Khởi nghiệp từ mô hình nuôi chim yến
Ngành nuôi chim yến bắt đầu từ Khánh Hòa, nơi chim yến đầu tiên về ở. Từ năm 1995, cơn bão số 5 đã đẩy đàn chim Yến từ Thái Lan trôi dạt về đảo Khánh Hòa.
Năm 1997, Khánh Hòa bắt đầu có tổ yến và mỗi lần nhắc đến yến người ta nghĩ ngay đến Khánh Hòa. Từ Yến Sào Khánh Hòa, một số người dân Quảng Trị đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật, bắt đầu khởi nghiệp từ mô hình nuôi chim yến.
Không phải ai cũng nuôi được chim yến, chim yến sống thành đàn, tìm nơi đất lành để đậu. Yến làm tổ trong nhà hay ngoài đảo, từng đàn đi kiếm ăn. Yến đảo nằm ngoài vách núi, được sống khí trời, sương, gió, nhưng bụi bẩn. Còn yến nuôi trong nhà được che chắn kỹ, nhưng phải đảm bảo giống như hang động ngoài trời để nó trở về. Đó là nguyên tắc của nghề nuôi chim yến, phải có rêu phong, có cái lạnh của hơi sương như một hang động ẩm ướt, yến mới về trú ngụ.
Nhận thấy những đặc điểm đó của yến, một số người dân Quảng Trị đã gọi yến về, xây nhà nuôi yến như anh Nguyễn Hiệp, ở khóm Xuân Phước và anh Nguyễn Ngọc Nhân ở khóm Đông Chín, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa; anh Nguyễn Văn Thành ở Cam Hiếu, huyện Cam Lộ; anh Phan Văn Thư ở phường 2, thành phố Đông Hà, anh Phan Văn Trọng ở khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh... cùng một số hộ ở xã Gio Việt, Gio Châu thuộc huyện Gio Linh.
Cơ duyên nuôi yến đến với anh Nguyễn Ngọc Nhân ở khóm Đông Chín, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa rất tình cờ. Nhà anh Nhân ở vùng đồi núi, vùng biên thuận lợi cho chim yến trú ngụ, sinh sống. Tháng 8/2017, anh Nhân thấy một đàn chim khoảng 40 con cứ quẩn quanh vùng đồi vườn nhà anh và xung quanh các nhà khác cách đấy không xa. Cứ hoàng hôn đến, đàn chim đậu vào sân thượng tầng 3 của nhà anh.
Hơn một tháng theo dõi cùng với kiến thức tìm hiểu trên sách báo về chim yến bấy lâu nay, anh Nhân xác định đó là chim yến, anh quyết định mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi yến. Từ sân thượng, anh Nhân dùng tôn quây kín xung quanh, mời chuyên gia lắp đặt các thiết bị dẫn dụ chim yến về ở với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Chỉ trong vòng gần 3 tháng dụ yến về, đã có trên 200 con đến trú ngụ và ngày một nhiều hơn. Anh Nhân lắp đặt hệ thống camera giám sát tại nhà yến, trên sân thượng nhà anh đã có gần 100 tổ yến, nhiều con đã đẻ trứng. Anh tiếp tục mở rộng nhà yến xuống tầng 2 để đàn chim phát triển tốt hơn.
Cũng trên địa bàn vùng biên thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, anh Nguyễn Hiệp ở khóm Xuân Phước đã đầu tư nuôi chim yến. Mùa thu năm 2017, anh Hiệp thấy có hơn 20 chim yến về ở trên mái nhà. Anh tìm cách dụ yến về bằng cách thả chim mồi, chỉ trong thời gian ngắn đàn yến lần lượt kéo về. Anh bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật nuôi chim yến và đầu tư gần 250 triệu đồng xây dựng nhà yến trên gác thượng. Anh Hiệp hy vọng trong 2 năm tới sẽ thu được vốn đầu tư.
