Khởi nghiệp từ sàn thương mại nông sản

Vốn là kỹ sư nông nghiệp nhưng Nguyễn Đức Ninh (SN 1983) lại bắt đầu khởi nghiệp từ một công ty phần mềm.

Sau 7 năm lập nghiệp, hiện Nguyễn Đức Ninh đang là Giám đốc Công ty CP Alofarm Việt Nam, chuyên tư vấn nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con nông dân.

Gặp Nguyễn Đức Ninh sau chuyến công tác tình nguyện tại Lào, anh tâm sự, là thanh niên Thủ đô, nắm vững về công nghệ phát triển nông nghiệp nên muốn mang kiến thức của mình áp dụng vào thực tế, giúp bà con nông dân trong nước và các nước láng giềng. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) năm 2005, nhưng Ninh lại bắt đầu công việc đầu tiên của mình tại một công ty phần mềm. Sau 5 năm làm thuê, đến năm 2010, anh khởi nghiệp bằng việc lập ra công ty phần mềm với số vốn ít ỏi.

Sau một năm hoạt động, khi có kinh nghiệm về CNTT, Ninh nảy ra ý tưởng đưa mặt hàng nông sản lên website để giới thiệu sản phẩm cũng như tư vấn kỹ thuật sản xuất. Chỉ sau thời gian ngắn đã có nhiều người dân liên hệ tới anh nhờ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, mua bán cây giống, nông sản, vật tư nông nghiệp. Thấy vậy, anh bắt tay xây dựng sàn thương mại điện tử với tên gọi Nhanong24h.com - thuộc Công ty CP Hệ sinh thái Công nghệ Việt Nam để cung cấp giống cây ăn quả chất lượng cao, giúp bà con nông dân tiêu thụ, quảng bá miễn phí các sản phẩm nông sản và có cơ hội bán hàng trên mạng internet. Để tránh tình trạng sàn thương mại điện tử tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm rộng mà không sâu, năm 2011, anh Ninh chọn lĩnh vực trồng trọt, xây dựng đội ngũ chuyên sâu về nông nghiệp để thực hiện trước và trong những năm tiếp theo mở rộng dần các mảng khác như: Chăn nuôi, thú y, thủy sản, lâm nghiệp... 

Với mong muốn góp sức vào công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước nhà, đồng thời xây dựng công cụ hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao dành cho người dùng trong nước và nước ngoài, năm 2012, anh Ninh tiếp tục xây dựng hệ thống sàn giao dịch nông sản thuộc Công ty CP Alofarm Việt Nam. Anh bảo, Alofarm có tính năng cung cấp các thông tin thị trường, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật từ xa cùng với nhiều gian hàng tiện ích đa dạng về chủng loại, đưa sản phẩm của người dân tiếp cận thị trường tốt hơn. Nhờ sàn thương mại điện tử này, các sản phẩm của nông dân không còn tình trạng ứ đọng hay bà con có thể nghiên cứu thị trường trước khi sản xuất. Song song với sàn giao dịch, Alofarm phát triển thêm các dịch vụ hỗ trợ khác như: Ứng dụng công nghệ cao; Phát triển dịch vụ cứu hộ nông nghiệp khi mất cân đối nông sản, thiên tai, dịch bệnh…

Từ đó cho đến nay, 2 công ty vẫn hoạt động, phát triển không ngừng dưới sự chèo lái của ông chủ trẻ. Anh Ninh chia sẻ, trong 5 năm đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, anh đã nắm giữ lượng khách hàng “khổng lồ” và ổn định. Để tăng khả năng phục vụ và cung cấp cho người dân, anh đã xây dựng các mô hình gồm: Đội ngũ quản lý, nhân sự khối văn phòng đủ chuyên môn, gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm và trang trại sản xuất quy mô 10ha. “Niềm vui và số vốn lớn nhất mà tôi có được đó là đã chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp cho rất nhiều bà con đồng bào vùng sâu, vùng xa” - anh Ninh bày tỏ.

Tuy là ông chủ của 2 công ty nhưng anh Ninh vẫn thường xuyên trực tiếp đi đến từng hộ dân vùng sâu, vùng xa để tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con. Với khao khát chung tay với người nông dân Việt, anh Ninh cho biết, mục tiêu sắp tới của Alofarm là góp sức đưa nông sản Việt có mặt ở các nước: Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... để tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân Việt Nam.

Bình luận của bạn