Lạ lùng "Hai Lúa" bán đất để nghiên cứu khoa học

Là “Hai Lúa” chính hiệu nhưng lão nông Nguyễn Văn Vĩnh (59 tuổi, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) lại có niềm đam mê nghiên cứu khoa học đến kỳ lạ. Và để có tiền “làm khoa học”, ông đã bán phần lớn diện tích đất trồng lúa của gia đình...

Cuộc “phiêu lưu” mạo hiểm

Theo lời kể của ông Vĩnh thì ông vốn là nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và cơ duyên đến với khoa học của ông cũng thật tình cờ. Trong một lần xem TV, ông được biết khói thải động cơ xe gắn máy, ô tô là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Qua quá trình tìm hiểu, ông đã phát hiện ra nguyên nhân xe cộ thải ra khói nhiều là do xi-lanh của động cơ không đốt hết nhiên liệu. Từ đó, ông nảy sinh ý định làm ra một thiết bị giúp xilanh đốt hết nhiên liệu bên trong để tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm môi trường.

alt

Năm 2003, ông bắt tay vào nghiên cứu nhưng phải đến năm 2006 ông mới nghiên cứu ra được  thiết bị cung cấp khí phụ cho động cơ chạy bằng xăng. Sau khi nghiên cứu ra, ông đã mất hàng trăm lần chỉnh sửa, thử nghiệm cho phù hợp. Việc chỉnh sửa, thử nghiệm này cũng khiến ông phải mất đến 3 năm. Đến năm 2010, niềm vui đến với ông khi thiết bị cung cấp khí phụ của ông được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KHCN cấp bằng sáng chế.

 Ông Vĩnh cho biết, để làm ra thiết bị này ông đã phải tốn nhiều thời gian, công sức. Trong 7 năm trời ông thường xuyên gác việc đồng áng lại cho vợ con. Nhưng điều “đau đầu” nhất của ông đó là sự phản đối của vợ con khi ông lần lượt chuyển nhượng từng diện tích đất lúa để có tiền nghiên cứu. Ông đã nhượng khoảng 5,8ha đất trồng lúa, còn lại 1,2ha để lại cho vợ con làm. “Vợ la như cơm bữa. Nhưng là người đàn ông có bản lĩnh và quyết tâm cao nên vợ la cứ la, ta làm cứ làm, riết rồi vợ cũng đành phải theo thôi" - ông Vĩnh cười và kể.

Đặt bảo vệ môi trường lên đầu

Nói về thiết bị cung cấp khí phụ, ông Vĩnh cho biết ông làm ra 3 loại dành cho động cơ 1 xilanh, 2 xilanh và 4 xilanh nên hoàn toàn có thể gắn cho động cơ xe gắn máy hai bánh và ô tô sử dụng nhiên liệu là xăng. Khi gắn vào động cơ, thiết bị này sẽ giúp giảm trên 90% lượng khói thải ra môi trường, giảm thiểu nhiên liệu từ 20 – 26%, tăng công suất động cơ lên 14%, giảm nhiệt độ động cơ xuống 2 độ C, đồng thời giữ được độ nhờn của nhớt và tăng tuổi thọ động cơ. Trong đó ông tâm đắc nhất là yếu tố giảm khí thải ra môi trường vì phù hợp với mục đích nghiên cứu của ông. 

Tuy nhiên ông còn trăn trở vì nhiều người chưa hiểu rõ về thiết bị này và xem nó là thiết bị tiết kiệm nhiên liệu đơn thuần, không xét đến yếu tố bảo vệ môi trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sáng chế của ông chưa ra được thị trường, trong khi ông không lại có vốn để mở rộng nghiên cứu, phát triển.

Được biết, giá thiết bị  ông Vĩnh sáng chế khá rẻ, chỉ trên 1 triệu đồng/sản phẩm, nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, nhất là trong bảo vệ môi trường.

Ông Vĩnh dự định sẽ tiếp tục nghiên cứu thiết bị cung cấp khí phụ cho động cơ diesel để gắn trên động cơ xe tải, xe container, giúp giảm ô nhiễm môi trường.

Theo báo Dân Việt

Bình luận của bạn