Lãi vài chục triệu đồng/tháng từ trồng nấm sạch
Không chỉ vậy, ông Cước còn có thể tận dụng triệt để chất thải trồng nấm để làm phân bón cho vườn cây thanh long, tiết kiệm được một nguồn chi phí đáng kể.
Không nặng nhọc
Là một nông dân điển hình, luôn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương nên ông Cước thường xuyên tìm hiểu các loại cây trồng phù hợp với địa phương để đưa vào sản xuất, phát triển kinh tế. Cuối năm 2016, thông qua các tài liệu, sách báo ông nhận thấy các tỉnh lân cận có phong trào trồng nấm rất phát triển, nhiều người làm giàu từ nghề này nhưng địa phương mình chưa có ai trồng.
Ông Cước chia sẻ, muốn trồng nấm thành công vừa phải đảm bảo kỹ thuật vừa phải có nhiệt huyết
Vì thế, ông bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật trồng nấm và xuống cơ sở sản xuất phôi nấm ở Bà Rịa - Vũng Tàu mua 2.000 phôi nấm bào ngư về trồng thử nghiệm. “Phải trồng thử để tự mình đánh giá kết quả như thế nào. Tôi phân ra làm 3 mức để đánh giá là mức trung bình (lỗ tiền công), tốt (có lời nhưng ít) và rất tốt (lời nhiều). Sau 3 tháng, tôi lãi được 5 triệu, đạt mức tốt. Thế nên tôi quyết định sẽ đầu tư trồng nấm và sẽ rút kinh nghiệm dần để tăng tính hiệu quả”, ông Cước cho biết.
Liền sau đó, ông Cước quyết định bỏ ra 100 triệu đầu tư xây trại trên diện tích 150m2 và mua 15.000 phôi nấm (12.000 phôi nấm bào ngư và 3.000 phôi nấm tuyết) về trồng. Sau 3 tháng ông đã lấy được vốn và bắt đầu có lãi. Vừa trồng vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn nên thu nhập của gia đình ông tăng lên từng ngày.
“Có ngày tôi xuất ra thị trường gần 40kg nấm bào ngư và 20kg nấm tuyến. Với giá bán 30.000 đồng/kg nấm bào ngư và 20.000 đồng/kg nấm tuyết, tính ra ngày hôm đó tôi thu được trên 1,5 triệu đồng”, ông Cước bộc bạch.
Chia sẻ kinh nghiệm
Qua thực tiễn trồng nấm suốt gần 1 năm của mình, ông Cước chia sẻ, không phải tất cả các loại nấm đều có kỹ thuật giống nhau. Bản thân ông khi trồng 2 loại nấm bào ngư và nấm tuyết thì nhận thấy nấm tuyết có giá bán rẻ nhưng dễ chăm sóc hơn. Chỉ cần đảm bảo đủ nhiệt độ, độ ẩm, thỉnh thoảng tưới nước là thu hoạch được nhưng nấm bào ngư lại phải chăm sóc kỳ công.
“Làm nấm bào ngư cần tránh nước xâm nhập vào bên trong phôi nấm. Sau khi thu hoạch phải vệ sinh sạch sẽ từng miệng phôi nấm nếu không thì sau lứa đầu, phôi nấm sẽ mốc xanh và không thể cho nấm tiếp nữa. Như thế người trồng chắc chắn sẽ lỗ. Thế nên, tôi cũng muốn chia sẻ với những người có ý định trồng nấm, nếu trồng loại nấm này phải rất chịu khó và kỹ càng. Còn muốn chắc ăn thì nên trồng nấm tuyết”, ông Cước bật mí.
Từ hiệu quả của mô hình trồng nấm bào ngư và nấm tuyết, cách đây 3 tháng, ông Cước bắt đầu trồng thêm nấm rơm. Điều đặc biệt là khi đã trồng nấm bào ngư và nấm tuyết trước đó thì ông không hề mất chi phí cho việc mua nguyên liệu trồng nấm rơm. Bởi, những phôi nấm bào ngư và nấm tuyết khi hết thời điểm thu hoạch và loại bỏ sẽ được sử dụng để ủ nấm rơm. Ông chỉ cần mua phôi nấm về là có thể trồng.
“Vừa qua, tôi cũng đã bắt đầu thu hoạch lứa nấm rơm đầu tiên. Giá bán nấm rơm hiện lên tới 80.000 đồng/kg, trong khi sản xuất không mất tiền mua nguyên liệu, chi phí sản xuất chỉ mất 10.000 đồng/kg... Không chỉ vậy, nấm rơm thu hoạch xong thì phế thải của nó lại dùng làm phân bón cho 1.000 trụ thanh long trong vườn nữa, tiết kiệm được khoảng 30 triệu đồng tiền mua phân hữu cơ hàng năm. Nói chung là giờ mình tận dụng triệt để được tất cả, không để lãng phí thứ gì”, ông Cước tính toán.
Theo ông Cước, trồng nấm không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự nhiệt huyết và cần mẫn. Phải dành nhiều thời gian theo dõi, kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để nấm phát triển. Trại thường duy trì nhiệt độ ở mức 25 - 30oC và độ ẩm khoảng 65 - 70%. Nếu làm tốt khâu kỹ thuật thì mỗi phôi nấm sẽ cho thu hoạch từ 4 - 5 lứa.