. Đó là, một thị trường rộng lớn, giàu tiềm năng; trong khi mình có sản phẩm độc đáo để kinh doanh. Điều tôi tự tin và tâm đắc nhất là hàng của chúng tôi không dùng phụ gia. Ngay cả gạo làm bột phở cũng được nhập từ quê nhà”.

Nguyên cho biết, nếu tiếp cận theo cách truyền thống, xuất khẩu bánh phở từ trong nước ra: Mỹ, Pháp... sẽ bị nhiều rào cản kỹ thuật. Đó là, chưa nói đến nhiều thị trường nước ngoài đánh mức thuế rất cao, như“Hàn Quốc là 513%, Đài Loan còn cao hơn nữa” - Nguyên nhăn mặt nói.

Nhưng nếu “đu” theo làn sóng TPP, sẽ lợi lộc đủ đường. “Khi sản xuất ở Mỹ, với hàng rào tiêu chuẩn Mỹ, đó là sự bảo chứng; để sản phẩm không chỉ tiêu thụ trên thị trường nước này mà còn tuôn ra các thị trường khác một cách suôn sẻ”, Nguyên nhấn mạnh từ “bảo chứng”.

Tuy nhiên, với Nguyên, việc mang chuông đi đánh xứ người là chuyện chẳng đặng đừng. Những thất bại “te tua” với phở, mang lại cho chị quá nhiều bài học! Từ việc 20 tấn gạo đầu tiên bị trộn hàng, khiến sợi phở cứ đứt vụn, hay ở trung tâm TP.HCM và một số đô thị lớn khác trong nước, hễ bước ra là gặp quán - không theo quy hoạch hay tiêu chuẩn nào nên rất khó để phát triển. “Có đi nước ngoài, thăm dò thị trường bột và bánh mới thấy thương đứt ruột hạt gạo xứ mình! Phẩm chất rõ ràng tốt, làm ra cọng bánh phở có vị ngọt tự nhiên, tiếc là không có công nghiệp phụ trợ”, Nguyên tặc lưỡi chia sẻ. Và tham vọng lớn hơn của Nguyên là, sẽ hướng sản phẩm bánh phở của mình theo tiêu chuẩn organic (nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ). “Chúng tôi tự tin phở Việt sẽ làm nên chuyện! Bởi đây là sân chơi quốc tế, mọi thành phần phải ghi công khai. Quan trọng hơn, thị trường phở ở Mỹ vẫn còn... nóng lắm”, Nguyên nhận định.

Vài hôm nữa, Nguyên sẽ có chuyến bay “bản lề” sang Mỹ, để xúc tiến những công việc cuối cùng của giấc mơ đưa phở Việt vào TPP. Dường như với cô gái thông minh và rắn rỏi này, nàng xuân đang về sớm hơn!
 

Bình luận của bạn