Khởi nghiệp từ sản vật quê hương

Những buổi như thế này, chàng trai trẻ La A Nồng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đình Chung (Bình Liêu, Quảng Ninh), thường có mặt từ rất sớm. Với tinh thần ham học hỏi, La A Nồng luôn tận dụng những dịp như vậy để tiếp nhận thêm kiến thức về kỹ thuật trồng dong riềng hiệu quả, đồng thời tìm hiểu những cơ chế, chính sách trong nông nghiệp cũng như kinh doanh chế biến sản phẩm. Điều này hết sức cần thiết cho những thanh niên vùng cao đang khởi nghiệp tại địa phương.

 La A Nồng (ngoài cùng, bên trái) hướng dẫn công nhân cách sử dụng máy sản xuất miến dong.
 

Sinh ra và lớn lên tại một xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Liêu, 25 tuổi, La A Nồng mới học hết phổ thông. Rời ghế nhà trường, Nồng lên đường nhập ngũ. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, cái nghèo đã thôi thúc anh làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Anh nhận thấy nơi đây đất đai không trù phú nhưng lại may mắn được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây dong riềng. La A Nồng tâm sự: “Từ nhỏ đã thấy ông bà mình làm miến dong, nhưng làm thủ công nên sản lượng thấp. Lớn lên, mình ấp ủ làm giàu từ chính sản vật quê hương và luôn trăn trở: Làm sao để chất lượng và sản lượng miến đạt cao hơn. Vậy là mình bàn với gia đình thế chấp đất vay vốn ngân hàng, mượn thêm của anh em họ hàng để đầu tư trồng dong riềng, mua máy móc và thành lập hợp tác xã trồng, chế biến miến dong. Ban đầu gặp nhiều khó khăn về vốn cũng như đầu ra. Nhưng với quyết tâm, cộng với sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương và được bà con ủng hộ, đến nay sản phẩm của mình đã có chỗ đứng trên thị trường”.

Nói về con trai, bà Lặng Thị Lý, mẹ của La A Nồng, tự hào: “Cháu học hết cấp ba rồi đi bộ đội. Sau đó về quê, cháu đi học hỏi ở nhiều nơi, mua máy móc về làm. Lúc đầu không bán được miến, chúng tôi sợ cháu chán nản, nhưng cháu đã được rèn luyện qua bộ đội nên quyết tâm lắm”.

Hiện nay, hợp tác xã của La A Nồng là một trong những đầu mối chính bao tiêu toàn bộ sản lượng dong riềng của thôn Nà Ếch, xã Húc Động (Bình Liêu, Quảng Ninh). Năm qua, hợp tác xã sản xuất hơn 30 tấn miến thành phẩm, đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Anh Hoàng Việt Dũng, Phó bí thư Huyện đoàn Bình Liêu, nhận xét: La A Nồng là một trong những thanh niên tiêu biểu trong khởi nghiệp thành công của huyện. Đồng chí đã biết tận dụng những điều kiện thuận lợi của mảnh đất quê hương, làm giàu cho bản thân và tạo việc làm cho bà con, nhất là thanh niên địa phương. Năm qua, La A Nồng là một trong 85 thanh niên nông thôn tiêu biểu toàn quốc, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của.

Bình luận của bạn