Doanh nhân Nguyễn Thị Ánh Tuyết và giấc mơ nano made in Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty cổ phần Dự án công nghệ Nhật Hải (OIC) đang muốn ghi tên OIC vào danh sách những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất chế phẩm nano - một trong những sản phẩm đang làm nên xu hướng mới trong đời sống con người.
Dịp này, lịch làm việc của bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty OIC luôn đậm… nano (công nghệ liên quan đến việc thiết kế, phân tích, chế tạo và ứng dụng các cấu trúc, thiết bị và hệ thống bằng việc điều khiển hình dáng, kích thước trên quy mô nanomet, 1 nm = 1/1.000.000 mm). Lịch ký kết với các doanh nghiệp có vườn thực nghiệm vừa hoàn tất. Trong quý III/2015, việc thử nghiệm các sản phẩm phân bón cho cây trồng có sử dụng chế phẩm nano của OIC sẽ được tiến hành. Đây sẽ là chế phẩm nano đầu tiên mà OIC đưa vào thử nghiệm. Tiếp sau là các chế phẩm dùng trong lĩnh vực thực phẩm, dược liệu, mỹ phẩm và các sản phẩm khác…
Các thủ tục đầu tư nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội cũng đang được xúc tiến cùng với đối tác là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G (N&G Corp). Dự kiến, dự án nhà máy này sẽ được triển khai xây dựng vào đầu năm 2016.
Không phải đến giờ, tham vọng sản xuất chế phẩm nano của bà Tuyết mới lộ diện. Hồi tháng 3/2015, khi tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp nữ ASEAN tại Hà Nội, bà Tuyết đã đăng đàn với mong muốn tìm đối tác cho kế hoạch mà bà xác định sẽ làm “thay đổi OIC về mặt bản chất”. Rồi mới đây, bà Tuyết cùng chồng là Tổng giám đốc OIC đã cất công sang Israel tham dự triển lãm sản phẩm nông nghiệp lớn nhất của quốc gia nổi danh với nền nông nghiệp công nghệ cao để tìm hiểu thông tin về công nghệ nano…
Trước đó, OIC cũng đã khiến thị trường lưu tâm khi thông tin về việc mua lại công nghệ và toàn bộ dây chuyền sản xuất nano chitosan - một chế phẩm dùng trong lĩnh vực y dược, nông nghiệp, đời sống - của một doanh nghiệp Nhật Bản được tiết lộ. Thậm chí, đi kèm với thông tin này, khả năng sản phẩm nano của OIC có đầu ra tại Nhật Bản ngay khi đi vào sản xuất đã khiến tên tuổi OIC nano nóng lên, hơn cả OIC công nghệ thông tin - lĩnh vực cốt lõi mà OIC đã chọn từ khi thành lập (năm 1997), khi còn là Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại Nhật Hải. OIC công nghệ thông tin từng làm nên thương hiệu OIC khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần vào năm 2003, nhưng đã chững lại từ vài năm trở lại đây.
“Trong vòng 5 năm nữa, với sự thành công của dự án sản xuất chế phẩm nano tại Việt Nam mà chúng tôi đang đặt kỳ vọng, OIC sẽ bước sang trang mới với sự phát triển cả về tầm rộng và chiều sâu, bởi các chế phẩm nano sẽ tạo nên những thay đổi lớn về giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng… của doanh nghiệp Việt Nam”, bà Tuyết chia sẻ hình ảnh OIC trong tham vọng ghi tên OIC vào danh sách những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất chế phẩm nano.
Thậm chí, nữ doanh nhân này còn đặt kỳ vọng nhiều hơn vào các chế phẩm nano made in Việt Nam khi tin rằng, với mức giá rẻ, có thể chỉ bằng 1/10 giá sản phẩm nanochitosan cùng loại đang được nhập từ Nga, hàng hóa made in Việt Nam sẽ có giá trị mới để làm nên sức cạnh tranh mới trong hội nhập kinh tế, trước mắt trong thị trường ASEAN đang phẳng dần ra khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm nay.
“Phương án kinh doanh đã tính kỹ. Chúng tôi tin vào các dự liệu của mình”, bà Tuyết khẳng định.
Thực tế, sự nóng lên của OIC nano đang kèm theo khá nhiều hoài nghi, không chỉ bởi chế phẩm nano, dẫu đang được ứng dụng khá rộng rãi trên thế giới với những lời giới thiệu có cánh về tác dụng gần như thần kỳ của chúng, nhưng vẫn khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam, mà còn bởi OIC chưa phải là một thương hiệu nổi danh trong lĩnh vực sản xuất.
Hiện tại, theo bà Tuyết, phần doanh thu đang nuôi OIC là các sản phẩm đá thạch anh nhập khẩu trực tiếp từ Brazil, chứ không phải là dòng sản phẩm liên quan đến công nghệ thông tin.
