Kiếm bộn tiền từ rau quả lạ
Ai cũng nói mạo hiểm nhưng bà Phạm Thị Thu Cúc quyết rời bỏ thành phố vào tiểu khu 227A, Lâm Đồng tiên phong trồng thử nghiệm những loài cây mới lạ và đã thành công, thu lãi lớn.
Mạo hiểm với các loại rau gia vị của Pháp Bà Cúc, Giám đốc Công ty TNHH Bạch Cúc, kể năm 2009, khi đang trồng rau bó xôi thì một lãnh đạo ở siêu thị Metro đề nghị trồng các loại rau gia vị châu Âu. Ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, sinh sống và du lịch nhưng ngay cả xứ rau Đà Lạt cũng chưa có ai trồng các loại rau thơm tây để phục vụ bữa ăn hàng ngày cho người châu Âu.
Phải rất vất vả cô con gái đang du học tại Pháp mới mua được hơn chục giống rau thơm như chervil (rau mùi), dill (thì là), basil (húng quế), thyme (húng tây), rosemary (hương thảo), chocolate mint (bạc hà)… gửi về Lâm Đồng cho bà trồng thử nghiệm. “Các công ty hạt giống ở Pháp từ chối bán hàng với số lượng quá ít vì còn liên quan đến hóa đơn, chứng từ…”, bà Cúc nói.
Bà Cúc trong vườn rau thủy cảnh
Vấn đề nan giải tiếp theo là kỹ thuật trồng và xác định mùa vụ thích hợp cho từng loại rau. Không biết ai từng sản xuất rau thơm tây để học hỏi, bà mò mẫm gieo trồng, chăm sóc chúng như trồng rau cao cấp của Đà Lạt theo mô hình công nghệ cao, vừa làm vừa điều chỉnh dần kỹ thuật canh tác cho thích hợp.
Các loại rau thơm này thích nghi với khí hậu Lâm Đồng, chỉ vài tháng sau đã cho thu hoạch nhưng khâu tiêu thụ rất chậm, phải đổ bỏ hàng loạt vì chưa có nhiều người biết về sự xuất hiện của chúng. Bà Cúc kiên nhẫn mang rau đi tiếp thị ở nhiều siêu thị, nhà hàng. 3 tháng, 6 tháng rồi một năm trôi qua, lượng khách hàng mới tương đối.
Dần dà, được hệ thống các siêu thị Metro, VinMart… đặt hàng với số lượng ổn định, bà mạnh dạn mở rộng diện tích nhà kính trồng rau thơm Tây lên 4.000 m2, nâng chủng loại rau gia vị lên 17-18 loài. Mỗi ngày gia đình bà thu hoạch trên dưới 30 kg.
Với giá 50.000 - 250.000 đồng/kg tùy loại, mỗi năm bà thu về tiền tỷ. Cà chua khủng Trước tình trạng các loại cà chua truyền thống giá cả bấp bênh, cao nhất cũng chỉ 8.000-9.000 đồng/kg và có những lúc phải đổ bỏ vì thừa mứa, giá quá rẻ không bù được công thu hoạch, bà Cúc trồng thử nghiệm một số giống cà chua khủng. Bà là người đầu tiên trồng thành công Big Beef Tomato của Hà Lan tại Lâm Đồng. Cà chua được trồng trong nhà kính, tưới bằng công nghệ nhỏ giọt.
Theo bà Cúc, cần bón lót một lượng phân chuồng khá lớn đã qua xử lý kỹ thuật trước khi đặt bầu cà chua vào. Loại cây này rất mẫn cảm với thời tiết nên quá trình canh tác cần kết hợp cả hữu cơ và hóa học mới phòng trừ được các loại nấm bệnh và phải chú ý phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Thường xuyên theo dõi các hiện tượng thời tiết để bơm thuốc kịp thời bởi chỉ cần chậm một vài ngày, cây sẽ phát bệnh, không chỉ mất nhiều tiền của công sức để chữa mà còn bị giảm sản lượng.
Đến kỳ thu hoạch ai nấy ngỡ ngàng trước vườn cà chua lạ cho loại quả trên dưới 500 g, cá biệt có những quả nặng tới gần 1 kg, gấp mười mấy lần so với cà chua truyền thống. Ban đầu loại cà chua này rất khó tiêu thụ tại Việt Nam vì người tiêu dùng còn lạ lẫm, nghi ngờ đây là cà chua Trung Quốc. Phải mất thời gian dài tiếp thị, kiên trì giải thích, thuyết phục các nhà phân phối; chào mời, ký gửi tại các cửa hàng rau quả, bà Cúc mới tìm được đầu ra ổn định cho loại cà chua khủng này.
Big Beef Tomato đã được bán tại siêu thị với giá 30.000-40.000 đồng/kg. Mát tay với rau thủy canh Tháng 10/2014, bà Cúc cùng hơn 10 nhà vườn, doanh nghiệp trồng rau ở Đà Lạt được công ty chuyên cung cấp hạt giống của Hà Lan là Rijk Zwaan mời sang Malaysia tham quan mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ châu Âu.
Mê mẩn với những vườn rau đẹp như hoa và sạch đến mức có thể hái ăn ngay tại chỗ, bà quyết định trồng thử nghiệm trên diện tích 1.000 m2 với vốn đầu tư ban đầu để làm nhà kính, lắp đặt thiết bị và mua hạt giống lên tới 800 triệu đồng. Tháng 3/2015, bà Cúc sản xuất đợt rau thủy canh đầu tiên nhưng cây rau phát triển èo uột. Công ty Rijk Zwaan đã cử nhân viên kỹ thuật qua Việt Nam để tư vấn, trực tiếp hướng dẫn. Hạt giống được cho vào ly nhỏ có chứa xơ dừa đã qua xử lý và ươm 15 ngày trước khi đưa lên máng thủy canh.
Cây trên máng được nuôi dưỡng bằng nguồn dưỡng chất hòa trong nước chảy luân hồi 24/24 giờ từ nguồn cung của 3 bồn nhựa loại 5.000 lít kết nối với hệ thống máy bơm, máy phát điện dự phòng. Ưu điểm của phương pháp thủy canh hồi lưu này là nguồn nước luân chuyển 24/24 giờ chứ không bị tù đọng. Nhờ vậy không những hạn chế việc phát sinh bệnh trên cây rau mà còn tiết kiệm nước.
Quá trình canh tác hoàn toàn không phun xịt bất cứ loại thuốc phòng trừ sâu bệnh nào, do đó lá rau rất sạch, có thể hái ăn tại vườn. Từ khi cây giống được đưa lên máng đến khi thu hoạch khoảng 30-35 ngày, như vậy mỗi năm làm được 9-10 lứa rau.
Theo Newszing