Khởi nghiệp với mô hình nhà chống lũ
Sau 2 năm tìm tòi nghiên cứu, Nguyễn Minh Hoàng, sinh viên khoa Kiến trúc, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây đã thử nghiệm thành công mô hình nhà chống lũ với sự tài trợ của 2 doanh nghiệp trong một bản hợp đồng trị giá 400 triệu đồng. Đây thật sự là một khoản đầu tư không nhỏ đối với một sinh viên.
Nhà nổi “Floor Housing”
Một ngày cuối năm, người dân miền quê nghèo thuộc ấp Lợi Hòa, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp tò mò tập trung xung quanh một chiếc ao nhỏ.
Trong ao này, một căn nhà đã được hoàn thiện. Tiếng của máy bơm bắt đầu nổ. Nước từ rạch bên cạnh được bơm vào ao. Ba mươi phút sau, mực nước đạt 1 mét. Căn nhà cũng được nâng lên theo dòng nước. Một tiếng sau, nước đầy ao với độ sâu hơn 2 mét. Máy bơm tắt, căn nhà đặc biệt vẫn nổi trên mặt nước. Những em nhỏ thích thú chạy băng theo bậc thềm bằng sắt vào căn nhà với sự phấn khích.
Ở ngoài bờ ao, nhiều người dân thích thú chỉ trỏ. “À ra thế, nhờ mấy cái thùng nhựa kia mà căn nhà nổi được kìa. Hay quá, hay quá. Dân mình không còn sợ lũ nữa rồi”- một người nói.
Đó là buổi thực nghiệm thể hiện nội dung của bản hợp đồng đặc biệt mà Nguyễn Minh Hoàng, sinh viên ĐH Xây dựng Miền Tây ký kết với 2 doanh nghiệp là nhà đầu tư cho dự án nhà chống lũ “Floor Housing”.
Khi tiếng máy bơm tắt, hai nhà đầu tư đã cùng Hoàng trang trọng bước vào căn nhà. Gian phòng khách của căn nhà thử nghiệm rộng 48 mét vuông có một chiếc bàn nhỏ. Trên mặt bàn để sẵn một bản hợp đồng “lịch sử”. Hoàng ký kết với 2 nhà đầu tư là ông Phạm Nam Phong, Giám đốc Vũ Phong Solar và ông Nguyễn Hà Mạnh, Giám đốc công ty Nguyễn Hà. Buỗi lễ có sự chứng kiến của đại diện Trường ĐH Xây dựng Miền Tây nơi Hoàng theo học và đại diện của ĐH Quốc gia TPHCM.
Khi những tiếng vỗ tay giòn giã cất lên cũng là lúc Hoàng nở nụ cười hạnh phúc, vì dự án khởi nghiệp của anh chính thức được đầu tư. Nhưng có vẻ sự lo toan vẫn còn hiện diện trên khuôn mặt của chàng sinh viên có nét từng trải này.
“Sắp tới em sẽ còn nhiều việc phải làm và còn nhiều thứ phải cố gắng. Em muốn dành tặng dự án này cho những người dân vùng lũ quê mình. Để dự án khả thi, được nhân rộng, em còn phải tính toán nhiều đến chi phí sao cho sản phẩm có giá thấp hơn chi phí xây dựng nhà hiện tại. Như vậy, người dân mới có cơ hội sử dụng sản phẩm này” - Hoàng nói.
Theo TS Nguyễn Ngọc Long Giang, Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, dự án này được Hoàng đặt vấn đề với nhà trường từ đầu năm 2018 và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo nhà trường.
“Tôi cũng chính là người hướng dẫn giúp Hoàng về dự án này. Nhiều tháng, hai thầy trò phải bàn bạc với nhau về thiết kế của căn nhà để cho ra sản phẩm cuối cùng. Có thể nói, đây là một dự án rất tiềm năng” - TS Giang chia sẻ.
Căn nhà mẫu của Hoàng có diện tích 48m2 với hệ thống nâng - hạ bằng sắt và khoảng 60 thùng nhựa composite để giúp cho nhà nổi.
Theo tính toán, số thùng nhựa này sẽ có khả năng nâng tải trọng lên đến hơn 30 tấn. Chi phí xây dựng cho căn nhà mẫu là khoảng 200 triệu đồng. Nhưng Hoàng tin chắc rằng, chi phí này khi triển khai thực tế sẽ thấp hơn nhiều.
Nhà đầu tư “thấy mới tin”
Nguyễn Minh Hoàng là một trong số ít sinh viên được doanh nghiệp đầu tư vào dự án khởi nghiệp khi chưa ra trường. Trước đó, Hoàng đã có thời gian được đồng hành với các doanh nghiệp từ các cuộc thi về khởi nghiệp của ĐH Quốc gia TPHCM.
Chính vì lẽ đó, những doanh nhân đã có thời gian tìm hiểu kỹ và họ hiểu được khát vọng của chàng sinh viên trẻ này.
Chính ông Nguyễn Hà Mạnh và ông Phạm Nam Phong đã vượt quãng đường hơn 150 km từ TPHCM đến vùng quê nghèo của Hoàng để chứng kiến việc thử nghiệm nhà mẫu của cậu sinh viên này. Chiếc ô tô phải băng qua con đường đất nhỏ ngoằn nghoèo nằm sâu hun hút với xung quanh là bạt ngàn những gốc ổi và gốc xoài trĩu quả.
Trên con đường nhỏ hơn 5km, xe chạy rất chậm để tránh những người đi đường, có khi phải dừng hẳn xe để tránh những chiếc ô tô khác đi ngược chiều. Phía bên kia đường là một dòng sông hiền hòa. Ông Mạnh nhìn qua kính xe trầm ngâm, dòng sông hiền hòa này mùa lũ sẽ rất dữ dội. Ông muốn về tận nơi để chứng kiến việc thực nghiệm dự án này. Ông cho rằng đây là một ý tưởng rất thực tế vì lũ lụt là vấn đề mà người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long năm nào cũng đối mặt.
“Quá trình thử nghiệm hệ thống nhà chống lũ càng giúp tôi thẩm định tính khả thi của dự án này. Dẫu biết rằng, đầu tư vào dự án khởi nghiệp luôn có yếu tố mạo hiểm, nhưng nếu không có sự đồng hành của doanh nghiệp, các dự án này khó lòng mà tiến xa được. Chúng tôi đầu tư 10 dự án và có thể thất bại 8. Nhưng tôi hy vọng rằng, 2 phần nhỏ còn lại thành công sẽ nằm ở dự án này”- ông Mạnh nói.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TPHCM chia sẻ, dự án khởi nghiệp cần nhiều hơn những hoạt động thực tế như vậy mới chứng minh được tính khả thi về công nghệ và khả năng ứng dụng.