“Kể từ container đá thạch anh Brazil đầu tiên được OIC nhập về Việt Nam từ năm 2012 đến nay, OIC là nhà cung cấp đá thạch anh tự nhiên lớn nhất Việt Nam, cả về số lượng và độ độc đáo của sản phẩm. Điều mà chúng tôi tâm đắc là, chúng tôi đã khiến thị trường một sản phẩm mơ hồ về chất lượng, về giá cả được minh bạch bằng hồ sơ của từng sản phẩm. Có thể, thạch anh và công nghệ thông tin không có sự liên quan nào, nhưng khi thị trường thay đổi, điều kiện thị trường thay đổi, là người kinh doanh, chúng tôi phải lựa sóng sản phẩm để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh”, bà Tuyết chia sẻ về bước ngoặt của OIC từ công nghệ thông tin sang đá thạch anh.
Thời điểm chọn thạch anh để kinh doanh, theo bà Tuyết, là khi các dự án công nghệ thông tin mà OIC đã theo đuổi bắt đầu bước vào chu kỳ giảm. Cùng lúc đó, kinh tế khó khăn, các khoản đầu tư công dành cho mảng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước mà OIC đang khai thác cũng bị cắt giảm.
“Chúng tôi cần phải xoay chuyển để nuôi dòng sản phẩm cốt lõi của mình. Quyết định đến với thạch anh rất nhanh. Chồng tôi - Trưởng ban Kinh tế Hội Hữu nghị Việt Nam - Brazil đã tiếp cận được nguồn hàng đá thạch anh đẹp, chất lượng tại quê hương của của những phiến thạch anh đẹp và độc nhất thế giới. Hơn nữa, sự chuyển đổi cũng có phần đến từ sở thích cá nhân, khi cả hai chúng tôi đều mê thạch anh, mê ứng dụng vô cùng lớn của thạch anh trong công nghệ chính xác, trong cảm xạ, trong sinh học… của loại đá đặc biệt này”, bà Tuyết kể và cho rằng, quyết định mở thêm dòng sản phẩm đặc biệt này đúng lúc đã hỗ trợ OIC trong nỗ lực duy trì các khoản đầu tư vào công nghệ thông tin cho đến bây giờ.
Nhưng với các dự án sản xuất chế phẩm nano, mọi việc không đơn giản chỉ là có đầu mối mua và bán như với thạch anh.
“Nhiều người đã hỏi chúng tôi, OIC có đủ sức để làm được dự án này không, vì dự án này không đơn giản là đầu tư vốn. Có ba điều mà chúng tôi giải thích cho các đối tác và cả các cơ quan quản lý nhà nước khi bảo vệ dự án của mình. Một là, chúng tôi có kinh nghiệm trong quản lý các dự án công nghệ thông tin với những quy trình thực sự khắt khe. Hai là, chúng tôi có doanh nghiệp chuyển giao công nghệ với các chuyên gia hàng đầu, đã thành công tại thị trường Nhật Bản - một thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Ba là, đây là xu thế của thị trường. Nếu như công nghệ thông tin đã làm nên các cuộc cách mạng trong thế kỷ XX, thì nano được cho là sẽ làm nên những đột phá trong đời sống kinh tế trong thế kỷ này. Đầu ra của chúng tôi là đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất khác, mà nhu cầu này đang tăng cao khi các doanh nghiệp muốn tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình. Chúng tôi tin, giấc mơ nano made in Việt Nam không phải là hão huyền”, bà Tuyết chia sẻ.
Không muốn nói đến khoản đầu tư cho dự án này, vì có các đối tác khác cùng tham gia, nhưng bà Tuyết không hề nghi ngờ vào thành công của Dự án. “Đối tác người Nhật Bản của chúng tôi cũng rất đặc biệt. Ông ấy có công nghệ, dây chuyền, nhà máy, nhưng tuổi đã cao, con cái không muốn theo nghề. Ông ấy muốn chia sẻ công nghệ đó với mọi người và chúng tôi đã tìm đến nhau như một cơ duyên. Ông cho biết sẽ hỗ trợ Dự án cho đến khi chúng tôi nói không cần ông ấy nữa. Chúng tôi tin vì tâm huyết của chính mình và của các đối tác”, bà Tuyết nói và kể tới các nhà khoa học đang cộng tác với dự án, có những vị đã 27 năm nghiên cứu trong lĩnh vực này…
Cảm giác như không có câu hỏi nào làm khó nữ giám đốc của OIC. Kể từ cách kinh doanh đa ngành đến những nỗi lo về nguồn nhân lực tới đây mà bà có thể sẽ phải vất vả mới có được khi bước chân vào một lĩnh vực sản xuất mới. Hay như câu chuyện xử lý quyền lực khi vợ chồng cùng lãnh đạo doanh nghiệp, rồi cả xu hướng tươi trẻ, vui vẻ hết mình trong cuộc sống gia đình mà bà đang cổ xúy trong Hội Nữ doanh nhân Hà Nội.
“Đúng là không thể nói trước được điều gì, nhưng quan điểm của tôi là mọi kế hoạch phải phù hợp với điều kiện thực tế. Tôi sẵn sàng thay đổi kế hoạch nếu các điều kiện tính toán thay đổi, chứ không ép mình vào một khuôn mẫu định sẵn. Tôi có cách nghĩ là đơn giản hóa các vấn đề và chân thành trong mọi việc, kể cả với chồng”, bà Tuyết thẳng thắn chia sẻ.
Theo baocongthuong.com.vn