Khát khao xuất ngoại thương hiệu Việt của chàng trai 8x
Trăn trở trước thực tế sản phẩm của Việt Nam mãi cứ là hàng gia công, anh Võ Chí Quyết đang nỗ lực xây dựng và đưa thương hiệu áo đồng phục cùng đồ bơi ra thị trường thế giới bằng con đường thương mại điện tử.
Tôi là một người thuộc đời cuối của thế hệ 8x, sinh ra ở vùng đất Quảng Ngãi đầy nắng, gió và thường xuyên phải gánh chịu những cơn bão vào mùa đông. Môi trường sống khắc nghiệt đã hình thành trong tôi một khát vọng khởi nghiệp rất lớn, ngay từ còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại TP HCM năm 2010 với tấm bằng cử nhân và sau nhiều năm lăn lộn trong ngành may tôi nhận ra một điều: Người Việt miệt mài lao động, tạo ra sản phẩm để rồi chỉ hưởng một phần trăm giá trị của đơn giá sản phẩm bán ra. Bỡi lẽ, ngành may của Việt Nam hiện nay có bản chất là gia công, không có yếu tố thương hiệu.
Tôi thử làm một phép toán đơn giản để thấy rõ điều này. Với một sản phẩm đồ bơi giá sản xuất và xuất đi tại xưởng là khoảng 5 USD mỗi chiếc, nhưng giá bán cho các thị trường Mỹ hay EU lại vào khoảng 100 USD. Như vậy, giá bán từ xưởng đến siêu thị chênh lệch nhau khoảng 20 lần. Do đó, các nhà nhập khẩu rất ưa chuộng thị trường châu Á mà đặc biệt là Việt Nam làm công xưởng gia công.
Theo tôi, nếu Việt Nam giảm bớt được khâu trung gian và tự tay làm, thì ngoài việc không còn là công xưởng gia công, thậm chí sẽ là đối thủ cạnh trạnh trực tiếp nhờ lợi thế cạnh trạnh về giá. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh, giá chỉ là một yếu tố, vấn đề thương hiệu, và các hoạt động khác liên quan đến kinh doanh cần phải thật sự chuyên nghiệp và bài bản.
Đứng trước những điều đó, không chỉ tôi mà bất cứ ai cũng khát khao có thể bán trực tiếp sản phẩm của mình ra thị trường thế giới, cắt bớt khâu trung gian thương mại của các nhà nhập khẩu nước ngoài để mang về nhiều hơn những giá trị lợi nhuận. Điều này là rất khó nhưng không phải không làm được. Và đây chính là con đường mà tôi đã chọn.
Năm 2013, tức sau 3 năm đi làm công ăn lương, tôi quyết định về mở công ty riêng để kinh doanh sản xuất hàng may mặc như ước mơ được hình thành từ ngày mới đi làm. Vậy tôi bắt đầu như thế nào? Đó là vấn đề mấu chốt và quan trọng nhất. Tôi đã đưa ra quyết sách: chiến lược đường dài phải nhờ vào những chiến thuật đường ngắn. Hiện tại tôi đang phát triển hai dòng sản phẩm chính song song cho cả hai thị trường trong nước và quốc tế. Theo đó, trong nước là đường ngắn để hỗ trợ cho đường dài là xuất khẩu nước ngoài.
Cái khó là tôi không có nhiều vốn nên phải làm quy mô nhỏ trước, rồi từ nhỏ mà thành lớn. Tôi đã lựa chọn hai dòng sản phẩm chiến lược là đồng phục và đồ bơi mang thương hiệu Võ Gia Phúc. Tôi tự tay lên kế hoạch thiết kế và đặt gia công để cho ra những sản phẩm ưng ý nhất. Với sản phẩm đồng phục, tôi nhắm đến đối tượng chính là học sinh và công nhân trong các công ty sản xuất.
Trong thời gian đầu, để tìm khách hàng tôi phải chạy lòng vòng khắp nơi, từ ngày này qua ngày khác và gõ cửa các trường học, công ty... nhưng đáp lại là những cái lắc đầu lạnh nhạt. Điều đó cũng dễ hiểu vì họ chẳng biết tôi là ai, thương hiệu gì. Không nản chí, tôi vẫn cứ in những tờ rơi, và miệt mài trên chiếc xe máy để đi tiếp thị khách hàng. Và rồi, trời không phụ lòng người khi một trường tiểu học ở một quận ngoại thành đã nhận lời đặt một đơn hàng cả trăm bộ đồng phục học sinh. Nhận được đơn hàng đầu tiên này, niềm vui trong tôi như vỡ oà.
