Góp phần nâng tầm thương hiệu cam Vinh
Chưa đầy 30 tuổi, chị Nguyễn Thị Lê Na đã thành lập Công ty Cổ phần Trang trại nông sản Phủ Quỳ tại quê nhà (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An). Trên hành trình khởi nghiệp đầy gian nan ấy, chị Lê Na đã cố gắng nỗ lực không ngừng với quyết tâm gìn giữ, nâng tầm thương hiệu cam Vinh.
Khởi nghiệp từ trái cam quê hương
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nguyễn Thị Lê Na tìm cho mình cơ hội lập nghiệp tại Thủ đô. Thời điểm làm truyền thông cho Công ty Honda Việt Nam (đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc), Lê Na không nghĩ đến việc về quê làm nông nghiệp. Những lần về thăm quê, nhìn bố mẹ và những người dân nhọc nhằn bên những cánh đồng, đồi cam, chị chỉ biết ngậm ngùi thương cảm. Công sức họ bỏ ra nhiều mà giá trị thu lại chẳng được bao nhiêu.
Ngã rẽ trên bước đường sự nghiệp của Lê Na bắt đầu từ một vụ cam thất thu. Khi ấy, vào năm 2013, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ cam. Sản phẩm thu hoạch được nhưng phải đổ bỏ đi hàng chục tấn. Trong khi đang “khủng hoảng” đầu ra thì một đơn vị ở Hà Nội đặt mua 1,5 tấn cam tươi. Bố chị cất công thuê xe vận chuyển cam từ Nghệ An ra Hà Nội giao cho khách hàng. Nhưng khi hàng đã giao mà tiền lại không thu về được, lúc ấy gia đình chị mới biết bị lừa. Chị phải nhờ các mối quan hệ để tìm ra cơ sở đã đặt mua cam và thu hồi được 900kg. Với số hàng đó, qua facebook, chị kêu gọi bạn bè, người thân hỗ trợ. Và chỉ sau ba ngày, chị đã bán hết số cam trên. Mặc dù bán hết hàng nhưng chị cảm thấy xót xa khi bố mẹ vất vả làm ra sản phẩm mà còn bị lừa, chịu thiệt đơn, thiệt kép.
Sau sự cố ấy, Lê Na quyết định nghỉ làm tại công ty, trở về giúp đỡ gia đình. Đây là quyết định rất khó khăn khi chị dấn thân vào con đường mới. Ở quê, việc sản xuất cam không được tổ chức chặt chẽ và đều mang tính tự phát nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng trồng cam rồi lại chặt bỏ để trồng chè, cao su hay hoa màu từng xảy ra. Trước thực trạng trên, chị Lê Na tìm con đường đi mới với quan điểm: Về quê không phải để làm lại những gì mà người nông dân đã làm. Vì thế, chị quyết tâm làm những gì mà người nông dân quê chị chưa làm được.
Bắt tay vào công việc, bên cạnh những gốc cam của gia đình, chị thuê thêm 2ha để trồng giống cam Xã Đoài. Đây là giống cam có mùi vị thơm ngon, ngọt mát. Không chỉ lựa chọn giống kỹ lưỡng, chị còn chú ý đến phương pháp canh tác hữu cơ, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Muốn tiêu thụ ổn định lâu dài, sản phẩm phải có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và được đưa vào siêu thị, các kênh phân phối lớn. Việc này những người nông dân quê chị chưa làm được. Vậy là chị bắt đầu từ đó. Để có tư cách pháp nhân, chị Lê Na đứng ra thành lập Công ty Cổ phần Trang trại nông sản Phủ Quỳ, xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký thương hiệu "Cam Vinh Kỳ Yến", đăng ký sở hữu trí tuệ… Tiếp sau đó, công ty được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nghệ An hỗ trợ xây dựng dự án thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP.
Không chỉ làm tốt khâu sản xuất, kiểm định chất lượng, chị còn chú trọng việc tiêu thụ sản phẩm. Với kinh nghiệm của người đã làm truyền thông, chị xác định phải làm tốt khâu quảng bá sản phẩm. Lần đầu tiên chị tìm đến hội chợ triển lãm quốc tế các sản phẩm nông nghiệp. Tại đây, chị đăng ký một gian hàng để trưng bày sản phẩm cam Vinh. Sản phẩm khi ra mắt nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng.
Ông Nguyễn Thái Tuấn, Trưởng phòng Chế biến (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nghệ An) cho biết: “Sản phẩm cam Vinh Kỳ Yến được kiểm định chặt chẽ, chất lượng bảo đảm nên khách hàng rất ưa dùng. Điều đó chứng tỏ chính chất lượng đã kéo khách hàng trở lại và trở thành nhân tố quyết định đến việc tiêu thụ sản phẩm. Đây là đơn vị trồng cây ăn quả đầu tiên trong tỉnh Nghệ An áp dụng mô hình VietGAP thành công, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu cam Vinh”.
