Đường kinh doanh trắc trở của ông chủ ngọc trai
Tốt nghiệp đại học, anh Tuấn đầu quân cho công ty tin học ở TP HCM. Năm 2001, anh nhận được đơn hàng thiết kế website của nhóm chuyên gia Pháp thực hiện dự án nuôi trai lấy ngọc tại một số vùng biển của Việt Nam.
Thị trường ngọc trai trong nước bấy giờ chưa phát triển, chỉ có vài doanh nghiệp ngoại đầu tư vùng nuôi ở Phú Quốc, Khánh Hòa theo kiểu lấy ngọc xuất khẩu hoặc chỉ là một hạng mục phục vụ du lịch địa phương.
Sau một thời gian làm việc, anh được nhóm chuyên gia này tin tưởng, mời hợp tác với lời hứa hẹn khoản thu nhập đáng mơ ước và cơ hội học tập ở nước ngoài. "Những điều kiện này quá hấp dẫn với một người xuất thân từ nông thôn nói riêng như tôi và người trẻ Việt Nam nói chung", anh lý giải quyết định bỏ ngang nghề IT và bước vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với chính mình.
Không tìm được phiên dịch ra đảo làm việc, anh Tuấn trở thành phiên dịch viên bất đắc dĩ của 4 chuyên gia này. Anh tạo điều kiện cho họ tiếp xúc với chính quyền địa phương, xúc tiến lập doanh nghiệp, đào tạo lao động, tìm tài liệu liên quan đến dòng chảy, quan trắc ở các vùng biển để hiến kế cho các chuyên gia vùng nuôi phù hợp nhất.
Được truyền đạt kinh nghiệm nuôi ngọc trai đen tại vùng biển động ở hòn đảo Tahiti (Pháp), anh Tuấn biết rằng họ áp dụng công nghệ nuôi ngầm, chứ không để phao nổi như Việt Nam. Điều này có nghĩa, dù gặp sóng lớn hay biển động, tàu thuyền qua lại nhiều vẫn không ảnh hưởng đến những con trai nuôi sâu dưới 10m so với mặt nước. Trai là loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, nó chỉ há miệng lọc nước hút tảo sống khi biển êm nên khi nuôi ngầm, chúng lớn rất nhanh. "Đó là bí quyết tuyệt vời mà công nghệ và hiểu biết của người Việt thời đó chưa chạm đến. Tôi đã trao đổi tài liệu này với một cán bộ kỹ sư thủy sản của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn để xin lại các tài liệu liên quan đến quan trắc vùng biển ở Việt Nam", anh kể.
Nhóm cộng sự đã được cấp phép 130 ha mặt nước ở Côn Đảo, Bình Định và lập công ty riêng. Vốn góp do 4 chuyên gia người Pháp bỏ ra. Chàng trai gốc Sóc Trăng chịu trách nhiệm quản lý mọi hoạt động nuôi trồng ở vùng biển và chế tác để xuất khẩu. Cũng từ đây, hàng loạt khó khăn phát sinh mà anh không lường trước được.
Ông chủ Ngọc Trai Hoàng Gia - Hồ Thanh Tuấn.
Hoạt động 6 năm, lợi nhuận làm ra dùng để tái đầu tư nên ngoài khoản lương hàng tháng, anh không có thêm mức thưởng như phương án mà các bên chốt với nhau trước khi bắt tay hợp tác. Cơn bão khủng hoảng 2007-2008 ập đến, các đối tác ngoại rút vốn về nước, anh mất tất cả. "Tôi không tiền, không người cộng sự cùng chí hướng, mất cả tuổi trẻ, phương hướng. Tôi lao vào công việc như con thiêu thân cuối cùng chẳng còn lại gì cả", anh nhớ lại giai đoạn tồi tệ đã qua. Chưa kể, do dốc toàn bộ tâm trí, thời gian vào công việc, có khi 1-3 tháng mới về thăm nhà một lần nên anh không có thời gian cho gia đình. Đứa con trai đi mẫu giáo không nhận ra ba. Tủi thân, anh ôm con vào lòng khóc to như đứa trẻ.Người nước ngoài rất nguyên tắc, làm việc cường độ cao, đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe mà những lao động miền biển chưa thích ứng kịp. Có hôm, ngư dân kéo lô con giống lên cả triệu con để cấy ngọc nhưng không kịp xử lý để thả xuống nước trong ngày nên nhiều con ốm yếu và chết. Điều này khiến các đối tác không hài lòng.
Thất nghiệp gần một năm, đã có những lúc anh có ý định quay lại nghề IT nhưng tự hỏi lại chính mình, anh phát hiện mình nhớ những con trai, say mê những viên ngọc lấp lánh từ biển cả. Tuy nhiên, ý định này ngay lập tức bị gia đình phản đối, ai cũng chỉ ra vết xe đổ mà anh đã đi. Dần dần, sự kiên định của anh đã thuyết phục được mọi người để anh làm lại từ đầu.
Anh vay gia đình, bạn bè khoảng 100 triệu đồng làm vốn, tận dụng tầng trệt của ngôi nhà làm nơi kinh doanh. Trở lại nghề, anh vận dụng các mối quan hệ cũ để làm gia công trang sức cho họ, chủ yếu là các đơn hàng nhỏ lẻ. "Điều an ủi với tôi là các mẫu do tôi thiết kế, khách hàng rất thích. Do đam mê, thích sáng tạo nên lúc nào tôi cũng có ý tưởng mới lạ mà trên thị trường không có", anh nói.
