Giám đốc kế toán bỏ ngang để làm chocolate
Từng mơ ước được đứng trên bục giảng nên sau khi tốt nghiệp phổ thông, Bùi Hồng Hạnh quyết tâm thi vào đại học sư phạm cùng 2 trường khác. Nhưng rồi theo nguyện vọng của gia đình, Hạnh chọn ngành kế toán kiểm toán.
Khi còn là sinh viên, Hạnh đã chuẩn bị sẵn cho mình sự nghiệp vững chắc với công việc điều hành ở một hãng điện thoại có tiếng và khi ra trường năm 2002 đã là phó phòng cho một công ty chứng khoán với thu nhập cao. Nhưng như chia sẻ của chị: “Nếu mình bằng lòng với công việc hiện tại có nghĩa là mình đang thụt lùi”.
Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm từ ngành kiểm toán, năm 2008 Hạnh mở công ty riêng chuyên làm dịch vụ kế toán.
Công việc đang trôi chảy với lợi nhuận khá, bình quân một khách hàng ký hợp đồng dịch vụ khoảng 800 USD mỗi tháng, thì năm 2011, cơ quan quản lý có quyết định yêu cầu bắt buộc mỗi công ty dịch vụ kế toán phải có 5 nhân sự có bằng kiểm toán viên (để giải quyết tình trạng các doanh nghiệp đua nhau phá giá để cạnh tranh, đồng thời giúp tăng chất lượng dịch vụ). Đánh giá đây là quy định tốt, nhưng theo chị Hạnh, rất khó cho một công ty nhỏ như của mình, dẫn đến tạo sức ép sáp nhập với nhau
Nhận thấy ngành này ngày càng cạnh tranh gay gắt, cộng với việc chưa thực sự tìm đúng lĩnh vực mình đam mê, chị Hạnh bàn với chồng tìm một ngành nào đó về thực phẩm để đầu tư, trong đó có chocolate. Ý định ban đầu là mua lại một thương hiệu chocolate, nhưng khi tìm hiểu chị mới thấy ở Việt Nam có quá ít công ty đạt chuẩn. Thế là từ ý định mua lại, chị quyết lao vào tìm hiểu để tự làm lấy.
Không hề dễ dàng như suy tính, bước sâu vào tìm hiểu chị Hạnh mới thấy tại sao ở Việt Nam ít ai chịu làm ngành này, tập trung vào hai vấn đề là công nghệ và yếu tố con người.
“Để trở thành một chocolatier tại một số nước phát triển, bạn phải học trong vòng 3 năm để được cấp bằng và sau đó làm việc dưới vai trò giúp việc tại các cửa hàng chocolate tươi rất lâu mới được trở thành thợ chính", chị Hạnh nói và cho biết thêm, với nhu cầu ngày càng lớn trong nghề, thì hiện tại những người đam mê nghề này có thể học nhiều khóa ngắn hạn hoặc đào tạo từ xa để có thể được cấp bằng. Nhưng điều kiện để trở thành một chocolatier vẫn rất khắc nghiệt. Người làm sẽ phải học và sử dụng thuần thục những thanh gạt, dao cạo, bàn đá, đồng thời phải có sức khỏe để có thể đứng làm việc liên tục cả ngày trong phòng lạnh, và kiên nhẫn, khéo léo để cầm túi bông kem bắt từng nét chìm, nổi nhỏ như sợi chỉ trên những viên chocolate, nhưng có lúc lại phải sử dụng những loại máy in công nghệ tiên tiến nhất.
Ngoài nỗ lực bản thân, một vấn đề khác với chị Hạnh là tìm được nhân sự như ý rất khó khăn. May mắn, trong một chuyến đi thiện nguyện, chị đã gặp một người bạn trẻ từng làm cho công ty chocolate trong nước, và đặc biệt cô gái này có một câu chuyện khá thú vị như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường và sau này chị đã đặt thương hiệu của mình với ý nghĩa như vậy.
