Khởi nghiệp kiểu công nhân
Quá chán ngán với công việc làm công ăn lương mà vẫn không đủ sống, nhiều công nhân đã bỏ việc để "khởi nghiệp". Nhưng liệu họ có thành công như mong muốn?
Vài năm gần đây, phong trào khởi nghiệp như một làn sóng diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, từ những sinh viên đam mê chinh phục bản thân đến anh nông dân muốn làm giàu từ đất. Hiện làn sóng này đã lan sang công nhân (CN), những người chưa có nhiều kinh nghiệm làm ăn cũng khởi nghiệp theo cách của họ.
Vỡ mộng làm "ông chủ"
Nhận thấy thị trường kinh doanh online hấp dẫn, dễ làm, lại trong khả năng bởi kinh nghiệm làm công nhân sản xuất giày, anh Phan Văn Tý (32 tuổi; tạm trú Thủ Đức, TP HCM) cùng 2 đồng nghiệp hùn vốn đầu tư dự án kinh doanh giày online.
Để thực hiện dự án, Tý đăng ký học một khóa ngắn hạn về kinh doanh online. Sau khóa học 3 ngày, anh tự tạo fanpage trên Facebook, thuê người làm website, đàm phán với ông chủ cũ (nơi Tý làm công nhân) để sản xuất giày cho anh. Phòng trọ cũng được sơn phết lại, lắp thêm đèn, làm kệ nhằm trưng bày giày thật ấn tượng với mục đích livestream để bán hàng.
Để có được giá sản phẩm tốt nhất, nhà sản xuất đưa ra điều kiện Tý phải đặt mua mỗi lần ít nhất 100 đôi giày. "Tôi nghĩ cứ bỏ tiền quảng cáo, chạy từ khóa trên Google là sẽ bán được hàng nhanh chóng như những gì đã tiếp thu trong khóa học kinh doanh online nên chấp nhận điều kiện đó. Nhưng sau nửa tháng thực hiện, chúng tôi chỉ bán được hơn 10 đôi giày, chủ yếu do bạn bè ủng hộ. Số vốn cả ba chúng tôi bỏ ra ban đầu 200 triệu đồng nhanh chóng hết sạch. Do chưa có kinh nghiệm kinh doanh, lại vội vàng đặt hàng với số lượng lớn nên chúng tôi đã thất bại chỉ sau một tháng vận hành",Tý nhớ lại. Giờ thì Tý đã quay lại làm công nhân, ban ngày đi làm, ban đêm tranh thủ mang giày ra lề đường bán với hy vọng thu lại một chút vốn.
Từng làm công nhân một công ty chế biến nông sản tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Triệu Thị Luyến (29 tuổi; tạm trú huyện Bình Chánh, TP HCM) tình cờ trở thành "cò" môi giới bất động sản. Luyến kể năm 2015, cô chủ trọ thấy Luyến có khiếu ăn nói, lại vui vẻ, nhiệt tình nên nhờ bán giúp một lô đất ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Luyến dùng tài khoản Zalo, Facebook cá nhân của mình rao bán. Chỉ 3 ngày sau, Luyến đã bán thành công lô đất đó và được cô chủ gửi 15 triệu đồng tiền "cà phê".
Thấy Luyến bán nhanh lại được giá do tài ăn nói, cô chủ tiếp tục gửi Luyến bán thêm 3 lô nữa và đều giao dịch thành công nhanh chóng. Cứ thế, nhiều người quen của cô chủ trọ gửi đất cho Luyến bán, nhờ Luyến tìm đất để mua đầu tư cứ ào đến với chị.
Thấy "ngon ăn", Luyến nghỉ làm công nhân để thành lập công ty chuyên môi giới bất động sản. "Do tôi không lường trước được các khoản chi phí, lại thiếu kinh nghiệm quản lý nên bị nhân viên qua mặt, các dự án đã ký với khách hàng bán không đúng tiến độ, áp lực quá lớn nên chỉ hơn 3 tháng lập công ty, tôi đã phải đóng của văn phòng", Luyến cho biết.
Đam mê thôi, chưa đủ
Sáng lập và điều hành 3 dự án khởi nghiệp, anh Huỳnh Quốc Thắng, Giám đốc điều hành Công ty CP Văn hóa Tinh Hoa, cho rằng 2 trường hợp trên rất dễ thất bại bởi các bạn mới chỉ có đam mê mà đam mê chỉ là cái "cớ" để khởi nghiệp thôi. Để khởi nghiệp thành công, cái bạn cần có rất nhiều, từ kiến thức quản trị đến nguồn nhân lực, nguồn vốn… đều phải có sự chuẩn bị chu đáo để không khỏi hụt hẫng khi dự án chạy.
"Trong thời đại này, ai cũng có thể tự làm chủ, ai cũng có thể theo đuổi ước mơ kinh doanh, làm giàu và trở thành các nhà khởi nghiệp. Không phân biệt bạn là ai, trình độ, bằng cấp gì, chỉ cần bạn đủ tự tin, ham học hỏi, nhiệt huyết, đam mê thì bạn sẽ khởi nghiệp thành công. Hãy bắt đầu với những dự án nhỏ, ít vốn, chắc ăn nhất để tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị nguồn tiền cho những dự án lớn hơn, dài hơi hơn", Thắng chia sẻ.
Chị Trần Yến Nhi, đồng sáng lập ứng dụng kết nối việc làm EasyJob, cho rằng khởi nghiệp không đơn giản như mọi người nghĩ. Trước khi khởi nghiệp với EasyJob, Nhi đang có vị trí tốt trong một công ty lớn chuyên về xuất nhập khẩu, thu nhập rất cao so với bạn bè nhưng chị quyết tâm bỏ việc để theo đuổi ước mơ kết nối người tìm việc với việc tìm người sao cho nhanh nhất, dễ dàng nhất và hiệu quả nhất.
Khi có đam mê, bạn cần theo đuổi nhưng phải theo cách an toàn nhất, nghĩa là phải tìm hiểu thị trường thật kỹ, thật lâu, chín muồi mới thực hiện. Với EasyJob, tôi và các cộng sự đã phải bỏ ra 3 tháng để khảo sát thực tế thị trường, chuẩn bị đội ngũ nhân lực và nguồn tài chính. Nhưng khi bắt tay vào việc chúng tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn" - Nhi kể.
Nhi nói khi quyết định khởi nghiệp, bạn trẻ cần phải có niềm tin tuyệt đối vào vào con đường và sản phẩm của mình, phải cố gắng hết sức, làm việc thật chăm chỉ, không ngừng học hỏi, bạn sẽ nhận được thành quả tương xứng với công sức mình bỏ ra. Đa số các dự án khởi nghiệp thất bại là do bạn chưa đủ đam mê và có sự chuẩn bị kỹ càng. Khi thấy quá khó khăn thì dễ nản lòng là điều khó tránh khỏi.