Từ vùng núi biên giới đến vùng biển Quảng Trị đã hình thành phong trào khởi nghiệp từ nuôi chim yến. Một số hộ nuôi chim yến tại vùng biển có hiệu quả như gia đình anh Phan Văn Trọng ở khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh với diện tích nuôi chim yến 140 m2, được đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và lắp đặt máy móc phục vụ nuôi chim. Lứa đầu tiên với khoảng 150 cặp chim bố mẹ, anh Trọng thu hoạch được 40 tổ, tương đương khoảng nửa kilôgam. “Tổ yến hay còn gọi là yến sào sau khi được làm sạch, chế biến có giá 300.000 đồng/tổ", anh Trọng chia sẻ.
Cũng tại vùng biển, cơ sở nuôi chim yến của anh Trần Văn Phong, ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt bắt đầu từ tháng 9/2017 với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Anh Phong tìm hiểu kỹ thuật nuôi chim yến qua sách báo, tài liệu và từ những người đã thành công với mô hình nuôi chim yến ở Đông Hà, Lao Bảo. Anh lắp đặt hệ thống máy phát âm thanh giả tiếng chim yến, hệ thống phun sương tạo độ ẩm tự động, đèn chiếu sáng đuổi chim cú và hệ thống camera giám sát. Sau khi đưa vào hoạt động, máy phát âm thanh có chức năng dẫn dụ đàn chim yến tự do ngoài thiên nhiên về làm tổ. Anh Phong cho biết, cứ 80 - 90 tổ yến sẽ thu được 1 kg yến, thu nhập hiện nay của gia đình anh ngày càng khá hơn trước.
Không chỉ ở miền biển mà ngay thành phố Đông Hà mô hình nuôi chim yến đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Phan Văn Thư ở phường 2, thành phố Đông Hà đầu tư 300 triệu đồng xây nhà nuôi yến vào năm 2015. Anh Thư dùng âm thanh thu hút chim yến, lắp đặt hệ thống loa ngoài để dẫn dụ chim yến. Máy làm mát, phun sương duy trì nhà yến ở nhiệt độ phù hợp từ 27 đến 29 độ C, độ ẩm là 75 - 90% nhằm đảm bảo điều kiện môi trường sống cho chim yến.
Những ngày đầu phát nhạc, số lượng chim yến bay tới rất ít, chỉ có khoảng 6, 7 con đến ở. Sau đó gần 200 con chim yến về làm tổ, đẻ trứng, sinh sản. Mỗi năm một con có thể đẻ 3 - 4 lứa. Hiện tại nhà yến nhà anh Thư có hơn 2.000 con đang trú ngụ. Cứ 6 tháng cho thu hoạch trên 4kg yến, với giá thị trường vào khoảng 35 triệu đồng/kg yến thành phẩm đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập khoảng 250 - 300 triệu đồng mỗi năm.
Anh Thư đã xây dựng thương hiệu yến sào Trường Thọ. Không chỉ lo làm giàu cho riêng mình, anh Thư còn thành lập Câu lạc bộ Yến sào Quảng Trị với 10 thành viên là những người có chung sở thích, đam mê với nghề nuôi yến trong nhà. Để đạt được những kết quả từ mô hình nuôi chim yến, anh Phan Văn Thư chia sẻ: “Phải quyết tâm, tìm hiểu, học hỏi, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình cùng với việc tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể tại địa phương”.
Khởi nghiệp từ mô hình nuôi chim yến ở Quảng Trị đang bước đầu đạt được những kết quả đáng mừng, một số hộ đã vươn lên làm giàu. Để mô hình này ngày càng phát triển, đạt kết quả tốt hơn, cần xây nhà đúng quy cách, tránh hiện tượng xây nhà yến theo lối tự phát, không đảm bảo tiêu chuẩn chim yến sinh sống, bảo vệ môi trường sinh thái...