Gặp người đàn bà “gàn” với mô hình trồng cây “lạ” ở miền biển
Thanh long là loại cây được trồng phổ biến trên vùng đất gò. Đối với miền biển, đây là cây trồng được xếp vào diện “lạ”. Dám nghĩ, dám làm, một hộ gia đình ở vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã đem giống cây “lạ” này về trồng trên vùng đất cát và đã gặt…“mùa vàng”.
Đến thăm mô hình trồng cây thanh long của gia đình chị Lê Thị Lạc (SN 1973), tại xóm 3, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), chắc hẳn ai cũng phải ngỡ ngàng và khâm phục ý chí vươn lên làm giàu của chị. Bởi vườn cây thanh long này bao la, bạt ngàn đang trong thời kỳ thu hoạch, quả chín đỏ rộ khoe sắc khắp vườn.
Được biết, sau khi lập gia đình, chị cùng với chồng là anh Nguyễn Đức Thuận (SN 1972) bắt tay vào làm kinh tế. Từ công việc buôn bán cho đến đi làm ăn xa nay đây mai đó, anh chị cũng luôn cố gắng để có thu nhập. Sau nhiều năm lăn lội làm ăn ở nơi đất khách quê người, từ đồng vốn tích góp được, vợ chồng chị trở về quê và làm đơn xin đấu thầu 3ha đất pha cát hoang hóa, bỏ không từ lâu ở xóm 3, xã Quỳnh Thuận để phát triển kinh tế trên chính mảnh đất đó.
Vùng đất nơi chị Lạc canh tác được xem là “vùng đất chết” - đất cát bạc màu, thiếu nước. Bỏ qua những trở ngại đó, năm 2013, chị Lạc đã mày mò tìm hiểu sách, báo, kinh nghiệm của những người đi trước và cất công vào tận Ninh Thuận mua giống thanh long về trồng. Thấy vậy, nhiều người gán cho chị biệt danh “Lạc gàn”.
Chị Lê Thị Lạc đang nhập thanh long cho các đại lý trên địa bàn.
Ngày đầu mới thực hiện ước mơ của mình, ngay cả con cái và anh em, bà con hàng xóm cũng “ngó lơ” chị vì chẳng biết bao giờ vườn thanh long của chị mới có quả ăn. Với sự quyết tâm, cần mẫn chăm bón, sau hơn 2 năm vun trồng, giờ đây chị Lạc có thể mỉm cười mãn nguyện khi nhìn những nhánh thanh long của mình phát triển xanh tốt và cho những quả ngọt.
Đang hì hục với việc thu hoạch quả, chị Lạc chia sẻ: “Qua thời gian trồng và chăm sóc cho thấy, thanh long là loại cây chịu hạn tốt, thích nghi với đất cát, lại ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc, chỉ cần phủ rơm rạ để giữ ẩm và bổ sung thêm phân chuồng là cây phát triển tốt.Hiện nay, trong vườn cây thanh long của gia đình chị Lạc có 1.200 gốc được trồng phân bố theo kích thước đều nhau. Quan sát tại vườn, gốc thanh long được nâng đỡ bởi các cọc trụ bê tông xi măng chắc chắn, mỗi trụ xây cao 2m, cạnh vuông 12 - 15cm, trụ được chôn sâu 0,5 – 0,6m và tiến hành làm mô.
Tuy nhiên, nếu như cây thanh long được trồng tại vùng đất cát mặn ven biển này không được chăm sóc hợp lý, không đủ chất dinh dưỡng cho cây phát triển thì năng suất sẽ kém, cây còi, quả nhỏ".
Theo chị Lạc, kỹ thuật trồng thanh long rất đơn giản. Sau khi trồng trụ, bón lót ít phân bò xuống hố rồi trồng hom giống. Khi thanh long bắt đầu phát triển thì hòa ít phân urê tưới cho cây. Thường thì 7 ngày tưới 1 lần, nếu vào thời điểm nắng nóng thì 4 ngày tưới nước. Cứ 6 tháng, chị phun thuốc nhúng mùng (Fendona) để chống kiến ăn cùn ngọn, cây chậm phát triển.
Nhờ ham tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc nên vụ thu hoạch quả lứa thứ hai này đạt năng suất cao hơn so với vụ đầu. Vụ đầu tiên, mỗi trụ thanh long chỉ cho thu bình quân trên 8kg quả, nhưng sang vụ thứ hai này, nhiều trụ cho thu trên 17kg quả.
Hiện nay, vườn cây thanh long của gia đình chị đang thời kỳ thu hoạch quả, năng suất bình quân từ 6 - 7 tấn/năm. Với giá bán ngoài thị trường từ 15.000 - 17.000/kg, thì mỗi năm trừ chi phí, vợ chồng chị có thu nhập 80 - 100 triệu đồng tiền lãi.
Vườn thanh long bạt ngàn của gia đình chị Lạc được trồng trên mảnh đất pha cát mặn ven biển ở xóm 3, xã Quỳnh Thuận
Ngoài phát triển kinh tế cho gia đình, chị còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động địa phương. Hiện, trong vườn thanh long lúc nào cũng có từ 5 - 8 công nhân làm việc.“Giờ thấy cây ra trái sum suê nên anh em và các con tôi phấn khởi lắm. Các con tôi còn vui vẻ, thích thú với vườn thanh long, mấy đứa còn chăm tưới nước đợi ngày đươc cắt quả thu hoạch. Nhiều người lúc trước bảo tôi "gàn" nay cũng đã đến xem trong vẻ ngạc nhiên, thậm chí còn mua giống và nhờ hướng dẫn kỹ thuật trồng thanh long…”, chị Lạc chia sẻ.
Chị Phạm Thị Màng, một công nhân làm việc tại vườn cây thanh long của gia đình chị Lạc cho biết: “Tôi là công nhân làm việc cho gia đình chị Lạc từ ngày bắt đầu khai hoang mảnh đất này để trồng thanh long. Tôi thấy đây là mô hình trồng thanh long lớn nhất của xã Quỳnh Thuận cũng như huyện Quỳnh Lưu từ trước đến nay. Năm nay, thanh long cho quả nhiều, năng suất cao. Thanh long thu hoạch đã được gần 1 tháng rồi nhưng hiện trong vườn vẫn còn rất sai quả, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Bản thân tôi có thêm việc làm, mỗi tháng có thu nhập 2 - 3 triệu. Tôi mong muốn mô hình thanh long này sẽ phát triển cao và thu hút được nhiều công nhân khác”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho hay: “Huyện cũng đã hỗ trợ mô hình thanh long đầu tiên ở vùng biển của chị Lạc 50 triệu. Đồng thời, cũng như tập huấn, chuyển giao công nghệ thêm cho chị ấy. Qua hai năm thì mô hình trồng thanh long của gia đình chị bước đầu đã có khởi sắc và đạt kết quả cao. Nếu thành công, có thể cho một số hộ khác trên địa bàn đi mua giống, học tập kinh nghiệm... từ gia đình này".Ngoài việc bán trái, chị Lạc đang tìm tòi, học hỏi để tự ươm mầm thanh long ruột đỏ đạt chất lượng để bán cho những hộ có nhu cầu nhằm tăng thu nhập từ mô hình này.
Với những kết quả bước đầu cho thấy, việc trồng giống thanh long trên “vùng đất chết” - đất cát ven biển nghèo dinh dưỡng của chị Lê Thị Lạc là một hướng đi đầy triển vọng cho người nông dân ở các xã ven biển. Hy vọng rằng mô hình trồng thanh long của gia đình chị Lạc ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình khác học tập, làm theo.
Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật