Độc đáo nghề kiếm tiền từ gốc tre phế thải

Những gốc tre sần sùi, thô ráp tưởng chừng như thứ bỏ đi đã được anh Huỳnh Phương Đỏ (SN 1973, phường Cẩm An, TP Hội An, Quảng Nam) thổi hồn vào đó để tạo nên những sản phẩm hút mắt người xem.

Là một người đam mê nghề mộc, thế nhưng tiền thù lao ít ỏi của công việc này không giúp anh trang trải nổi cuộc sống gia đình. Đến năm 2002, trận lũ kinh hoàng gây ngập úng khắp vùng Hội An. Người trong làng hối hả, cuống cuồng chạy lũ, chỉ có riêng anh Đỏ lội nước, bơi ghe đi nhặt những gốc tre trôi nổi giữa sông. Từ đây, nghề khắc hình trên gốc tre đã bén duyên với chàng trai này.

alt

Anh Huỳnh Phương Đỏ tâm sự: “Nhìn những gốc tre với bộ rễ dài trôi nổi trên dòng nước lũ, khuôn mặt, hình hài nhân vật thoáng qua trước mắt tôi. Sau nhiều đêm trằn trọc tôi nghĩ tự tay mình sẽ khắc họa trên gốc tre đó những khuôn mặt lạ lẫm với mục đích kinh doanh”.

 Ngày ấy người dân trong làng vẫn còn ngỡ ngàng trước hành động lạ lẫm của đôi vợ chồng nghèo. Chỉ khi những tác phẩm sinh động, mộc mạc ra đời trên gốc tre phế thải thì họ mới trầm trồ, thán phục.

 Với bàn tay điêu luyện cộng với sự miệt mài, cần mẫn, anh “Đỏ gốc tre” đã cho ra đời những tác phẩm hết sức độc đáo, thu hút người xem.

Anh Đỏ chia sẻ: “Cái khó của việc khắc họa hình ảnh trên gốc tre là mình phải hình dung được nhân vật nào hợp với gốc tre nào mình đang muốn xử lý. Những ngày đầu, tự mình mày mò trên internet rồi tham khảo khắp nơi bây giờ mình chỉ cần nắm gốc tre là mình biết được đẽo hình gì cho hợp”.

 Gần 12 năm gắn bó với cái nghề “độc nhất vô nhị”, anh “Đỏ gốc tre” đã lưu giữ được hình ảnh nét quê bình dị, dân dã.

Đó là khuôn mặt của anh nông dân bụi bặm, những cô gái cô gái duyên dáng bên chiếc nón lá hay hình ảnh mang điều cầu may như Phúc -Lộc -Thọ, Quan Công.

Từ những gốc tre phế thải, chàng trai phố Hội tạc nên những món quà lưu niệm hết sức độc đáo cho du khách gần xa.

Không chỉ tạo dựng cơ ngơi ổn định và thu nhập vững chắc cho mình, anh Đỏ còn mở lớp dạy nghề khắc họa trên gốc tre miễn phí cho những thanh niên trong làng.

Dựa theo những nhân vật có sẵn anh Đỏ cần cù khắc họa trên gốc tre. Nếu khách có nhu cầu đặt hàng “độc”, anh vẫn làm với mức thù lao cao hơn.

Mỗi ngày anh Đỏ có thể tạo ra được hơn 10 sản phẩm thường với mức giá dao động từ vài trăm ngàn đến tiền triệu tùy theo kích cỡ và hình dáng. Nhờ vậy mà vợ chồng anh vươn lên làm giàu, có thu nhập ổn định.

Theo http://danviet.vn

Bình luận của bạn