Đưa công nghệ “khủng” vào trang trại nuôi lợn sạch
Đầu tư gần 10 tỷ đồng mua máy móc, trang thiết bị để nuôi lợn, anh Nguyễn Văn Tuấn, 40 tuổi ở thôn Cao Quang, xã Cao Minh (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) đang sở hữu trang trại nuôi lợn sạch “khủng” nhất vùng, với khoản lãi lên đến hàng tỷ đồng/năm.
Chuyển nghề vì… “yêu” lợn
Tiếp chúng tôi là một người đàn ông bảnh bao, có lối nói chuyện rất dễ mến. Anh Nguyễn Văn Tuấn – chủ trang trại cho biết, mặc dù thích chăn nuôi từ bé, nhưng trước khi đến với nghề này, anh đã từng làm chủ một doanh nghiệp xây dựng có tiếng, đã từng thi công nhiều công trình ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn… “Tôi làm xây dựng từ năm 1999, có lúc quản lý cả trăm công nhân, mỗi năm nhận hàng chục công trình. Nhưng do suy thoái kinh tế, xây dựng ngày càng khó khăn nên tôi có ý định chuyển sang chăn nuôi. Đầu năm 2008, một người bạn rủ tôi lên Thái Nguyên thăm quan một trang trại. Khi quan sát, tìm hiểu, tôi thấy nghề chăn nuôi khá ổn định, nếu biết cách có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình mà không phải đi đâu xa. Vì vậy tôi quyết định chuyển nghề” – anh Tuấn chia sẻ.
Hàng ngày ông Nguyễn Văn Tuấn vẫn vào chuồng thăm lợn, có hôm ông thức trắng để xem 5 – 6 lợn nái đẻ, với ông mỗi con lợn đẻ ra là một niềm vui.
Anh Tuấn chọn nuôi lợn, bởi theo anh con lợn rất đáng yêu và nó là vật nuôi đã gắn bó với anh từ thời thơ ấu. Thêm nữa, thịt lợn vẫn là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình, do đó nuôi lợn sẽ có triển vọng.
Lúc đầu do kinh nghiệm chưa có, lại ít vốn nên anh Tuấn chỉ nuôi 200 lợn thịt, khu chuồng trại cũng đầu tư đơn giản. Rất may lứa lợn đó được giá, sau khi trừ chi phí anh lãi hơn 200 triệu đồng. Nuôi được vài lứa, anh Tuấn nhận thấy việc không chủ động được con giống rất bất cập, mua giống ở ngoài thì lo không đảm bảo chất lượng nên năm 2009, anh quyết định đầu tư nuôi 120 nái và 800 lợn thịt. Sang năm 2010, anh thành lập Công ty TNHH MTV Phát Đạt.
Anh Tuấn tâm sự: “Đầu tiên tôi chọn nuôi lợn nái của Công ty CP và hiện nuôi thêm lợn Greenfeed. Đây là những giống lợn khỏe, ít bệnh, nhanh lớn, thịt ngon. Lợn nái đẻ con ra, ngoài để nuôi tôi còn bán giống cho bà con. Nhưng chỉ bán cho những người biết yêu quý lợn. Chứ những người nuôi theo phong trào, không nắm chắc kỹ thuật nuôi, để chuồng trại bẩn tôi không bán. Bán cho họ nhỡ không may lợn chết, họ bị thiệt hại còn mình thì mất uy tín. Bán cho những người đó chỉ… khổ lợn!”.
Gần 10 tỷ đồng đầu tư máy móc
Anh Tuấn cho biết, với diện tích 2ha, hàng năm trang trại nuôi lợn sạch của anh đều tăng đàn và hiện đang nuôi 500 lợn nái, 1.300 lợn thịt/lứa. Anh cũng đang tiếp tục xây mới một khu chuồng, dự kiến sẽ nuôi khoảng 200 lợn nái. Với số lượng lợn nái lớn như vậy, mỗi năm trang trại của anh sản xuất khoảng 12.000 lợn giống, anh để lại 8.000 con nuôi, còn lại bán ra thị trường với giá khoảng 1,5 triệu đồng/con.
Theo quan niệm của anh Tuấn, con vật cũng như con người, chúng cần có môi trường sống tốt, thức ăn tốt mới phát triển mạnh khỏe. Vì vậy, trong 2 năm từ 2013 - 2014, anh Tuấn đã mạnh tay chi gần 10 tỷ đồng để mua các trang thiết bị, công nghệ hiện đại nhất hiện nay nhằm phục vụ việc nuôi lợn.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, để có con giống tốt phải có bố, mẹ tốt, sạch bệnh, con giống phải được tiêm đủ 5 loại vaccine.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng trại, anh Tuấn cho biết mọi khâu đều kép kín, chuồng được xây cao, thoáng mát, máng ăn bán tự động. “Tôi hoàn toàn có thể mua máng ăn tự động, nhưng với điều kiện khí hậu, nhiều dịch bệnh như nước ta hiện nay thì máng ăn tự động không thích hợp, bởi rất khó kiểm soát được con nào ăn nhiều hay ít. Còn máng bán tự động, con nào ăn ít mình biết ngay, từ đó sẽ kiểm tra xem nó đang ốm hay có triệu chứng gì để kịp thời điều trị” – anh Tuấn nói.