Anh cũng huy động được những người cùng sở thích để lập thành nhóm thiết kế. Nhưng không có tiền sẵn, anh đều phải nhờ khách ứng trước để có chi phí làm đơn hàng. Cứ thế, các tiệm vàng ở nhiều tỉnh thành, khu du lịch đặt hàng anh gia công trang sức cho họ. Dần dần, anh tích lũy vốn và vay mượn thêm để đầu tư vùng nuôi cho riêng mình ở Khánh Hòa. Nhưng nuôi trai phải chờ khoảng 2 năm mới cho ra ngọc. Trong khoảng thời gian này, anh chỉ sống nhờ vào nguồn thu từ chế tác trang sức. Mọi chi tiêu trong gia đình được vợ chồng anh gói ghém ở mức tối đa.
Trại nuôi ngọc trai của anh Tuấn ở Khánh Hòa.
Sẵn có kiến thức về IT, anh lập trang web cho công ty, gom hết những mẫu chế tác do anh và đồng nghiệp sáng tạo lưu vào kho ảnh riêng. Trên trang web đăng nhiều bài viết liên quan tới cách nuôi trồng, thu hoạch ngọc, phân biệt hàng thật giả... "Tôi muốn câu chuyện làm ngọc trai thật được lan tỏa nhiều hơn tới cộng đồng nên thiết kế trang web thật bài bản - điều mà hiếm người làm được cách đây hơn 5 năm trước", ông chủ sinh năm 1976 này chia sẻ. Kênh bán hàng online do đó cũng được xúc tiến.Khi đã ổn định hơn, anh cầm ngôi nhà duy nhất của mình để làm vốn mở cửa hàng, mở rộng vùng nuôi và xưởng chế tác, tự mình thực hiện chuỗi khép kín (nuôi trồng, chế tác, sản xuất, bán hàng tới tay người tiêu dùng). Thế nhưng, khi phát triển quy mô hơn, thách thức đặt ra là áp lực cạnh tranh với hàng ngoại, hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường. Người tiêu dùng gần như không biệt được ngọc trai thật, giả, giá cả các nơi lại có sự chênh lệch lớn. Bài toán làm sao để những người có nhu cầu biết đến mình, biết đến cái tên Ngọc Trai Hoàng Gia đặt ra.
Một trong những quyết định táo bạo nhất mà đến giờ anh vẫn còn nhớ là cho khách hàng dùng thử trang sức ngọc trai trong 3 ngày, được đổi hoặc hoàn trả lại không bị tính phí. Nhiều người đã lợi dụng chính sách này để chưng diện trong đám tiệc, sau đó mang trả lại và đổ thừa sản phẩm bị lỗi. "Tôi sợ bị chơi xấu và không kiểm soát được nhưng vẫn trấn an mình cứ cố chân thành, hướng tới phục vụ khách hàng tốt nhất sẽ nhận lại kết quả tương xứng", anh tự tin.
Thời gian đầu, lượng trả về rất thường xuyên, nhưng sau đó, nhiều vị khách trả lại hàng là những khách hàng thân thiết nhất, bởi trong lòng họ đã có niềm tin với chất lượng, cung cách phục vụ. Giờ đây anh đang sở hữu 9 showroom trên toàn quốc để đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao.
Hàng năm, anh thu hoạch hàng triệu viên ngọc trai từ trại nuôi.
Muốn thành công, sản phẩm phải có dấu ấn riêng. Những viên ngọc thu hoạch ngoài tự nhiên, ai cũng có thể làm được nếu chịu bỏ công sức đầu tư hoặc nhập khẩu về bán, nhưng kinh nghiệm 6 năm làm việc với các chuyên gia nước ngoài giúp anh xác định rõ mấu chốt để nổi trội so với các đối thủ trong ngành là tăng độ nhận diện của thương hiệu, gây dựng uy tín với khách hàng, chú trọng khâu dịch vụ. Tạo ra những mẫu trang sức với thiết kế riêng để tôn lên vẻ đẹp sang trọng của mỗi khách hàng cũng là yếu tố cần lưu tâm.Ông chủ của thương hiệu Ngọc Trai Hoàng Gia khẳng định, bí quyết thành công rất đơn giản, hãy đặt mình vào vị trí khách hàng để hiểu và biết họ muốn gì, coi trọng chất lượng sản phẩm, và tạo sự khác biệt so với đối thủ. Theo anh, những bài học này tuy đơn giản, có thể tìm thấy trong các cuốn sách làm giàu, khởi nghiệp, nhưng vận dụng đúng, đầy đủ, và phù hợp trong thực tế không hề dễ. Biến động thị trường thường ngoài tầm kiểm soát, nếu không kiên định với con đường đã chọn và xoay sở để thích nghi với điều kiện mới, người kinh doanh sẽ khó trụ vững.
Mấy năm trở lại đây thương hiệu Ngọc Trai Hoàng Gia của anh được nhiều người biết đến, nhất là những chị em mộ điệu về ngọc trai. Tình hình kinh doanh theo chiều hướng ổn định. "Điều tôi vui nhất là doanh thu đến từ nhóm khách hàng thân thiết gắn bó với công ty luôn chiếm tới 50% tổng doanh thu", anh Tuấn chia sẻ.
Theo vnexpress