"Cô bé đã ước mơ được một lần chạm tay vào dòng chảy chocolate ngọt ngào, sáng bóng khi lần đầu tiên xem chương trình Bạn trẻ bốn phương trên sóng truyền hình lúc còn nhỏ. Và khi lớn lên, cô có thêm một mục đích lớn là đưa nông sản Việt, mà cụ thể là ca cao vào món ăn từng được xem là sang trọng, quý phái bậc nhất của phương Tây, để sáng tạo ra những viên chocolate mang hương vị thuần Việt”, chị Hạnh kể và cho hay vì tâm đầu hợp ý, chị cùng người bạn trẻ nhanh chóng bắt tay vào thực hiện dự án. Giữa năm 2015, công ty với thương hiệu Legendary Chocolatier ra đời.
Để tạo sự khác biệt, chị Hạnh hướng vào phát triển dòng sản phẩm Couverture chocolate với thành phần bao gồm bột ca cao, sữa bột và ít nhất là 70% bơ ca cao, khác với compound chocolate làm từ bột ca cao pha với dầu thực vật như dầu dừa, dầu cọ. Tuy nhiên, loại chocolate mà chị Hạnh theo đuổi lại rất khó vận chuyển và bảo quản, chỉ cần thay đổi một chút về nhiệt độ, độ ẩm trong quá trình bảo quản hay vận chuyển cũng làm cho toàn bộ mẻ chocolate đổi màu, thậm chí bị cháy, chocolate làm ra sẽ mất đi độ dẻo, độ tan và hình thức cũng không còn đẹp nữa. Chính vì vậy, không ít lần những sản phẩm đầu tay chưa đạt chuẩn đã phải bỏ đi, cộng với việc chỉ sử dụng trái cây tự nhiên, hương liệu... dùng trong khoảng 7 ngày, nên bước đầu chị Hạnh rót vào dự án 1 tỷ đồng nhưng cũng chưa... thấm vào đâu.
Để tạo thêm nét đặc trưng cho riêng mình, Hạnh cùng đồng sự đã mạnh dạn kết hợp sử dụng các hương vị từ nông sản trong nước như: ớt, mít, sả... “Có ai nghĩ rằng gạo lức, bơ đậu phộng kết hợp lại làm nên thanh chocolate ngon như vậy, thì câu chuyện một người thuần Việt cũng có thể chấp cánh cho một thương hiệu Việt bay xa hơn nữa”, chị Hạnh nói và kể ngày đầu tiên những viên chocolate ra lò, chị chưa biết cách tiếp thị, nên tặng cho khách hàng dùng thử hàng tháng trời. Dần dà chị đã tự viết bài quảng bá, bán hàng qua mạng. Hiện doanh thu hàng tháng của công ty khoảng 300 triệu đồng.
Đánh giá về tiềm năng và lợi nhuận từ ngành này, chị Hạnh cho rằng còn rất lớn. Ở châu Á, hiện Malaysia, Indonesia đang thống lĩnh lĩnh vực này vì có nghiên cứu và chính sách dành cho người nông dân rất tốt. Còn tại Mỹ, hiện mức tiêu thụ trung bình chocolate trên mỗi người một năm là 6kg, giúp đưa doanh thu toàn thế giới của ngành này lên hơn 75 tỷ USD.
Hiện chị Hạnh đang ấp ủ kế hoạch phát triển ở những thị trường trong khu vực, nhưng trước mắt chị đẩy mạnh sản phẩm vào một số phân khúc nhà hàng có bếp Âu. Riêng cái khó của chocolate tươi là khâu vận chuyển hàng xa sử dụng phương thức bảo quản trong thùng đá, khiến chi phí tốn kém, chị đang nghiên cứu đầu tư công nghệ tiên tiến hơn để mang đến cho khách hàng những viên chocolate tươi nhất.