Khởi nghiệp từ trồng su su

Cách đây 25 năm, 1 người phụ nữ đảm đang đã rủ chồng lặn lội lên mảnh đất Sa Pa (Lào Cai) trồng rau, hoa xứ lạnh. Đó là chị Đỗ Thị Liên, người đang “chèo lái” con thuyền Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) Hoa Đào ở thị trấn Sa Pa...

Khởi nghiệp từ trồng su su

Quê chị Liên ở tỉnh Lai Châu. Năm 1993, chị Liên kết hôn với anh Vương Văn Tân (quê Vĩnh Phúc). Ngày đầu đến Sa Pa làm kinh tế, 2 vợ chồng chị gặp rất nhiều khó khăn. Do “máu” nghề nông nên chị Liên đã mạnh dạn bàn với chồng vay tiền anh em, bạn bè, cùng với số vốn ít ỏi tích cóp được để mua 3ha đất nương ở Sa Pa để trồng cây su su.

Chị Đỗ Thị Liên giới thiệu về hệ thống đường ống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước mà HTX Hoa Đào đang áp dụng.

Thời gian đầu, mặc dù cây su su hợp với thổ nhưỡng, phát triển tốt, cho quả to, đều, nhưng đầu ra không ổn định, giá bán thấp. Thu nhập bấp bênh từ cây su su khiến vợ chồng bà Liên nản, định chuyển đổi sang cây trồng khác. Nhưng với quyết tâm làm giàu, hai vợ chồng chị Liên đã đi khắp các tỉnh miền Bắc để tìm đầu ra cho quả su su.

Không phụ công người, cuối cùng vợ chồng chị cũng tìm được đầu ra ổn định cho quả su su tại các tỉnh, thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Yên Bái… "Giá bán su su cao, có thời điểm 20.000 đồng/kg nên sau đó gia đình tôi đã mở rộng diện tích lên tới 13ha. Càng tăng diện tích, chúng tôi càng có thu thập cao hơn, trung bình mỗi năm gia đình có mức thu từ 200-300 triệu đồng", chị Liên nhớ lại.

Nhận thấy nhiều loại cây phù hợp với thổ nhưỡng Sa Pa, năm 2008, hai vợ chồng chị Liên đã đầu tư hàng trăm triệu đồng, trồng thêm 10ha hoa hồng, bắp cải, su hào... Năm 2014, Sa Pa xảy ra mưa tuyết lịch sử khiến hàng trăm héc ta rau, hoa của gia đình chịLiên bị thiệt hại nặng. "Lần đấy là đau nhất, tưởng như không thể gượng dậy được nhưng nhờ sự động viên của chồng và mọi người, tôi đã cố gắng và tiếp tục theo nghề" - chị Liên chia sẻ.

Cũng trong năm 2008, chị Liên đã quyết định thành lập HTX NN Hoa Đào, chị làm giám đốc. Ngày đầu mới thành lập, HTX Hoa Đào chỉ có khoảng 30 xã viên, nhưng đến nay con số này đã lên tới 180 xã viên.

Nói về sự phát triển lớn mạnh của HTX Hoa Đào, chị Liên cho biết: “Thời gian đầu, HTX đầu tư tiền mua phân bón, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho các hộ dân trồng hoa hồng, su su…Sản phẩm đầu ra được Hợp tác xã ký hợp đồng bao tiêu nên các hộ tham gia thu nhập ổn định, có hộ một năm thu về trên 100 triệu đồng”.

Hiện tại, diện tích trồng hoa hồng đỏ và su su của HTX Hoa Đào đã lên tới trên 100ha. Việc mở rộng HTX Hoa Đào đã tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động là người dân địa phương, với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài trồng su su, hoa hồng, hiện HTX Hoa Đào còn sắm nhiều xe tải, thu mua vận chuyển nông sản của bà con trong vùng đi tiêu thụ ở các tỉnh khác.

Rau sạch đảm bảo 150 chỉ số tiêu chuẩn

Theo chị Liên, HTX Hoa Đào thu hoạch rau 1 lần/tháng. Trung bình, mỗi năm, HTX của chị Liên đưa ra thị trường khoảng 10.000 tấn rau các loại. Trước khi thu hoạch, HTX sẽ cho cán bộ lấy mẫu gửi đi phân tích 150 chỉ số. Khi có kết quả, nếu đơn vị nào vi phạm, nhẹ thì bị HTX lập biên bản xử phạt, vi phạm nghiêm trọng sẽ bị HTX xử lý nặng. "Do có quy trình rõ ràng, chặt chẽ và xử lý vi phạm rất nghiêm, cùng với các chính sách hỗ trợ, thưởng động viên kịp thời nên các xã viên rất ủng hộ" - chị Liên tiết lộ.

Trong quá trình làm, chị Liên luôn tìm tòi, cập nhật các thông tin về máy móc, công nghệ hiện đại nhằm tìm ra các giải pháp áp dụng vào sản xuất. Mới đây, chị Liên đã cùng bàn với các xã viên đưa thiết bị tưới nhỏ giọt vào áp dụng và được bà con tán thành.

"Ban đầu đưa ra bàn luận nhiều người phản đối gay gắt lắm, nhưng sau khi được tôi thuyết phục và phân tích, bà con đã hiểu và làm theo. Trong khi làm, nhiều xã viên không có tiền, gia đình tôi đã bỏ tiền túi để ứng trước ra lắp đặt cho mọi người. Sau khi có sản phẩm, chúng tôi sẽ trừ dần” - chị Liên kể.

Do địa hình phức tạp và một số diện tích nằm rải rác nên đến nay HTX Hoa Đào tại Sa Pa mới có 70% diện tích trong tổng số trên 100ha được tưới nhỏ giọt. "Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không như nhiều người nhầm tưởng là phải làm nhà kính, nhà lưới hiện đại... mới là công nghệ cao. Có khi đơn giản chỉ là ứng dụng công nghệ sinh học hay lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước trong sản xuất cũng là nông nghiệp công nghệ cao" - chị Liên chia sẻ.

Có đất, đủ vốn thì việc gì cũng làm được

Theo chị Liên, trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để bà con xã viên cùng hưởng lợi.

“Bà con rất muốn làm nhà lưới trồng rau, hoa để có thể sản xuất quanh năm nhằm tăng thu nhập hơn nữa. Nhưng hiện việc đầu tư này rất khó khăn vì đến nay HTX chưa được vay nguồn vốn ưu đãi nào. Tất cả nguồn vốn đều phải sử dụng sổ đỏ để vay” - chị Liên cho hay.

Cũng theo chị Liên, để HTX Hoa Đào tự có nguồn vốn trong đầu tư, ứng dụng khoa học là rất khó. Bởi vốn bình quân tính theo hợp tác xã cả nước mới trên 1,2 tỷ đồng/hợp tác xã. Doanh thu bình quân của hợp tác xã nông nghiệp là 980 triệu đồng/hợp tác xã/năm.

“Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành khoảng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất ưu đãi. Song, theo tôi biết, hiện chưa HTX nào được vay từ gói hỗ trợ tín dụng 100.000 tỷ đồng. Không chỉ “đói” vốn, hiện nhiều hợp tác xã còn thiếu quỹ đất tập trung để làm công nghệ cao hoặc đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa yên tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất” - chị Liên nói thêm.

Bình luận của bạn