Doanh nghiệp xã hội vì người nông dân
Tuy đạt được những thành công bước đầu, nhưng chứng kiến người dân quê vẫn sản xuất theo mô hình cá thể hộ gia đình nên sản phẩm cam quả tươi làm ra nhiều nhưng giá trị rất thấp, chị Lê Na suy nghĩ làm sao vừa phát triển được thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến, vừa có thể hỗ trợ giúp đỡ người nông dân. Thế rồi, chị quyết định trồng cam theo mô hình sinh thái với mong muốn liên kết các hộ nông dân lại để trồng cam theo quy trình của công ty. Đây là phương pháp sản xuất thuận theo tự nhiên, không sử dụng hóa chất tác động vào cây trồng. Để trồng cam theo mô hình sinh thái đòi hỏi phải có thời gian dài, người trồng phải tạo ra được môi trường tự nhiên để cây cam có thể phát triển bình thường mà không phải nhờ sự tác động của hóa chất vô cơ.
Chị đã phải mất rất nhiều công sức để nghiên cứu phương pháp trồng cây sinh thái của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hà Lan… Không phải là kỹ sư nông nghiệp nhưng chị đã tự nghiên cứu về đặc tính cây cam, những loại sâu bệnh tác động đến cây trồng, các dưỡng chất cần thiết. Sau khi tìm hiểu, chị thấy rằng cây cam cần một số chất chủ yếu, như: Nitơ, kali, phốt pho, trung lượng, vi lượng và quan hệ cộng sinh với một số sinh vật khác để phát triển mạnh. Để cung cấp các dưỡng chất, chị sử dụng chính các loại cây lá ngâm ủ trong vườn làm phân bón. Chẳng hạn, tùy vào từng thời điểm, nếu cây cần đạm thì dùng thân cây đậu tương ủ mục, nhưng khi cần bổ sung kali thì lại dùng hạt đậu ngâm hoặc ủ thân cây chuối băm nhỏ làm phân bón...
Quá trình chăm sóc, chị thấy trên cây cam có các loại sâu bệnh chủ yếu, như: Nhện đỏ ăn lộc lá, sâu vẽ bùa, bệnh vàng lá thối rễ, vàng lá gân xanh... Do vậy, phải thiết lập một hệ sinh thái tự vận hành qua việc trồng xen canh, đa canh, cộng sinh giữa các loại thực vật nhằm hạn chế sâu bệnh, như chỗ nào trồng cây lạc tiên thì ở đó ít sâu bệnh hơn. Có thời điểm cây cam bị sâu ăn ngọn, chị huy động nhân công dùng tay bắt sâu hay thả kiến vàng để diệt sâu bệnh. Việc làm này tuy mất nhiều thời gian, công sức nhưng bù lại tạo ra sự phát triển bền vững cho cây trồng, bảo đảm tuyệt đối an toàn về chất lượng sản phẩm. Đầu năm 2018, lứa cam sinh thái đầu tiên của chị mang lại kết quả cao. Dịp Tết, chị cung ứng ra thị trường 1.000 quả cam Vinh sinh thái với giá 50.000 đồng/quả, được khách hàng tiêu thụ hết.
Từ kết quả ban đầu, chị tiếp tục mở rộng thêm 17ha trồng cam theo mô hình vườn rừng kết hợp du lịch sinh thái. Trang trại của chị Lê Na đã tạo việc làm cho hàng chục lao động trên chính mảnh đất quê hương. Không chỉ vậy, doanh nghiệp của chị còn hướng dẫn quy trình sản xuất, liên kết các hộ gia đình và nhận bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Những công việc đó trước đây rất khó khăn đối với người nông dân thì nay chị từng bước tháo gỡ, giúp họ yên tâm sản xuất.
Không chỉ tìm hướng ra cho sản phẩm cam quả tươi, chị còn tìm cách nâng cao giá trị sử dụng từ quả cam bằng các sản phẩm tinh chế, như: Vỏ cam sấy khô, múi cam sấy dẻo, mứt nước cam, xà phòng cam, tinh dầu cam... Các sản phẩm được kiểm định bảo đảm "5 không": Không chất bảo quản, không chất tạo màu, không hương liệu tổng hợp, không chất ổn định và không biến đổi gen. Sản phẩm tinh chế được trưng bày tại các hội chợ, siêu thị trong nước, từng bước hướng ra thị trường quốc tế.
Với quan điểm biến hoạt động kinh doanh trở thành hoạt động xã hội, chị luôn nỗ lực hết mình để tạo ra nhiều giá trị hữu ích phục vụ xã hội. Năm 2017, nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Thriive (Hoa Kỳ) cung cấp hệ thống kho mát, máy sấy phục vụ sản xuất, công ty của chị đã cam kết hướng dẫn 29 hộ nông dân trồng cam sinh thái sau đó trở lại bao tiêu sản phẩm cho họ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Minh Hợp cho biết: “Là người tiên phong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương, chị Nguyễn Thị Lê Na đã đạt được những thành công nhất định. Không chỉ làm giàu cho mình, chị Lê Na còn có nhiều đóng góp quan trọng trong chuyển đổi mô hình trồng cây truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương”.