“Giám đốc chân đất” mê làm nông thôn mới

Dù địa phương không nằm trong diện xây dựng nông thôn mới (NTM), ông Tường vẫn ủng hộ hàng trăm triệu đồng, hàng nghìn m3 đất đá... không chỉ cho quê hương mình mà còn cho các địa phương lân cận để làm đường giao thông. Từ giã giảng đường về trồng lúa Người có duyên nợ với NTM mà chúng tôi đang nói đến đó chính là ông Nguyễn Xuân Tường – Giám đốc Công ty TNHH Xuân Tường ở tiểu khu La Mát, thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm, Hà Nam), người vinh dự được tỉnh đề cử “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015”. Mặc dù là giám đốc, nhưng ông Tường bảo với chúng tôi rằng, ông là “giám đốc chân đất”, bởi ông đã đi lên từ một nông dân thực thụ, từng làm thuê cho nhiều chủ khác.

alt

Ông Nguyễn Xuân Tường – Giám đốc Công ty TNHH Xuân Tường (đội mũ) bên tuyến đường công ty đã ủng hộ để người dân bê tông hóa ở thị trấn Kiện Khê. Ảnh: Việt Tùng 

Ông Tường cho biết, ông sinh ra trong một gia đình khó khăn, có 4 anh chị em, ông là con thứ 3 trong gia đình. Ông đã từng học ngành y, song do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đành chịu cảnh “đứt gánh giữa đường”, bỏ học giữa chừng. Từ giã giảng đường đại học, ông về quê cấy lúa, song ở cái vùng chiêm trũng Thanh Liêm quanh năm ngập úng, năng xuất lúa thấp cuộc nên cuộc sống rất khó khăn. “Đang chán vì không biết làm gì để kiếm sống thì năm 1990 tỉnh, huyện có chủ trương mới nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, chuyển đổi những vùng sản xuất kém hiệu quả sang cây, con khác, đồng thời đẩy mạnh phát triển nghề thủ công, khai thác, nhằm phát triển vùng Tây Đằng – Thanh Liêm.

Khi đó, tôi đang làm thuê cho các chủ khai thác đá ở địa phương. Nhận thấy đây là một cơ hội tốt, tôi viết giấy xin thầu 10ha núi đá với ý định hành nghề khai thác đá, vật liệu xây dựng” – ông Tường nhớ lại. Nguyện vọng của ông nhanh chóng được lãnh đạo địa phương chấp thuận, nhưng lấy đâu tiền để đầu tư máy móc? “Lúc đầu vốn ít, tôi phải làm bằng máy khoan đá thủ công, bốc xếp thủ công, nên chỉ làm được đá hộc, đá xây dựng, chứ chưa có máy nghiền đá 1 – 2, máy xúc, băng tải… như bây giờ, nên lợi nhuận rất ít”, ông Tường nhớ lại. Năm 2008, nhờ tích lũy được ít vốn, vay ngân hàng, gia đình, bạn bè, ông quyết định đầu tư 5 tỷ đồng mua máy móc hiện đại làm ăn lớn”. Năm 2001, ông Tường quyết định thành lập Công ty TNHH Xuân Tường với vốn điều lệ 1 tỷ đồng.

Từ đó đến nay, sau nhiều lần đầu tư máy móc hiện đại, hiện ông có tới 30 ô tô tải, 10 máy xúc, 2 giàn khoan đá, 4 trạm điện riêng, với doanh thu 80 tỷ đồng, trừ chi phí lãi ròng 5 tỷ đồng/năm, đóng thuế cho nhà nước 4 - 6 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 100 lao động, với thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng, tùy vào từng công việc. Có lợi cho dân thì làm " Sự đóng góp của anh Tường và các đơn vị khác trên địa bàn là rất đáng biểu dương, khích lệ. Không chỉ trong xây dựng NTM, mà trong công tác đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, đình chùa... của địa phương anh Tường đều nhiệt tình ủng hộ”.

Ông Phạm Ngọc Nam - Chủ tịch UBND thị trấn Kiện Khê Thị trấn Kiện Khê không thuộc diện xây dựng NTM, tuy nhiên hệ thống giao thông chủ yếu vẫn là đường đất đi lại khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của bà con còn thấp. Chính vì thế, ông Tường đã quyết định phải làm cái gì đó cho thị trấn. Ông nói: “Mặc dù công ty còn khó khăn, song tôi nghĩ làm được gì có lợi cho dân thì nên làm. Từ 2011 đến nay, tôi đã đã ủng hộ thị trấn 100 xe đá hộc lát cốt đường, 1.000m3 đá 1 – 2 (150 triệu đồng) và 100 triệu đồng để bà con làm đường. Ủng hộ huyện Thanh Liêm 1.300m3 đá 1 - 2 và 50 triệu đồng và 2.000m3 đá 1 - 2 cho tỉnh phân bổ cho huyện Lý Nhân, Duy Tiên…”.

Ông Nguyễn Văn Thành, một người dân ở thị trấn Kiện Khê tâm sự: “Tuy là thị trấn nằm trong vùng mỏ đá với hàng chục công ty khai thác đá, nhưng cách đây vài năm nhiều tuyến đường vẫn là đường đất do dân không có kinh phí làm. Cứ mỗi khi trời mưa đường rất lầy lội, đi lại rất khó khăn. Gần đây, anh Tường đã đóng góp, ủng hộ nhiều cho bà con làm đường, giờ trời mưa đi lại không phải lo nữa, bà con vui lắm”. Anh Lê Văn Tuấn, ở thị trấn Kiện Khê, hiện đang làm tại công ty ông Tường cho biết, mặc dù công việc vất vả, song gần nhà và thu nhập cũng khá, ổn định. “Làm ở đây công nhân được ăn 3 bữa, ai ở xa được tạo điều kiện nhà cửa ở lại, không phải dùng đến lương, nên thu nhập cũng khá hơn” – anh Tuấn tâm sự.

Nguồn: Báo Dân Việt

Bình luận của bạn