Kỹ sư phần mềm thành tỉ phú nuôi chim
Du học ngành công nghệ thông tin, có bằng kỹ sư lập trình phần mềm tại Nga, Nguyễn Văn Phúc từng đầu quân làm việc tại một siêu thị lớn ở Hà Nội nhưng đã quyết định về quê học nghề nuôi chim bồ câu và trở thành tỉ phú trẻ.
Thất bại vẫn không từ bỏ
Trang trại bồ câu Hồng Phúc (thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng, H.Sóc Sơn, Hà Nội) từ nhiều năm nay là địa chỉ quen thuộc của nông dân khắp các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra tìm đến để mua giống và học cách nuôi chim bồ câu.
Nhiều người nể phục khi gặp gỡ Nguyễn Văn Phúc (28 tuổi), người sở hữu tài sản trị giá vài tỉ đồng. Có được thành công như hôm nay, Nguyễn Văn Phúc, từ kỹ sư lập trình phần mềm chuyển nghề nuôi chim bồ câu, từng nếm trải không ít thất bại.
Nhìn thành quả lao động con trai tự tay gây dựng, bà Hoàng Thị Xoa (mẹ Phúc) vẫn nhớ như in cảm giác “bàng hoàng xen lẫn lo lắng” khi Phúc nghỉ việc ở siêu thị tại Hà Nội về nhà theo học nghề nuôi chim bồ câu.
Bà Xoa kể, khi đã không thể thuyết phục Phúc từ bỏ ý định nuôi chim, gia đình đành để Phúc thử sức dù tổn thất không ít về kinh tế. Cả trăm triệu đồng tiêu tan bởi đàn chim giống thay nhau chết. “Chấp nhận mất tiền cho con thấy nghề nuôi chim không dễ kiếm ăn, gặp thất bại rồi tỉnh ngộ trở lại làm việc với kiến thức đã học nên tìm mọi cách không hỗ trợ đầu tư thêm nữa nhưng vẫn không ngăn nổi con bỏ nghề nuôi chim”, bà Xoa nói.
Mô hình nuôi chim bồ câu giúp Phúc trở thành tỉ phú trẻ nhất địa phương
Nắm lấy cơ hội
Cơ duyên đưa Phúc đến với nghề nuôi chim bồ câu từ vài cặp chim nuôi nhỏ lẻ gia đình từng nuôi để có thêm thu nhập. Phúc mày mò mở trang web, giới thiệu nghề nuôi chim của gia đình. Càng bất ngờ, tin tức về chim bồ câu mỗi lần đưa lên mạng, luôn có nhiều người truy cập, quan tâm. Điện thoại, hòm thư điện tử luôn đầy ắp tin nhắn, thư chờ trả lời đã giúp Phúc nhận ra cơ hội khởi nghiệp từ nghề nuôi chim.
Không có tí kiến thức nào về lĩnh vực chăn nuôi, Phúc phải mò mẫm, tự tìm kiếm, nghiên cứu hàng chục đầu tài liệu khác nhau về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho chim. Ngoài ra, Phúc còn tìm đến tận các trang trại để học hỏi. Đến khi tự tin có đủ kiến thức để trở lại với nghề nuôi chim thì gặp phải khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư con giống. Cũng vì gặp quá nhiều thất bại trong những lứa chim đầu tiên, gia đình không muốn Phúc theo nghề này nên các “cửa” vay vốn từ người thân, họ hàng đã đóng kín.
“Trót mê nghề nuôi chim quá, mình tìm cách vay mượn từ bạn bè dưới dạng tiêu vặt thôi. Người ít thì cho vay vài trăm ngàn, người nhiều thì bạc triệu. Mình nhớ vay tiền của 7 người cộng lại được gần 15 triệu đồng thì bắt đầu mua chim giống. Đó là những đồng vốn lần đầu tiên mình tự đi vay được”, Phúc kể lại.
Phúc vạch ra kế hoạch bài bản, vừa chăn nuôi vừa nâng cấp trang web cá nhân, mở các tài khoản thành viên trên các diễn đàn chăn nuôi giới thiệu dịch vụ bán con giống. Mạng lưới khách hàng cứ thế không ngừng được mở rộng. Tiền lãi thu về qua mỗi lần bán chim giống được đầu tư tái đàn lớn dần, từ chỗ nuôi nhỏ lẻ đã phát triển thành trang trại.
Qua gần 7 năm khởi nghiệp, trang trại của Phúc đang có 3 khu chuồng nuôi, luôn duy trì 3.000 cặp chim bồ câu sinh sản, trên 1.000 cặp chim thương phẩm và khoảng 300 cặp chim cu gáy phục vụ nhu cầu chơi chim cảnh. Mỗi tháng, trang trại cung cấp ra thị trường 1.500 cặp chim giống và 1.000 cặp chim thương phẩm. “Giá mỗi cặp chim giống khoảng 200.000 đồng và 70.000 đồng/con loại chim thương phẩm, doanh thu mỗi tháng dao động từ 350 - 370 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn và trả lương công nhân, lãi khoảng 30%”, Phúc cho biết.
Nhìn lại con đường khởi nghiệp, Phúc cảm nhận đầy đủ những cay đắng, thất bại trong nghề chỉ vì thiếu kiến thức. Giúp những người đi sau tránh rủi ro, Phúc dồn hết tâm huyết vào trang trại bồ câu mang tên Hồng Phúc, với tâm nguyện cung cấp ra những thị trường con giống tốt nhất, mang lại may mắn cho nhiều người. Đặc biệt, Phúc chắt chiu từng bài học thất bại, đúc kết kinh nghiệm, tự hệ thống viết lại thành các bộ tài liệu dạy nuôi chim bồ câu để tặng miễn phí khách hàng.
Nguồn: Thanh niên