Khát vọng làm giàu với “nữ hoàng quả khô” của người Tây Bắc
Không phát triển với tốc độ nhanh, mạnh như ở Tây Nguyên, cây mắc ca được người dân Tây Bắc đón nhận với sự thận trọng hơn. Dù vậy, khát vọng tận dụng cơ hội làm giàu với “nữ hoàng quả khô” của người Tây Bắc chưa khi nào chùng xuống.
Thăm vườn mắc ca đầu tiên ở Lai Châu
Năm 2011, chị Nguyễn Khánh Hòa làm trang trại nuôi lợn thịt ven thị xã Lai Châu với diện tích 4ha. Chị muốn tìm một loại cây khác lạ trồng trên diện tích 3ha vẫn còn bỏ trống để tận dụng nguồn phân chuồng chăn nuôi. Chị lên mạng tự tìm hiểu rồi chọn trồng 3 loại cây: Dẻ Trùng Khánh, xoài và cây mắc ca. Chị tìm đến Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật nông lâm nghiệp Đá Chông (thuộc Bộ NNPTNT) tại Ba Vì, Hà Nội mua 600 cây mắc ca giống với giá 60.000 đồng/cây.
Ông Nguyễn Văn Biển - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Sơn La và chị Nguyễn Khánh Hòa tại vườn mắc ca đang cho ra quả năm thứ hai. Ảnh: K.T
Mang cây về trồng tại Lai Châu vào thời điểm năm 2011, chưa phải lúc cả nước quan tâm về “cây tỷ đô” như hồi đầu năm nay, nên chị Hòa cũng không quá quan tâm, phần vì không có điều kiện nhân lực chăm sóc liên tục vườn cây gần 1ha. Nhưng mắc ca sinh trưởng tốt, đến năm 2014 thì ra quả bói, chị thu được khoảng chục cân hạt. Chị chia hết cho người thân, bạn bè thưởng thức hương vị của hạt “nữ hoàng quả khô”.
Từ đầu năm 2015, chị Hòa bắt đầu chú ý chăm sóc và bón phân chuồng cho cây. Được chăm sóc, mắc ca ra hoa, đậu quả sai trĩu, hơn cả những hình ảnh chị thấy trên mạng Internet. Chị mừng quá, gọi điện mời ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu (phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp, một người rất tâm huyết với ngành nông lâm nghiệp ở Lai Châu) lên xem.
Hiện tại vườn mắc ca của chị còn 450 cây đang vào tuổi thứ tư, cây cao khoảng từ 1,5 - 3m. Trò chuyện với chúng tôi ngay tại vườn mắc ca của chị Hòa, ông Nguyễn Văn Biển - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Lai Châu cho biết, trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Lai Châu (được UBND tỉnh chuẩn y năm 2014), từ 2015 – 2030, tỉnh Lai Châu sẽ trồng khoảng 3.000ha mắc ca.
Hiện tại, diện tích trồng mắc ca ở Lai Châu là 181,5ha, với chính sách cơ quan Nhà nước hỗ trợ tiền mua giống (60.000-70.000 đồng/cây giống). Tam Đường là huyện đang trồng nhiều nhất với 45ha mắc ca trồng xen chè, bắt đầu từ năm 2012. Diện tích 134,5ha mắc ca còn lại được trồng thuần bởi hơn 100 hộ dân, mỗi hộ 1–5ha (mật độ trồng xen chè: Phân bố 50 cây/ha; mật độ trồng thuần khoảng 277-400 cây/ha). Tại huyện Tân Uyên, mắc ca cũng đang được trồng khảo nghiệm khoảng 2ha.
Năm nay, diện tích mắc ca tại huyện Tam Đường đã bắt đầu ra hoa, bói quả (cây 3 tuổi). Chi cục Lâm nghiệp Lai Châu dự định trồng thêm 18ha mắc ca để làm giống, cộng với 30ha mắc ca của Doanh nghiệp Trường Giang (đầu tư tại xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn), Lai Châu sẽ có điều kiện cung cấp giống mắc ca dồi dào hơn. Vườn giống mắc ca sẽ được ghép chọn từ 3 giống đã được Bộ NNPTNT khuyến cáo thích hợp với Tây Bắc (các giống OC, 246 và 816).
