Khởi nghiệp nuôi tôm sạch từ... phòng trọ
Vốn liếng chỉ với tấm bằng kỹ sư thủy sản của Trường ĐH Nha Trang, mười mấy năm trước chàng trai Lê Anh Xuân đã lặn lội về Bạc Liêu để nuôi tôm giữa bốn bề đầm hoang.
Hiện chàng kỹ sư ấy đã 42 tuổi và đã xây dựng được một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh Bạc Liêu.
"Hành trình phương Nam"
Tốt nghiệp ĐH loại giỏi, nhưng đường tìm việc của Xuân tại Khánh Hòa, TP.HCM chẳng mấy suôn sẻ. Mới ra trường, Xuân chỉ tìm được việc làm công ở một trại tôm giống ở Khánh Hòa nhưng anh không nề hà bởi lúc đó chỉ mong muốn làm để cầu tiến và lấy kinh nghiệm, rồi học hỏi và vận dụng kiến thức đã học đưa ra cách nuôi tôm sao cho mau lớn.
Sau một thời gian làm cho trại giống, chàng kỹ sư 23 tuổi lúc ấy đã quyết định "hành trình phương Nam" tìm về xứ sở của con tôm sú ở miền Tây. Lang bạt tới Tiền Giang để "đầu quân" cho một công ty nuôi tôm đúng vào thời điểm con tôm tại ĐBSCL đang phát triển rất mạnh. 2 năm "ăn nằm" ở khu vực sông Tiền, Xuân lại tiếp tục khăn gói lên đường về Bạc Liêu - nơi có diện tích nuôi tôm lớn nhất lúc bấy giờ chỉ với thông tin được nghe là "Bạc Liêu dễ sống". Đến đây, anh xin vào làm việc cho Công ty công nghệ sinh học Sài Gòn, chi nhánh tại Bạc Liêu rồi tiếp tục "vật lộn" với con tôm.
Năm 2004, ở xứ sở Công tử Bạc Liêu, Xuân mạnh dạn lập Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh, lấy trụ sở tại... phòng trọ của mình được thuê 300.000 đồng/tháng, đúng vào thời điểm mà người nuôi tôm chủ yếu sử dụng thuốc kháng sinh, việc dùng vi sinh để trị bệnh cho tôm vẫn còn là điều gì lạ lắm.
Anh Xuân tự mò mẫn sáng chế ra quy trình nuôi tôm sạch với những loại vi sinh do mình làm ra và thuê đất để nuôi tôm. Hiệu quả từ việc nuôi tôm sử dụng vi sinh tại Công ty Trúc Anh đã dần làm cho người nuôi tôm tại ĐBSCL thay đổi cách nghĩ về công nghệ nuôi chuyển từ dùng kháng sinh sang vi sinh.
Trao đổi hai chiều
Đến năm 2016, kỹ sư Xuân tiếp tục nghiên cứu thành công quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo công nghệ Biofloc với hai giai đoạn. Giai đoạn 1, thả tôm giống thẻ chân trắng trong nhà màng với mật độ 1.000 - 2.000 con/m². Giai đoạn 2 sau khi ươm 20 - 25 ngày, tôm được chuyển sang nuôi ngoài trời với mật độ 200 - 300 con/m².
Tất cả quá trình nuôi đều áp dụng quy trình vi sinh, công nghệ sinh học, không sử dụng kháng sinh, hóa chất. Chính vì vậy tôm sạch bệnh nhưng đạt đến năng suất 150 - 200 tấn/ha/năm".
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, mô hình nuôi tôm hai giai đoạn của Công ty Trúc Anh đã lan tỏa cho 12 hộ nuôi trên tổng diện tích 20,7ha với 21 ao nuôi và tôm của những hộ này đều phát triển rất tốt. Ngoài ra, nhiều nông dân ở các tỉnh, thành trong khu vực muốn tìm hiểu về quy trình thì có thể "khăn gói" đến trụ sở công ty để tìm hiểu và được các kỹ sư của công ty hướng dẫn miễn phí.
Khi được hỏi vì sao công ty sẵn sàng chia sẻ với nông dân, anh Xuân cười xòa: "Có chia sẻ thì mới cải thiện, trao đổi tổng hợp để mỗi ngày quy trình của mình hoàn thiện hơn. Nói chung là mình nghiên cứu rồi thì chia sẻ cho nông dân sáng tạo tiếp. Rồi mình lại lấy cái hoàn thiện đó về, và rồi lại chia sẻ cho nông dân hoàn thiện tiếp để hoàn thiện nữa. Đó là sự trao đổi hai chiều mà".