Khởi nghiệp ở Việt Nam: Đừng vội vàng với ý tưởng lớn
Đó là những chia sẻ của Tiến sĩ Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT trước 500 thành viên của diễn đàn Quản trị và khởi nghiệp được tổ chức tại TPHCM.
Đừng ngại chia sẻ ý tưởng
Ông Trương Gia Bình cho biết, ở nước ta muốn khởi nghiệp trước tiên phải xác định ý tưởng và khát vọng. Ý tưởng là thứ cốt yếu để hình thành chiến lược khởi nghiệp, còn khát vọng là tinh thần để đương đầu với thử thách, vượt qua mọi khó khăn.
“Không ít người có ý tưởng khởi nghiệp rất hay và rõ ràng nhưng vốn chỉ có 10 đồng. Họ vội vàng đầu tư vào khởi nghiệp ban đầu với trị giá 7 đồng. Do chưa có kinh nghiệm thương trường dẫn đến thua lỗ, mất trắng. Khi còn lại 3 đồng thì lo ngại thất bại và chuyển hướng khởi nghiệp sang mục tiêu khác. Như vậy, thất bại nối tiếp thất bại”, ông Bình dẫn chứng.
Bên cạnh đó, ở nước ta, rất đông cá nhân lo ngại chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp vì sợ bị người khác "cướp" cơ hội làm giàu. Đó là sự sai lầm hết sức nghiêm trọng bởi trong kinh doanh, ý tưởng chỉ chiếm xác suất cực kì nhỏ để dẫn đến sự thành công. Khởi nghiệp, vươn lên thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó khát vọng cháy bỏng với tinh thần kinh doanh là quan trọng nhất.
“Nếu bạn lo ngại chia sẻ ý tưởng sẽ làm giảm xác suất tương tác của chính mình. Việc chia sẻ ý tưởng sẽ làm cho những người ngoài có cái nhìn công tâm, giúp bạn nhìn ra những điểm yếu để bổ khuyết và hoàn thiện hơn cho quá trình khởi nghiệp”, ông Bình nói.
Sống chết với thị trường
Chủ tịch FPT khuyên cộng đồng Start-up, lần đầu tiên khởi nghiệp nên làm đi từ ý tưởng nhỏ trên sản phẩm nhỏ để hạn chế thấp nhất mức rủi ro. Cần phải xác định được, có ai đó dám bỏ tiền ra để trả tiền cho thành phẩm mà mình làm ra hay không. Có thể thăm dò sự thành công hay thất bại ban đầu để rút kinh nghiệm bằng cách đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng.
Bước kế tiếp, người khởi nghiệp cần phải xác định trong một năm, doanh thu có tiếp tục tăng 3 lần hoặc hơn so với thời kì đầu hay không. Trường hợp doanh thu tăng ít, không tăng hay có chiều hướng đi xuống thì nên dừng, xem xét lại để hoàn thiện các bước lỗi của tiến trình.
Ông Trương Gia Bình cũng dành lời khuyên cho những ai muốn khởi nghiệp phải ghi nhớ: "Đã xác định làm doanh nghiệp là sống chết với thị trường. Trong đầu lúc nào cũng phải nghĩ đến lợi ích khách hàng. Làm sao cho khách hàng thỏa mãn nhu cầu cao nhất".
Trong quá trình khởi nghiệp, máu lửa với nghề rất quan trọng. Năng lực dựa trên những chỉ số tăng trưởng qua các thời kì. Khi đạt được chỉ số tăng trưởng nhất định, các nhà đầu tư sẽ tự tìm thấy cơ hội lợi nhuận và tìm đến để bỏ vốn vào, giúp quá trình khởi nghiệp bước sang giai đoạn mới.
Khởi nghiệp với sản phẩm ban đầu, chỉ thành công khi khách hàng tin tưởng, trung thành với dòng sản phẩm và giới thiệu sản phẩm của chúng ta đến người khác.
"Thật ra, doanh nghiệp cũng có bệnh lão hóa giống con người, chu kỳ cũng theo trình tự sinh – lão – bệnh – tử. Đã là doanh nghiệp phải có khát vọng cháy bỏng, cho khách hàng cảm nhận tốt nhất giá trị sản phẩm mình làm ra", ông Bình chia sẻ.
Chủ tịch FPT cũng cho rằng, hiện nay, hầu hết nhân viên ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa không nhận ra đến công ty để làm với mục đích gì, chiến lược phát triển ra sao. Họ chỉ biết làm việc như một cái máy và chờ đợi cuối tháng nhận lương. Do đó, người khởi nghiệp cũng cần "thổi lửa" khởi nghiệp đến từng nhân viên của mình.