Sau đó là những đơn hàng (tuy không lớn lắm, chỉ vài chục bộ) của các công ty nhỏ cũng liên tiếp tìm đến. Có được những khách hàng này tôi xem như đã thu về những thành công ban đầu và có động lực rất lớn để bắt tay tiếp cho kế hoạch. Hiện tại tôi không chỉ phát triển sản phẩm đến các công ty ở khu vực lân cận mà còn đưa sản phẩm đến những nơi xa hơn như các trường miền núi, hải đảo và các tỉnh thành ở phía Bắc và miền Trung.
Tiếp đó, dòng sản phẩm thứ 2 mà tôi hướng đến là đồ bơi. Sở dĩ chọn mặt hàng này vì trước đó tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm làm trong một nhà máy sản xuất dòng sản phẩm này. Mặt khác, tôi còn nhận được sự hỗ trợ lớn từ anh em, bạn bè cũ làm chung trong phân khúc. Vì vậy tôi lấy nó làm sản phẩm chủ đạo để truyền thông ra thị trường quốc tế.
Để tiến hành thực hiện chiến lược này, đầu tiên tiên tôi chọn internet tiếp thị sản phẩm đến đối tác nước ngoài. Lúc đầu, có thể do sản phẩm của tôi chưa có thương hiệu nên họ cũng e ngại nên gần như chẳng quan tâm gì. Sau đó, tôi liên tục đưa lên giới thiệu nhiều mẫu mã sản phẩm mới, lạ kèm những thông số kỹ thuật rõ ràng và đưa ra các cam kết chắc chắn nếu hợp tác.
Thế là, sau một thời gian tầm vài tháng tích cực quảng bá... tôi cũng đã có những khách hàng đầu tiên gọi điện thoại hỏi thăm. Tuy nhiên, một số người vì những lý do này nọ và có thể chưa tin tưởng nhiều nên một số thương vụ bất thành. Cũng có đôi lúc tôi cảm thấy mơ hồ và nản, nhưng sau đó ngồi suy nghĩ lại, đây chỉ là những khó khắn nhỏ mà ai bước đầu làm cũng sẽ gặp phải. Nếu bỏ cuộc thì những hoài bão đã nuôi dưỡng bấy lâu nay xem như tan biến. Thế là tôi lại tự mình động viên và lấy lại quyết tâm.
Và rồi, lại có khách tìm đến, bằng những kinh nghiệm và vốn liếng mấy năm qua lăn lộn với thị trường trong nước, cuối cùng tôi đã thuyết phục được họ. Những đơn hàng này cũng chỉ là khởi đầu và quy mô nhỏ với giá trị vài nghìn USD nhưng tôi thấy rất vui vì nó mở ra hy vọng có thể tiếp cận được đối tác nước ngoài thông qua thương mại điện tử. Với phương thức này, tôi có thể cắt được một đến hai khâu trung gian nhà nhập khẩu thương mại ở nước ngoài để làm việc trực tiếp với khách.
Hiện nay, việc mở rộng ra thị trường thế giới cũng chỉ mới gọi là bước khởi động. Mục tiêu cho năm 2015 là chúng tôi kỳ vọng có thể đem về doanh thu khoảng 50.000 USD và đẩy lên 200.000 USD trong vòng 5 năm tới. Riêng thị trường nội địa, doanh thu hàng năm hiện tại của công ty tôi vào khoảng 3 tỷ đồng và sẽ không ngừng gia tăng trong những năm sau.
Những thành quả của tôi có có thể là nhỏ, rất rất nhỏ so với nhiều người khác. Tuy nhiên, nó là một thành quả lớn của tôi được đánh đổi bởi một chặng đường dài, những tháng ngày vất vả. Đồng thời, tôi vẫn luôn tin rằng mình đang đi đúng hướng để xây dựng sự nghiệp.
Theo vnexpress.net