Khởi nghiệp ở tuổi 50

Trung bình mỗi tháng, xưởng may Kim Tùng xuất khoảng 500.000 dây đeo, thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Không dừng lại ở sản phẩm dây đeo, chị Tùng dự định sẽ đào tạo nguồn công nhân có tay nghề cao để mở rộng gia công áo đầm, sơ mi, đồng phục.

Từ nhỏ, chị Võ Thị Kim Tùng (chủ xưởng may Kim Tùng, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài) đã đam mê với nghề may. Năm 19 tuổi, chị được gia đình cho học nghề. Người bình thường chỉ cần học 1 lần là có thể ra nghề, nhưng chị Tùng phải học đến 4 lần. Tuy cuộc sống thăng trầm đã nhiều lần buộc chị phải lựa chọn công việc, nhưng chị quyết không từ bỏ ước mơ. Chính sự bền bỉ nuôi dưỡng đam mê đã trở thành động lực nên dù đã sang tuổi 50, chị vẫn tự tin khởi nghiệp để được sống trọn vẹn với tâm huyết của mình.

Một lòng với nghề may

Những tháng năm tuổi trẻ, để mưu sinh chị Tùng phải về TP. Hồ Chí Minh làm công nhân may. Với tay nghề cao, chị nhanh chóng lọt vào “tầm ngắm” của những người quản lý. Tuy nhiên, vốn ham học hỏi lại thích được hằng ngày tiếp xúc với đường kim, mũi chỉ nên chị “xin đi làm công nhân” để tay nghề ngày càng thành thục. Thời gian này, chị vừa làm công nhân vừa nhận thêm đồ bên ngoài về may gia công nhằm tăng thu nhập. “Tôi vừa làm vừa “học lóm” cách làm chuyên nghiệp của các công ty may, bởi họ yêu cầu sản phẩm hoàn thiện phải đáp ứng điều kiện xuất đi nước ngoài. Mà muốn làm được điều này thợ may phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận” - chị Tùng nói.

Gần 30 tuổi, chị Tùng lập gia đình và trở về quê lập nghiệp. Những năm sống ở huyện Phước Long (cũ), chị Tùng nhận may đồng phục học sinh cho hầu hết các trường trên địa bàn. Do hoàn cảnh neo người, chị phải về Đồng Xoài để có thêm sự trợ giúp của gia đình. May mắn, chị xin được dạy may tại Trung tâm Giới thiệu việc làm và công tác cho đến năm 2016. Chị cho biết: “20 năm đi dạy, tôi cố gắng “truyền lửa” cho nhiều thế hệ học trò về nghề may. Để thỏa nỗi nhớ nghề, tôi tự tay cắt may gần như toàn bộ áo quần của gia đình và người thân. Mỗi sản phẩm tôi làm ra đều chứa đựng nhiều tâm huyết nên mọi người rất hài lòng”. Đầu năm 2017, chị xin nghỉ chế độ và mở xưởng may Kim Tùng. Chị bắt đầu nhận gia công may dây đeo (ruy băng) xuất khẩu cho các công ty trong và ngoài tỉnh. Với chị, đây chính là khoảng thời gian cảm thấy hài lòng nhất, bởi ước mơ đang được hiện thực hóa.

Có đam mê thì khởi nghiệp không bao giờ muộn

Ở cái tuổi nhiều người muốn nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân và gia đình thì chị Tùng lại hăm hở đi tìm đơn hàng, mở xưởng và kiếm công nhân. Vốn có kinh nghiệm đào tạo chị hướng đến những phụ nữ nghèo, không có việc làm ổn định và thời gian nhàn rỗi. “May dây đeo rất đơn giản, người chưa biết chỉ cần học 3 ngày, còn người đã học qua chỉ cần 1 ngày là làm được. 3 tháng đầu, tôi vừa làm thầy vừa làm thợ. Hiện xưởng may có khoảng 20 công nhân làm thường xuyên, 10 người nhận về gia công” - chị Tùng nói.

Ngày mới mở xưởng, chị Tùng rất lo lắng về đơn hàng. Tuy nhiên, sau vài đợt xuất hàng, xưởng may của chị đã có thêm nhiều khách hàng. Chị Tùng khẳng định: “Đơn hàng của xưởng hiện nay phải 3 năm sau mới làm hết. Vì vậy, tôi muốn mở rộng xưởng, phối hợp với hội phụ nữ các xã, phường trên địa bàn thị xã Đồng Xoài hướng dẫn và tạo việc làm cho chị em. Hiện nay, xưởng may Kim Tùng đã triển khai cho hội viên các phường Tân Đồng, Tân Xuân, Tân Thiện... nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều. Không chỉ hội viên khó khăn mà nhiều giáo viên, học sinh trong dịp hè cũng đến xưởng nhận hàng về gia công. Với học sinh, tôi chú trọng đào tạo để các em làm thành thục, sau này có nghề và nếu có nhu cầu tôi sẽ nhận vào làm việc lâu dài. Ngoài ra, tôi còn phối hợp Trung tâm Giới thiệu việc làm mở lớp dạy may tại xưởng và giới thiệu việc làm ngay”.

Trung bình mỗi tháng, xưởng may Kim Tùng xuất khoảng 500.000 dây đeo, thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Không dừng lại ở sản phẩm dây đeo, chị Tùng dự định sẽ đào tạo nguồn công nhân có tay nghề cao để mở rộng gia công áo đầm, sơ mi, đồng phục. Chị Tùng chia sẻ: “Tôi sẽ có chế độ ưu đãi riêng cho công nhân gắn bó với xưởng trên 6 tháng để họ cùng phát triển, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ khác. Tôi vẫn thấy mình còn nhiều năng lượng để làm việc, vì công việc này giúp bản thân năng động, minh mẫn và có chút đóng góp cho cộng đồng”.

Bình luận của bạn