Khởi nghiệp sớm chứ đừng vội
Bạn có hay gặp kẹt xe không?
Bạn có hay gặp kẹt xe vào giờ đi làm không?
Bạn có hay gặp kẹt xe vào giờ đi làm về không?
Tôi rất ít khi gặp kẹt xe, thật đấy!
Sáng sớm thường tôi đạp xe lòng vòng Sài Gòn, dừng lại nơi nào đó thú vị ngồi hóng mát chơi, hoặc uống ly cafe sớm nhâm nhi cái cảm giác thành phố nhộn nhịp này sao lại ít người thế!
Thường thường hơn 5h sáng tôi đạp xe về tới nhà, tắm thỏa thích rồi mở Tivi xem Ted, xem cái gì đó hấp dẫn, tích cực, viết lách hoặc lăn ra ngủ tiếp vài chục phút.
Tôi không bao giờ phải kêu con dậy đi học, nếu nó ngủ nướng thì tôi sẽ cho nghỉ học ngày hôm đó luôn. Vợ chồng tôi không ép con đi học. Nhưng lạ ở chỗ nó lại rất thích đi học. Sáng cô bé tự dậy, tự chuẩn bị xong xuôi rồi nếu sáng nào tôi đi thể thao về mà ngủ lại là dựng tôi dậy bắt chở đi học. Cô bé có bạn học cùng lớp ở gần nhà. Sáng tôi cũng muốn chở cả 2 đứa đi học chung nhưng con tôi sáng nào cũng đòi đi sớm quá trong khi cô bé kia lại chưa chuẩn bị kịp. Hai ba con tôi phải chờ rất lâu nếu muốn hoặc phải đi trước!
Ở cổng trường, nếu bạn đến thật sớm thì thường vắng hoe, chẳng có ai. Nhưng nếu bạn chở con đi học đúng giờ thì ôi thôi, giành giật, chen lấn, xô đẩy, va quẹt đủ cả.
Thường khi tôi đang ăn sáng thì các phụ huynh khác đang chen lấn nhau ở cổng trường. Đôi lần chứng kiến, tôi thấy họ rất vội và cũng rất tội.
Công ty của tôi ở mặt tiền đường, nếu sắp xếp tốt thì nhân viên vẫn có thể để xe trước cửa công ty nhưng qui định của tôi là tất cả nhân viên, kể cả tôi, đều phải gởi xe ở một bãi xe an toàn khá xa đó. Công ty sẽ lo tiền gởi xe cho tất cả nhưng phải cuốc bộ để đi đến công ty. Thế là nhân viên ai cũng lo đi sớm để gởi xe vì nếu đi đúng giờ rất đông thì sẽ phải chực chờ vào bãi xe và trễ giờ làm!
Tôi không muốn làm cái gì thật hoành tráng như kiểu mọi người vẫn thấy. Tôi chỉ mong làm sao những việc nhỏ nhỏ hàng ngày được chu toàn. Tôi không chấp nhận việc trễ giờ dù đó chỉ là một buổi hẹn cafe chém gió. Tôi muốn cái gì cũng được làm sớm, vì làm sớm thì sẽ không vội, không vội thì sẽ ung dung, ung dung thì dễ thành công và thành công kiểu ung dung nó thật thanh tao làm sao!
Khởi nghiệp không phải là phong trào
Tôi đã dự định viết một seri về đề tài SỚM nhưng thấy chưa đủ chín nên bây giờ mới thực sự bắt đầu viết.
Tôi thấy bây giờ nhiều bạn nháo nhào đi tham gia các lớp về khởi nghiệp. Điều đó thì không biết nên mừng hay nên lo. Bởi theo tôi thì khởi nghiệp là cả một hành trình chứ có phải phong trào bắt Pokemon đâu mà phải nháo nhào thế! Mà đã là hành trình thì phải bắt đầu từ bước chân đầu tiên, từ bên trong chính bạn chứ đâu phải đi học vài ba tiểu xảo rồi đem áp dụng hòng mong kiếm chác gì đó.
Xã hội loạn, cái xấu nhiều thì người ta cũng tìm cách hô hào làm điều tốt, điều tử tế. Trong khởi nghiệp cũng vậy! Nhưng hỡi ôi, bạn thấy đó, giờ làm khởi nghiệp tử tế cũng thành phong trào luôn, tử tế cùng một kiểu, có công thức hẳn hoi!!!
Nếu xem khởi nghiệp là cả một hành trình thì chúng ta phải bắt đầu rất bài bản, từ cái lõi căn bản. Giống như việc bạn bước chân vào lớp 1 là nấc thang đầu tiên trong 12 nấc thang để lên tới đại học. Bạn không thể nhảy lên lớp 12 ngay lập tức. Vậy mà trong khởi nghiệp nhiều người đang muốn từ mẫu giáo bay thẳng lên đại học. Nháo nhào đi học khởi nghiệp có khác gì học sinh lớp 1 biểu tình đòi lên học lớp 12!
Người dạy bạn khởi nghiệp, nếu không có kinh nghiệm thực chiến thì bạn đang theo học một kẻ hão huyền. Nếu họ có kinh nghiệm thực chiến rồi, thành công rồi thì liệu bạn, một người chưa bao giờ khởi nghiệp liệu có đủ sự trải nghiệm để hiểu? Có câu: người có tiền gặp người có kinh nghiệm thì người có kinh nghiệm sẽ có tiền còn người có tiền sẽ có kinh nghiệm!
