Giảng viên đại học làm nông dân trồng rau sạch
Sự nghiệp đang thăng tiến, anh Vũ quyết định dừng lại để theo đuổi nghề nông, bỏ ngoài tai lời can ngăn của người thân, bạn bè.
Anh Tiêu Thanh Vũ (sinh năm 1976, ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) là người sáng chế ra chiếc máy làm giá đỗ tự động chỉ từ đỗ xanh và nước sạch.
Xuất thân trong gia đình thuần nông, 12 năm đèn sách và 4 năm ngồi trên ghế giảng đường, ngay khi tốt nghiệp, anh được giữ lại làm công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ.
Sở hữu bằng đại học và công việc ổn định là ước mơ của nhiều người nhưng trong khi sự nghiệp đang thăng tiến, anh Vũ quyết định dừng lại để theo đuổi nghề nông.
Thời điểm anh bắt đầu, thực trạng rau bẩn tràn lan thị trường. Trăn trở trước vấn nạn này, anh quyết định đem những kiến thức đã được đào tạo để làm ra các sản phẩm sạch.
Là một nông dân chân ướt chân ráo, anh tự nhủ bản thân phải có cách trồng rau khác với những người không qua trường lớp bài bản. Anh quyết định khởi nghiệp với việc sản xuất rau mầm.
Chọn rau mầm vì sản phẩm này thời điểm đó còn mới, giá trị dinh dưỡng cao và được thị trường quan tâm. Theo anh nếu cũng trồng những loại rau phổ biến mà nhiều người khác đang làm thì thất bại là dễ thấy. Sau hơn một năm, quy trình trồng rau mầm thành công đã cho anh thêm động lực.
Nhưng vài năm sau, thị trường rau mầm có tín hiệu lắng xuống, anh nghĩ tới sản xuất giá đỗ sạch. Thứ nhất, anh Vũ hiểu rất rõ đặc tính sinh trưởng của giá đỗ, đây cũng là một loại rau mầm trắng, chỉ khác với sản phẩm trước kia anh làm thuộc nhóm xanh.
Thứ hai, công việc làm giá đỗ truyền thống đòi hỏi nhiều bước thủ công vất vả, tốn nhân lực và chi phí. Để giải bài toán lợi nhuận khi làm giá đỗ sạch, anh cho rằng cần đưa công nghệ máy móc vào. Từ đó, anh có ý tưởng chế tạo một chiếc máy làm giá đỗ sạch tự động.
Am tường quá trình sinh trưởng tự nhiên của cây giá đỗ, hình dung ra đến đâu anh Vũ bèn lên giấy ý tưởng về cỗ máy đến đó và thử làm theo. Tuy nhiên, việc thiếu kiến thức về cơ khí, chế tạo máy khiến anh nhiều phen thất bại.
Nghĩ tới cọng giá sạch cho thị trường, anh lại thêm quyết tâm. Anh thiết kế tỉ mỉ đến từng vị trí lỗ trên khay ủ, lỗ to lỗ nhỏ đều có mục đích. "Lúc đầu không có lỗ trên miệng, giá hư hết. Thành công thất bại thực sự chỉ cách nhau trong gang tấc", anh nhớ lại.
Sau hơn hai năm, cuối cùng anh hoàn thành chiếc máy làm giá. Những mẻ giá ra đời đều tăm tắp, trắng ngần, chen chúc vươn lên như đáp lại công sức người sáng chế suốt hai năm ròng vất vả.
Sản phẩm ra thị trường, anh Vũ chưa kịp vui mừng thì bị "dội gáo nước lạnh" bởi cọng giá của anh rễ dài, thân ốm, không trắng bóng như giá đỗ thị trường. Anh đem đi chào bán chỉ nhận những cái lắc đầu.
Không nản chí, anh Vũ vẫn mang sản phẩm đi khắp nơi chào hàng với hy sẽ có nơi đón nhận những sản phẩm sạch. Anh đi từng siêu thị, quán ăn. Ngày qua tháng nọ anh vừa làm cho bạn bè, gia đình ăn vừa nỗ lực đi tiếp thị chào hàng ở những nơi bán sản phẩm sạch.
Dần dà, người tiêu dùng quen với cọng giá lắm rễ, thuôn dài. Đồng thời, nhiều phi vụ sản xuất giá bẩn, giá ngậm hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe bị phanh phui, người tiêu dùng mới bắt đầu chấp nhận cọng giá sạch là cọng giá không đẹp. Lúc ấy, anh Vũ mới bắt đầu bán được hàng.
Đến nay, những bịch giá sạch của anh Vũ không chỉ phân phối đi các siêu thị ở Cần Thơ, cửa hàng thực phẩm sạch mà anh còn chuyển giao công nghệ đi nhiều nơi, thậm chí nước bạn Lào, Campuchi đã tìm mua.
Điểm khác biệt lớn nhất của chiếc máy chính là làm giá chỉ từ đậu và nước sạch, không cần thêm chất độn như truyền thống hay sử dụng bất cứ hóa chất nào. Đồng thời, máy giúp tiết kiệm nhân công, điện và có thể sản xuất 100 cân giá mỗi ngày trên diện tích nhỏ.
Anh Vũ cho biết: "Về cơ bản, máy vận hành làm theo nguyên tắc trồng giá đỗ truyền thống, nhưng tôi đưa công nghệ vào để điều tiết nhiệt độ, ẩm độ tự động".
Thông thường, cọng giá ủ phải có độ nóng. Nếu không nóng, giá khó phát triển; nếu nóng quá thì giá lại bị hỏng nên phải cân đối giữa nhiệt độ với lượng nước. Việc tưới nước một phần giúp làm mát cho khay ủ và tạo điều kiện để giá phát triển. Một phần khác, nước là dung môi để kích hoạt cho mầm giá lớn nhanh.
Bản thân hạt đậu đã có đủ dinh dưỡng cho mầm sinh trưởng nên người làm giá lợi dụng quy trình này để thu hoạch đúng thời điểm. Đây thực chất là quy trình sinh trưởng tự nhiên của hạt đậu nên không cần thêm hóa chất, chỉ tưới nước sạch giá vẫn lớn.
Hiểu rõ quy trình này giúp anh Vũ thiết kế chiếc máy hoàn toàn tự động, người làm chỉ cần cho đậu vào, căn thời gian muốn ra giá hoặc muốn sản phẩm giá dài - ngắn theo thị trường mà sau từ 60 đến 72 tiếng sẽ thu được mẻ giá như ý.
Hiện, chiếc máy của anh Vũ gồm 3 phần, đó là bộ phận bên dưới chứa nước, khi cần sẽ rút nước từ đây lên tưới cho giá. Ở giữa là buồng ủ gồm 4 cánh - nơi đưa các khay đậu vào làm giá, trên cùng là bộ điều khiển. Bộ phận điều khiển sẽ có cảm biến, đo đạc ẩm độ, nhiệt độ trong buồng ủ để tự động cấp nước tưới cho giá.
Hiện, mỗi chiếc máy có giá 50 triệu đồng, công suất khoảng 100kg giá sạch mỗi ngày; tuổi thọ trung bình 5 năm, chỉ tiêu tốn trung bình khoảng 0,5kW điện năng mỗi ngày. Trong thời gian tới, anh Vũ dự định sẽ thiết kế chiếc máy làm giá có kích cỡ nhỏ hơn dành cho gia đình, cũng tự động và chỉ cần đậu và nước sạch.
Hơn 10 năm làm nông dân, anh Vũ vẫn tâm niệm được áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ cho chính mình và xã hội chính là giá trị thực mà kiến thức mang lại.