Khởi nghiệp ở Nông trang Cao Nguyên
Điều đáng nói ở đây là xu hướng làm nông nghiệp công nghệ cao không chỉ thu hút những “đại gia” mà còn khiến người trẻ như anh Hưng và những người bạn của anh dấn thân để khởi nghiệp.
Trở về quê sau một thời gian dài học tập, anh Vũ Nam Hưng (1987), ngụ ấp Cầu Hai, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú và một người bạn nhận thấy làm nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành xu hướng tất yếu và phù hợp với Bình Phước. Vì vậy, Công ty TNHH MTV nông trang Cao Nguyên (Nông trang Cao Nguyên) ra đời với quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững của đôi bạn trẻ.
Tự động hóa chăm sóc vườn cây
Với diện tích 1,5 ha trồng dưa lưới, Nông trang Cao Nguyên đã đầu tư xây dựng 13 nhà lưới rộng 1.000m2, kinh phí 600 triệu đồng/nhà. Mỗi nhà lưới đều có hệ thống phun sương, dưa trồng trong bịch và toàn bộ quá trình chăm sóc đều được tự động hóa. Anh Hưng cho biết: Nhờ hệ thống tự động hóa mà hiện mỗi ngày chúng tôi đều kiểm soát được sự phát triển của vườn dưa. Những công đoạn pha phân, tưới, phun sương... đều thông qua chiếc điện thoại thông minh. Để minh chứng cho điều vừa nói, anh Hưng mở điện thoại và thực hiện thao tác tin nhắn. Liền sau “nhận lệnh” các bồn phân như có ai mở van theo một tỷ lệ nhất định, chảy vào bồn lớn và theo ống bù áp đến tận các gốc dưa. Khác với cách tưới thủ công, hệ thống tưới tự động của Nông trang Cao Nguyên chảy từ từ nên không có trường hợp gốc nhiều, gốc ít nước. Vì vậy các gốc dưa phát triển đồng đều. Anh Hưng chia sẻ: Với phom nhà lớn, hệ thống phun sương, được “ăn dinh dưỡng” đúng giờ, đúng liều lượng cây sẽ phát triển tốt, tránh được sâu bệnh và cho sản phẩm đạt chuẩn.
Tại Nông trang Cao Nguyên, dưa lưới thu hoạch có trọng lượng từ 1,2-1,5kg/trái chiếm số lượng lớn. Ngoài ra, dưa ở đây được thị trường ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon và chắc thịt. Chị Nguyễn Thu Thủy, chủ tiệm trái cây sạch tại thị xã Đồng Xoài cho biết: Dưa lưới tại Nông trang Cao Nguyên có giá cao hơn các vườn khác do ngọt hơn, chắc hơn. Hơn nữa công ty có chương trình bao đổi trả trong vòng từ 7-10 ngày đối với sản phẩm hư nên rất được lòng khách hàng. Vì vậy tuy giá cao hơn nhưng khách vẫn mua vì thấy an tâm.
Do một vụ dưa lưới kéo dài 3 tháng nên Nông trang Cao Nguyên đã bố trí thời điểm xuống giống phù hợp để luôn có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và tiếp cận xây dựng thương hiệu. Để đất không sớm bị bạc màu, anh Hưng chọn trồng bịch thay vì trồng trực tiếp xuống đất. Sau mỗi vụ, Nông trang Cao Nguyên lại thay bịch mới, tránh tái sử dụng xơ dừa cũ vì độ pH cao.
Nông nghiệp công nghệ cao đầu chỉ có dưa lưới?
Sở dĩ nhiều chủ vườn chọn dưa lưới để thử nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao vì đây là sản phẩm có vòng đời ngắn, thu hồi vốn nhanh và tương đối an toàn. Tuy nhiên anh Hưng cho rằng, làm nông nghiệp công nghệ cao không phải ai cũng làm được vì đòi hỏi phải có vốn lớn, đầu tư bài bản và người chủ phải nằm vững kiến thức. “Ở Nông trang Cao Nguyên, cây được chăm sóc khoa học, “ăn” đúng giờ, đúng liều lượng, thành phần, được làm mát... Trừ trường hợp tắc ống hoặc cây giống yếu, còn lại đa số cây phát triển tốt, từ đó sản phẩm cũng chất lượng hơn” - anh Hưng nói.
Mặc dù đang tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhưng hiện nay Nông trang Cao Nguyên vẫn mở rộng diện tích thêm 7.000m2 nữa. Dự tính công ty sẽ đầu tư thêm 7 nhà lưới phom lớn và tiếp tục trồng dưa lưới. Đây là cách Nông trang Cao Nguyên “lấy ngắn nuôi dài” để tiếp tục xây dựng nền móng vững chắc cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững. Anh Hưng cho biết: Chúng tôi tự tin về sản phẩm của mình làm ra vì đó là sản phẩm sạch, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu, sức khỏe của người Việt Nam và tương lai xuất khẩu ra thế giới. Làm nông nghiệp công nghệ cao không chỉ có dưa lưới, tương lai Nông trang Cao Nguyên sẽ tìm hiểu, nghiên cứu trồng đa dạng các loại cây.
Để Nông trang Cao Nguyên phát triển mạnh và bền vững, ít ai biết anh Hưng và những người bạn đã phải trả giá bằng những thất bại và tổn thất lớn về tiền bạc. Hệ thống tự động hóa được Nông trang Cao Nguyên đặt hàng thiết kế phần mềm phù hợp với yêu cầu thực tế tại công ty. Anh Hưng nói: “Khó nhất là vốn. Gia đình lúc đầu cũng không tin, vì bản thân tôi học ngành không liên quan gì đến nông nghiệp. Nhờ đam mê nên lúc đầu chúng tôi gom tiền lại, trồng thử nghiệm 1-2 vườn dưa. Cứ thế, vườn dưa này thành công lại tiếp tục gom vốn làm vườn khác cho đến khi thuyết phục được gia đình cầm cố tài sản cho mượn vốn”. Vì vậy từ 1-2 vườn dưa đầu tiên đến nay, Nông trang Cao Nguyên đã đầu tư được 13 vườn, tương lai là 20 vườn và cung cấp ra thị trường trong, ngoài tỉnh hơn 40 tấn dưa lưới sạch. Nông trang cũng tạo việc làm cho 11 lao động thường xuyên tại địa phương với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/ người/tháng.
Xác định làm nông nghiệp công nghệ cao là không thể làm liều, không thể giữa chừng nên Nông trang Cao Nguyên đang xây dựng một nền tảng vững chắc. Điều đáng nói ở đây là xu hướng làm nông nghiệp công nghệ cao không chỉ thu hút những “đại gia” mà còn khiến người trẻ như anh Hưng và những người bạn của anh dấn thân để khởi nghiệp. Xu hướng này đang dần trở thành con đường duy nhất để nông nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.