Theo các thông số kỹ thuật của các giống mắc ca này, trung bình 4 năm mắc ca sẽ bói quả, từ năm thứ 7 sẽ cho thu hoạch đều đặn, thời gian thu hoạch từ 40–60 năm hoặc lâu hơn. Ông Biển đặt hy vọng loài cây này sẽ là “hạt giống thoát nghèo” cho người dân địa phương.
“Doanh nghiệp đầu tư, dân góp đất, Nhà nước hỗ trợ”
Anh Bùi Văn Hoằng - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ 661 của huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cho biết: Theo quy hoạch giai đoạn 2015 – 2025 đã được tỉnh Lai Châu phê duyệt, huyện Nậm Nhùn sẽ trồng 1.800ha mắc ca tại 4 xã Nậm Pì, Mường Mô, Trung Chải, Nậm Ban. Trước mắt, mắc ca sẽ không được trồng đại trà mà làm từng bước một theo cách thức doanh nghiệp đầu tư, dân góp đất, Nhà nước hỗ trợ chính sách (theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19.12.2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn).
Doanh nghiệp Trường Giang (ở tổ 1, phường Đoàn Kết, TP.Lai Châu) đã có bước đi mạnh dạn đầu tiên với “cây tỷ đô”. Chị Lù Thị Bang - chủ doanh nghiệp này cho biết, dự án trồng mắc ca tại Nậm Nhùn, huyện cho triển khai trồng đến 500ha, nhưng chị chỉ dám nhận 200ha cho vừa sức. Kế hoạch của doanh nghiệp này là từ nay đến 2018, sẽ phủ kín 200ha trồng mắc ca và táo mèo (dùng để trồng ven, chắn gió).
Hiện tại, vườn ươm 10ha của doanh nghiệp đang ươm 1.000 cây mắc ca giống mua tại cơ sở của Bộ NNPTNT (80.000 đồng/cây) và gieo 1 tạ hạt giống làm gốc ghép (100.000 đồng/cân hạt giống tươi). Chị thuê 27 hộ dân Mông ở bản Pề Ngài, xã Nậm Pì “bao thầu” toàn bộ việc đào hố trồng và chăm sóc 30ha đầu tiên với giá 30.000 đồng/cây và 800.000 đồng/công chăm 1ha. Khi được thu hoạch, các hộ dân góp đất sẽ được hưởng 10% giá trị sản phẩm. Chỉ sau 2 tuần, người dân đã đào xong hố và chuẩn bị trồng. Là doanh nghiệp tư nhân, chị Bang rút tiền túi trả ngay khi dân vừa đào hố xong, nên người dân rất hào hứng.
“Tính đến hết tháng 8 vừa qua, tôi đã trồng mới thêm được 15ha cây mắc ca, nâng tổng diện tích cây mắc ca mới trồng trong 2 năm nay của doanh nghiệp tôi lên tới 30ha tại xã Nậm Pì. Tổng vốn đầu tư của gia đình tôi đã lên tới hơn 7 tỷ đồng” – chị Bang cho biết. Hiện nhiều nông dân khác cũng rất muốn trồng cây mắc ca nhưng thiếu vốn. Họ mong muốn được vay vốn với lãi suất ưu đãi, thời hạn 5 năm và hỗ trợ hợp tác với doanh nghiệp để có thêm điều kiện trồng mắc ca, đạt thu nhập cao và bền vững.
Khi được hỏi về chuyện đầu ra cho hạt mắc ca – vấn đề đang được nhiều chuyên gia khuyến cáo thận trọng, chị Bang cho biết, ngay khi chị làm vườn ươm mắc ca, đã có doanh nghiệp nước ngoài đến đề nghị hợp tác, khi mắc ca có quả sẽ bao mua sản phẩm... Nhiều năm nay, chị quan sát thấy hạt mắc ca bán ở cửa khẩu Ma Lù Thàng - giáp với Trung Quốc (cách TP.Lai Châu 70km) luôn luôn đắt hàng. Theo chị, nguồn hàng do nhà buôn Trung Quốc nhập khẩu mắc ca từ Australia rồi tái xuất qua Việt Nam.
“Để phòng rủi ro, chúng tôi cứ làm khảo nghiệm từng bước một. Làm to, đại trà thì phải đầu tư to, ăn cũng to, nhưng nếu hỏng cũng hỏng nặng. Chúng tôi làm nhỏ, đầu tư vừa phải, ăn nhỏ, nếu hỏng thì cũng không tới nỗi mất nhà…” - chị Bang tự tin nói với chúng tôi về quyết định của mình.
Nguồn: Báo Dân Việt