Chỉ tay vào những tấm làm mát máy lọc không khí, hệ thống quạt, anh Tuấn cho biết, hầu hết những vật liệu, thiết bị trang trại đang sử dụng đều là hàng nhập khẩu. Theo anh Tuấn, để chăn nuôi thành công trước tiên phải có con giống tốt, và để có con giống tốt thì phải chăm sóc bố, mẹ tốt. “Thông thường mỗi con lợn từ lúc sinh ra cho đến khi xuất chuồng phải được tiêm ít nhất 5 mũi vaccine, gồm tai xanh, lở mồm long móng, xuyễn, chống còi cọc, dịch tả. Nhưng khi tôi xuất chuồng thì mới tiêm 2 loại là xuyễn và chống còi cọc, do vậy khi bán giống tôi phải hướng dẫn để bà con tiêm đúng ngày, đúng vaccine” – anh Tuấn chia sẻ.
Nhìn cách anh Tuấn cẩn thận chăm sóc, nâng niu từng chú lợn con, ai cũng có thể thấy anh yêu quý đàn lợn như thế nào, đặc biệt anh rất thích xem lợn đẻ. Có nhiều lần anh đã thức trắng đêm cùng đội ngũ bác sĩ thú y để xem 5 – 6 con lợn nái đẻ. “Con lợn cũng như con người vậy, khi đẻ cũng đau đớn quằn quại, nên sau khi lợn nái đẻ xong tôi đều bồi dưỡng cho chúng. Với tôi, khi được nhìn mỗi con lợn sinh ra tôi rất vui sướng” – anh Tuấn nói.
Đi thăm khắp khu chuồng của trang trại nuôi lợn sạch này, chúng tôi không hề ngửi thấy mùi hôi thối, cũng chẳng thấy phân thải ra. Thấy chúng tôi tò mò, anh Tuấn chỉ tay về phía hệ thống hầm biogas ngầm phía dưới nền chuồng rồi bảo: “Hiện 100% phân, nước thải đều được xả xuống hầm biogas nên chuồng trại rất sạch. Sắp tới tôi sẽ đầu tư một máy ép phân của Italia để ép phân bán cho các hộ trồng rau, cây cảnh, còn nước thải sẽ được lắng xuống hầm biogas. Như vậy chuồng không những luôn sạch sẽ mà tôi còn có thêm một khoản thu từ bán phân lợn”.
Chăn nuôi sạch theo chuỗi không sợ TPP
Trong khi hầu hết người chăn nuôi nhỏ lẻ đều tỏ ra lo lắng, e dè khi nước ta gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì anh Tuấn lại rất đủng đỉnh. Anh cho biết, sau mấy năm gắn bó với chăn nuôi, anh đúc kết ra rằng chỉ có chăn nuôi sạch, khép kín theo quy trình VietGAP thì mới có lãi và an toàn. Do đó anh đã chủ động con giống khỏe, tự sản xuất thức ăn bằng việc mua 2 máy trộn, mua ngô, cám gạo, khô dầu, cá để tự nghiền. “Vấn đề người chăn nuôi cần làm hiện nay là phải làm sao để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ thì TPP không những không đáng sợ, mà còn là cơ hội để làm giàu” – anh Tuấn tự tin nói.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, việc sử dụng máng ăn bán tự động có thể kiểm tra được lợn ăn nhiều hay ít, đang khỏe hay ốm để kịp thời chữa trị.
Đặc biệt, để tiêu thụ tốt sản phẩm, năm 2014 anh Tuấn đã xây 1 lò mổ, công suất 50 – 70 con lợn/ngày, mọi khâu đều đảm bảo đúng quy chuẩn an toàn vệ sinh giết mổ. Chia sẻ về khoản đầu tư này, anh Tuấn cho biết: “Hiện tôi có 2 điểm bán thịt lợn ở 130 Ngô Quyền (TP.Vĩnh Yên) và 233 Trường Chinh (thị xã Phúc Yên), trung bình mỗi ngày tiêu thụ 1 – 1,2 tấn lợn hơi. Ngoài ra tôi còn cung ứng hàng cho Công ty giò chả Trung Anh nên hiện trang trại vẫn chưa đủ lượng thịt cung cấp cho thị trường”.
Cũng trong năm 2014, trang trại nuôi lợn sạch của anh Tuấn đã được cấp chứng chỉ VietGAP. Trò chuyện với chúng tôi, anh luôn khẳng định thịt lợn của trang trại là lợn sạch, an toàn, giết mổ đúng quy chuẩn. “Tôi luôn lấy chữ tín, sự hài lòng của khách hàng làm thước đo. Vì vậy khi lợn được 40 – 50kg tôi không dùng vaccine nữa, cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên. Khi đạt trọng lượng 80 – 100kg, lợn đã thải hết kháng sinh đã tiêm trước đó nên thịt rất chắc, ngon và an toàn” – anh Tuấn nói.