Tôi chắc chắn một điều có những người về mặt tư chất, tính cách và cả hệ thần kinh của họ không phù hợp với khởi nghiệp. Khởi nghiệp là bắt đầu vào một hành trình có độ rủi ro, mạo hiểm rất cao. Không phải ai cũng phù hợp với điều này. Cho nên thậm chí trước khi bước vào lớp 1 của khởi nghiệp cũng phải có bài test để ra quyết định có nên lao vào hành trình này hay không!
Tôi quan sát suốt 17 năm làm ăn của mình có những người đã khởi nghiệp rồi cảm thấy quá sợ hãi con đường này vì họ thực sự không có năng lực cá nhân. Thế là thay vì làm thứ gì đó là thiên bẩm để khởi nghiệp thì họ tìm một diễn giả nào đó bái sư, rồi học các kĩ thuật đào tạo, rồi đi dạy kiếm xu, thế là xong! Họ kiếm được tiền, thậm chí rất nhiều tiền vì khát khao làm giàu đang lan tràn cả xã hội thì dạy làm giàu khá dễ giàu! Họ tô vẽ sự thành công của họ, nhưng câu hỏi nặng kí nhất là: anh đã làm cái gì để giàu? Đi dạy làm giàu, dạy khởi nghiệp à? Sao kì vậy?
Hiện trạng này tôi gọi là bong bóng khởi nghiệp, nó có phần nào tương đồng với bong bóng bất động sản hay chứng khoán. Nguy cơ vỡ bong bóng lớn lắm!
Hãy lặng lẽ khởi nghiệp sớm
Lời khuyên của tôi là khi mọi người đổ xô đi học khởi nghiệp, tham gia hội thảo này hội thảo kia thì bạn nên lặng lẽ tìm kiếm con đường riêng và bắt đầu lớp 1 của mình nếu bạn đã thực sự quyết định bước vào hành trình này. Đi học, đi hội thảo thì có thể tinh thần được kích thích ghê lắm, lên mây ghê lắm nhưng nó như chất kích thích mà, chỉ là thứ bên ngoài, hết thuốc lại đâu vào đấy.
Nội lực nằm bên trong bạn chứ không phải bên ngoài. Khi mà một mình bạn, chỉ với chính mình mà bạn vẫn cảm nhận được sức mạnh nội tâm, vẫn quyết tâm kỉ luật để khổ luyện, rèn luyện những tính cách của người thành công thì đó chính là dấu hiệu của sự thành công đang chờ đón phía trước. Mà thậm chí bạn có không thành công lắm về vật chất đi nữa thì cuộc sống của bạn cũng đã thay đổi đến mức không thể tưởng tượng nổi. Hãy tìm cho bằng ra cái gì mà nó là thiên phú của bạn và luyện cho nó thành ngọc quý.
Tài năng cá nhân theo tôi chính là chìa khóa cho mọi vấn đề. Không có con đường nào khác thành công đúng nghĩa hơn con đường này đâu bạn, chuyện gì tôi không dám nói chứ chuyện này thì tôi khẳng định luôn. Bất cứ cá nhân nào muốn thành công đều phải khổ luyện để làm thăng hoa thiên phú của chính mình.
Có một nguyên tắc mà hẳn nhiều người đã nghe qua: nguyên tắc 10000 giờ. Anh Lâm Minh Chánh đã từng viết một bài về đề tài này mà tôi rất tâm đắc. Không có thiên tài, chỉ có 10000 giờ biến ai đó thành thiên tài. Ngay cả những người xuất chúng bậc nhất thế giới cũng phải cần tới 10.000 giờ để bắt đầu bộc lộ tài năng thực sự. Vậy thì bạn phải bắt đầu thật sớm, còn không bắt đầu sớm thì sau này có vội cũng chẳng được đâu!
Những người không hiểu rõ nguyên tắc của thành công thực sự thì lúc nào cũng vội. Càng vội càng hỏng. Tôi đã cố gắng đề cập rất nhiều về cách thực hiện bất kì một thứ gì đó. Tôi nói: làm đúng thì sẽ nhanh, còn làm nhanh chưa chắc đã nhanh.
Hãy nhớ: khi bạn đang toan tính vội vã gì đó thì ai đó trên thế giới này đang miệt mài, kiên nhẫn rèn luyện để bộc lộ thiên phú của họ. Khi cái cây khởi nghiệp của họ lớn lên, ra nụ, nở hoa cho bạn thấy thì e rằng bạn đã chậm mất rồi!
Khởi nghiệp – hãy rèn luyện với tính kỉ luật cao, trong sự thả lỏng, ung dung và thấu hiểu qui luật của sự thành công. Tôi dám cam đoan với bạn cái sự thành công mà khớp nhau của cả bên trong lẫn bên ngoài là thứ mà không có tiền bạc nào so sánh nổi. Bởi nó là hiển lộ của sự trưởng thành cá nhân, đó là một cái đẹp huy hoàng!
Hãy rèn luyện, khổ luyện sớm chứ đừng vội vã mơ tới thành công!