Làm giàu ở nông thôn: Trồng 1ha chè, lãi 100 triệu đồng/năm
Cây chè, từ lâu đã được nhiều người biết đến là cây công nghiệp mang lại lợi ích kinh tế cao. Nhiều hộ dân sinh sống ở xã Tô Múa, huyện Vân Hồ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ trồng chè. Gia đình bà Phan Thị Khánh là một điển hình như thế, mỗi năm bà thu lãi hàng trăm triệu đồng từ chè.
Bà Khánh cho biết: “Vài năm trở lại đây, do chè Mộc Châu không ngừng có giá trị cao và được nhiều thương lái đến tìm mua. Theo chỉ đạo của UBND xã, gia đình tôi đã đầu tư giống trồng thêm được 1 ha chè mới. Để cây chè phát triển tốt, cho năng suất cao và sống được bằng nghề sản xuất chè, tôi luôn tập trung thâm canh, chăm sóc, đốn tỉa trồng dặm và thu hái, chế biến đúng kỹ thuật. Nhờ thế, sản phẩm chè của gia đình tôi luôn cho năng suất và chất lượng cao. Cứ vào mùa vụ thu hoạch là nhà máy chè ở xã Tô Múa và ngoài huyện Mộc Châu (Sơn La) đến tìm mua, nên sản phẩm chè của gia đình không lo ế ẩm”.
Về kỹ thuật chăm sóc chè, bà Khánh thường bón phân lân, đạm kết hợp phân chuồng cho vườn chè. Thông thường trồng chè nhà hơn trồng các loại cây công nghiệp khác. Mỗi năm chỉ cần làm cỏ cho vườn chè từ 1 – 2 lần, không phải chăm sóc tỉ mỉ như cây ngô, cây lúa... Bởi cây chè ít bị dịch bệnh và ít chí phí chăm sóc. Gia đình bà Khánh là hộ tiên phong và làm giàu từ cây chè ở bản Yên Hưng. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, mà bà còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ khác trong bản về chuyển hướng sản xuất vươn lên thoát nghèo bằng cây chè.
“Một năm gia đình tôi thu hoạch được 5 lứa chè tươi, mỗi lứa khoảng 5 tấn cho lãi 20 triệu đồng. Tính ra mỗi năm gia đình tôi thu nhập 100 triệu đồng từ trồng chè. Từ khi chuyển sang trồng chè trên 1ha nương vườn, đời sống kinh tế của gia đình tôi đã dư giả hơn, có khoản tiết kiệm kha khá. Con cái tôi đều trường thành và có nghề nghiệp ổn định”- bà Khánh chia sẻ.
Trao đổi với Dân Việt, ông Hà Văn Đỡ, Chủ tịch UBND xã Tô Múa, huyện Vân Hồ biết: “Trước kia bà con trong xã chủ yếu trồng ngô, sắn, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn và thu nhập thấp. Từ khi chuyển sang trồng chè, thu nhập của người dân tăng lên. Nhận thức của nông dân làm chè thay đổi nhiều, người dân ký hợp đồng liên kết sản xuất và bán sản phẩm cho nhà máy. Ngược lại, nhà máy cam kết đồng hành, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bởi vậy, trồng chè luôn đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định nhất cho bà con”.