Hành trình khởi nghiệp ở tuổi 68 của 'ông già Chocolate'
Bùi Durrasamy sinh năm 1951 và mang hai dòng máu Ấn Độ - Việt Nam. Sau hơn 40 năm định cư tại Canada, ông chính thức trở về Chợ Gạo, Tiền Giang để nghỉ hưu từ năm 2015. Tại đây, ông thành lập công ty Kimmy Chocolate mang thương hiệu của người Việt.
Những trăn trở với hạt ca cao
Những ngày đầu trở về Việt Nam, ông chứng kiến cảnh người dân chặt cây ca cao vì không có đầu ra. Giá ca cao tại thời điểm đó chỉ dao động từ khoảng 1.000 đồng đến 2.500 đồng/ kg. Thậm chí nếu ca cao được mùa, người nông dân phải chấp nhận bán với giá 800 đồng/kg.
Trồng ca cao là một công việc cực nhọc, vất vả. Thế nhưng, loại nông sản này chưa có đầu ra ổn định và giá cả không tương xứng với công sức người nông dân bỏ ra. Sự ra đời của Hợp tác xã Ca cao Chợ Gạo từng mang lại niềm hi vọng cho những người nông dân nơi đây. Thế nhưng, vì hoạt động kém hiệu quả, Hợp tác xã đã sớm dừng sản xuất, máy móc hiện đại cũng chỉ để bụi bám. Người nông dân chẳng còn cách nào khác là lại trở về với việc tự loay hoay tìm nguồn tiêu thụ cho nông sản. Trong số đó, nhiều người chỉ còn lựa chọn chặt bỏ cây ca cao mà họ đã gắn bó để tìm một hướng mới.
Thực tế ấy khiến ông Bùi Durassamy trăn trở và suy nghĩ rất nhiều. Không chỉ riêng hạt ca cao, nhiều loại nông sản Việt Nam có tiềm năng phát triển nhưng chưa khẳng định được chỗ đứng xứng đáng trên thị trường quốc tế.
Cuối năm 2016, hàng loạt các tờ báo nổi tiếng thế giới như New York Times, Bloomberg, Nikkei lên tiếng ca ngợi Việt Nam là nơi sản xuất loại chocolate ngon nhất thế giới. Đó là chocolate mang thương hiệu Marou do hai người ngoại quốc là Samuel Maruta và Vincent Mourou sáng lập.
Hạt ca cao Việt Nam thuộc nhóm 4 loại ca cao ngon nhất thế giới - cùng với ca cao của Canada, Bờ Biển Ngà, Brazil. Thế nhưng, đó vẫn chỉ là lý thuyết. Thực tế đáng buồn là khi nghĩ đến chocolate, người Việt luôn mặc định nghĩ đến các thương hiệu nước ngoài.
Hành trình khởi nghiệp với chocolate mang thương hiệu Việt
Dù có khí hậu và nhiều điều kiện phù hợp để trồng và phát triển, ca cao ở nước ta vẫn không hề phổ biến. Cây ca cao đứng sau rất nhiều những loại cây nông nghiệp khác như cà phê, tiêu hay hạt điều trong lựa chọn của nông dân.
Quyết tâm khởi nghiệp ở tuổi 68, ông Bùi Durassamy gặp phải rất nhiều khó khăn và sự phản đối từ phía gia đình. Ở tuổi của ông, đa số mọi người lựa chọn nghỉ ngơi sau nhiều năm lao động và cống hiến cho xã hội.
Từng học đại học chuyên ngành chế biến thực phẩm và sở hữu công ty cơ khí, Bùi Durassamy hiểu quy trình để biến ca cao thành chocolate. Ông bắt đầu hành trình khởi nghiệp ở tuổi 68 với số tiền tiết kiệm để dưỡng già.
Khó khăn đầu tiên của Durassamy là việc áp dụng công thức chế biến chocolate. Dù nắm cơ bản quy trình sản xuất nhưng thực tế ông vẫn phải trải qua quá trình thử nghiệm gian nan để có thành quả.
Đến nay, máy móc và dây chuyền sản xuất đã vận hành tốt, tạo ra sản lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường. Thế nhưng rất ít người biết rằng ông Durassamy là người tự mày mò chế tạo máy và thành công chỉ đến sau khi ông đã nếm trải thất bại rất nhiều lần. Nhiều lúc bế tắc tưởng như không thể tiếp tục nhưng nghĩ đến hạt ca cao, ông lại không cho phép bản thân từ bỏ.
Mỗi ngày nhà máy ở Tiền Giang của ông sản xuất 100 kg chocolate. Mỗi tháng xuất xưởng 3 tấn thành phẩm. Hiện Kimmy có 4 dòng sản phẩm với tỷ lệ 75, 65, 55 và 45% chocolate
Kimmy Chocolate đang tiến những bước chậm và chắc trong thị trường tiêu thụ Việt Nam. Bản thân Durassamy luôn tâm niệm không sản xuất ồ ạt, chú trọng chất lượng và chỉ mở rộng khi các điều kiện đã thực sự chín muồi. Chocolate của ông được sản xuất hoàn toàn theo phương pháp thủ công để đảm bảo hương vị chứ không sản xuất ồ ạt theo dây chuyền công nghiệp.