Khởi nghiệp từ tranh vỏ tràm
Yêu thích hội họa từ thời còn học phổ thông nhưng nhận thấy nghề này có phần “phiêu lưu” ở vùng quê Miệt Thứ (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) vốn thuần nông nghiệp, nên chàng thanh niên Lê Hoàng Nhân chọn học ngành Kỹ sư nông học để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho miền quê mình. Mặc dù vậy, niềm đam mê vẽ cứ thôi thúc mãi đã đưa Nhân đến với tranh vỏ tràm.
Nông dân mê hội họa
Sinh ra và lớn lên ở xứ sở U Minh Thượng với ngút ngàn những rặng rừng tràm nên hình ảnh và hương vị của loài cây mộc mạc nhưng có sức sống mãnh liệt này đã nuôi dưỡng trong lòng anh nông dân trẻ Lê Hoàng Nhân vốn yêu hội họa ước ao biến vỏ cây tràm thành những bức tranh độc đáo, như một cách bày tỏ tình cảm sâu nặng với quê hương. Do vậy dù không học qua trường lớp hội họa nào nhưng với năng khiếu sẵn có cùng sự kiên trì học hỏi, rèn luyện, đến nay Nhân (sinh năm 1982) là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đông Hưng B, huyện An Minh mà còn được biết đến là một nghệ nhân trẻ đã góp phần phát triển dòng tranh bằng vỏ cây tràm vốn kén người theo đuổi.
Ảnh minh họa
Nhân cho biết vào khoảng năm 2004, ông Trần Thanh Nam (Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Huyện An Minh) thấy vùng này có rất nhiều tràm. Riêng xã Đông Hưng B là xã có nhiều cây tràm nhất với khoảng 5.600 ha trong tổng số 7.438 ha tổng diện tích. Vì thế trong một hội chợ cấp huyện tổ chức sau đó, ông Nam có mang vài bức tranh vỏ tràm về trưng bày làm mẫu để khuyến khích các họa sĩ chuyên và không chuyên của huyện tận dụng thế mạnh xứ sở tràm để phát triển loại hình này. “Tôi rất hào hứng và nghĩ rằng mình cũng sẽ làm được, vì trước đó đã có quá trình tập tành vẽ thông qua các đợt phát động lớn nhỏ ở địa phương và có tham gia dạy vẽ cho học sinh nên năng khiếu được hoàn thiện dần. Vậy là tôi mày mò tập làm tranh bằng vỏ tràm từ đó”, anh kể. Nhân cho biết thêm, khoảng 3-4 năm đầu tranh làm không được đẹp, phải sửa tới sửa lui rất nhiều. Cái khó nhất là không bảo quản được tranh, cứ vài hôm thì bong tróc. Nhưng sau đó thì anh đã nghiên cứu được loại keo để giữ màu sắc, đảm bảo được độ bền. Cứ như vậy, đến khoảng năm 2010 thì tranh mới thật sự hoàn thiện, anh tự tin mang ra tiếp cận thị trường. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm anh bán được trên 100 bức tranh, giá thành trung bình là 3 triệu đồng mỗi mét vuông. Theo Nhân, chuyện bán được tranh đối với anh không chỉ đơn giản là có thu nhập trang trải gia đình, mà điều đó cho thấy rằng tranh vỏ tràm của vùng quê Miệt Thứ ngày càng lan tỏa và được công chúng đón nhận. Sản phẩm tranh vỏ tràm của Nhân nhiều năm liền được Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, UBND tỉnh Kiên Giang bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Khắc họa quê hương qua tranh vỏ tràm
Tình yêu quê hương là chủ đề chính trong tranh của Nhân. Qua tranh, tác giả khắc họa cảnh vật quê hương với dòng sông, rặng rừng tràm, cánh đồng lúa, ghe xuồng xuôi ngược, tán dừa nước với cây cầu tre nên thơ, đặc biệt là những danh lam thắng cảnh, biểu tượng gắn liền với vùng quê Kiên Giang như hòn Phụ tử, cổng Tam quan, ngôi trường vùng Miệt Thứ… Tranh được làm thủ công bằng chất liệu vỏ tràm nhưng vẫn vô cùng sống động bởi những lớp vỏ cây tràm khá đa dạng màu sắc như trắng, vàng, nâu đất, xanh rêu. Trong đó, phần vỏ trắng dùng làm mây trời, màu vàng nhạt có thể làm mây, sông, màu vàng sậm làm sông ở tầm nhìn gần, màu vàng sẫm làm bụi cây phía xa xa, cuối cùng phía ngoài là màu xanh đóng rêu dùng làm cây ở phía gần tầm mắt để cho bức tranh sáng lên. Nhân cho biết màu vàng sậm thường tìm ở những cây tràm 7 tuổi trở lên, còn màu xanh tìm ở chỗ cây mọc vùng khuất ánh nắng sẽ tạo lớp rêu xung quanh vỏ tràm. Cứ mỗi cuối tuần anh thường vào rừng tìm vỏ tràm làm chất liệu cho tranh.
Chia sẻ về việc kiên trì đeo đuổi dòng tranh khá lạ mà cũng kén người mua này, Nhân bày tỏ: “Ở xã mình cây tràm rất nhiều, tràm là loài cây gắn bó với đời sống của mình từ nhỏ đến lớn, là nguồn kinh tế chính nuôi lớn những con người ở miền quê này. Vỏ tràm trước nay thường bị bỏ đi vì thấy rằng không có giá trị, nay nhận thấy có thể dùng làm tranh nên nhất định phải phát huy, đặc biệt là từ đây mình có thể kiếm được tiền và giữ gìn được giá trị, nâng tầm giá trị của tràm lên”.
Nhân cho hay, so với giai đoạn ban đầu cách đây hơn 10 năm thì việc tranh vỏ tràm gần đây thuận lợi hơn vì có thị trường tiêu thụ, được nhiều người yêu chuộng nhưng lại nảy sinh nỗi lo khác là tràm đang ít dần đi.