Kiếm 20 triệu/tháng từ nuôi 2.000 vịt cổ xanh
“Chất lượng thịt thơm ngon, giống tốt, trứng luôn trong tình trạng cháy hàng…” là kết quả nuôi 2.000 vịt cổ xanh của anh Đoàn Văn Trưởng ở bản Nhộp, xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu (Sơn La). Chỉ với diện tích hơn 4.000m2 đất đai, chuồng trại, nhưng đều đặn mỗi tháng đàn vịt cổ xanh “đẻ” ra cho anh hơn 20 triệu đồng.
Sinh ra trong gia đình thuần nông ở ngoại thành Hà Nội, cái ăn, cái mặc thiếu thốn đủ đường nên anh Trưởng chỉ học xong 12 rồi nghỉ học ở nhà giúp bố, mẹ làm việc đồng áng. Nhưng dù tảo tần thì cuộc sống vẫn không khấm khá lên được. Đầu những năm 2000, anh Trưởng quyết định rời quê hương lên mảnh đất khỉ ho cò gáy - xã Chiềng Bôm (huyện Thuận Châu, Sơn La) để khai hoang, lập nghiệp.
Nhưng phải đến năm 2010, anh Trưởng mới quyết định “đánh thức” tiềm năng khu đất cạnh con suối bản Nhộp, quanh năm ngập nước làm trang trại nuôi vịt với vài trăm con vịt giống.
Năm 2011, sau khi vay 450 triệu đồng từ ngân hàng, anh Trưởng quyết định tăng số lượng của đàn vịt cổ xanh, mở rộng thêm diện tích chăn nuôi.
Hiện nay, trên diện tích hơn 4.000m2 đất và chuồng trại, anh Trưởng có hơn 2.000 con vịt cổ xanh sinh sản với sản lượng trứng là 1.300 đến 1.400 quả trứng mỗi ngày.
Để đáp ứng nhu cầu cung cấp giống, anh Trưởng mạnh dạn đầu tư máy ấp trứng công nghiệp đời mới với công suất 12.000 con/lứa. Mỗi tháng ấp nở hơn 10.000 con giống. Trang trại của anh chuyên cung cấp vịt giống, trứng cho nhân dân trong vùng và các vùng khác. Với giá 3.000 đồng/quả trứng; 8.000-12.000 đồng/con vịt giống.
Dẫn chúng tôi vào thăm khu chăn nuôi, anh Trưởng phấn khởi nói: “Nhờ đàn vịt này mà đời sống gia đình tôi từng bước xóa được đói, giảm được nghèo. Mỗi năm, đàn vịt cho lãi ròng từ 200 đến 300 triệu đồng nhờ bán giống và trứng. Thức ăn của vịt rất đơn giản chủ yếu là chuối, rau, lúa ủ mầm, bột ngô, cám gạo…”
Theo kinh nghiệm của anh Trưởng, nuôi vịt cũng có những khó khăn nhất định. Đòi hỏi người chăn nuôi phải nắm vững kỹ thuật, nhất là khâu chọn giống. Nếu chọn được con giống tốt sẽ cho trứng và con giống có chất lượng, sản lượng cao.
“Nghề nuôi vịt đòi hỏi người nuôi phải có sự tỉ mỷ, quan sát từng con để biết con nào đẻ đều, con nào đã ngừng đẻ phải tách đàn thay thế. Vịt đẻ trứng bình thường 2 năm thay một lần nhưng cũng có thể thay sớm hơn để năng suất và chất lượng trứng tốt hơn. Ngoài ra, cần để ý phát hiện sự linh hoạt của vịt, màu sắc phân để nhận biết tình trạng sức khỏe của từng con”. Anh Trưởng chia sẻ.
Nhờ giống vịt cổ xanh đẻ trứng và lấy thịt đều rất ngon nên những năm gần đây gia đình anh Trưởng luôn là “địa chỉ đỏ” của những hộ nông dân có nhu cầu nuôi và sử dụng thực phẩm từ vịt cổ xanh ở các vùng lân cận như: Thành phố Sơn La, Sông Mã, Quỳnh Nhai…đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm, mua giống. Cũng từ mô hình phát triển kinh tế trang trại này, mấy năm trở lại đây anh Trưởng luôn được tỉnh, huyện tặng bằng khen, giấy khen, chứng nhận hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.