Làm giàu thành công từ nuôi gà thả đồng
Nuôi gà thả... đồng là cách nuôi lạ mà hay của nhiều nông dân vùng chiêm trũng các huyện Vụ Bản, Ý Yên, tỉnh Nam Định. Nhiều hộ ở đây sau khi gặt lúa mùa đã để lúa lên bông chét nuôi gà thả đồng...
Trước nay nhiều người chỉ nghe nói nuôi vịt thả đồng, nuôi gà thả vườn, nuôi gà thả đồi chứ chưa nghe nói tới nuôi gà thả... đồng. Nhưng đó lại là cách nuôi lạ mà hay của nhiều nông dân vùng chiêm trũng các huyện Vụ Bản, Ý Yên, tỉnh Nam Định. Nhiều hộ ở đây sau khi gặt lúa mùa đã để lúa lên bông chét nuôi gà thả đồng...
Vào cữ tháng 10 dương lịch, sau khi thu hoạch xong vụ lúa mùa, những hạt thóc rơi vãi, những con giun, dế, côn trùng trong ruộng chờ làm ải là thức ăn lý tưởng cho gia cầm, trong đó có đàn gà thả đồng. Lại thêm được sưởi ấm bởi cái nắng hanh hao tháng mười ví như “kháng sinh” phòng bệnh giúp gà nhanh nhẹn, khỏe mạnh, phát triển tốt và cho chất lượng thịt thơm ngon hơn hẳn cách nuôi nhốt trong chuồng trại.
Chính vì vậy những năm gần đây, nhiều nông dân vùng chiêm trũng thuộc các huyện Vụ Bản, Ý Yên (Nam Định) không thể làm vụ đông đã thay đổi cách thức trong chăn nuôi gia cầm, trong đó có nuôi gà, vừa tiết kiệm chi phí thức ăn, công chăm sóc vừa thu được sản phẩm chất lượng cao...
Trước đây, sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, nhiều diện tích ruộng 2 lúa không thể canh tác thêm vụ thứ 3 cũng chỉ bỏ trống, đợi vụ xuân năm sau. Tuy nhiên, với bản tính cần cù, chịu khó, những nông dân vùng chiêm trũng đã biến những chân ruộng này thành bãi chăn thả nuôi gà để tận dụng được nguồn phụ phẩm nông sản lớn, mang lại giá trị kinh tế cao.
Ban đầu những hộ dân có ruộng liền kề nơi ở thường tranh thủ thả gà ra ngoài đồng sau mỗi vụ thu hoạch lúa mùa. Nhà ít thì 100 - 200 trăm con, nhà nhiều thì 500 con. Ưu điểm của cách nuôi gà thả đồng là con gà được thỏa sức chạy nhảy bới đất tìm kiếm thức ăn tự nhiên, từ những hạt thóc còn sót lại sau khi thu hoạch đến các loại côn trùng sâu, bọ, giun đất, dế mèn, châu chấu và cây cỏ để ăn nên người nuôi đã tiết kiệm được một lượng lớn thức ăn mà gà lại sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh như gà nuôi nhốt.
Gà thả đồng trong không gian rộng dưới ánh sáng tự nhiên nên bộ lông lên màu rất đẹp, cựa cứng, mào đỏ thắm, thịt chắc ngọt, vừa đẹp mã vừa ngon thịt rất phù hợp cho những dịp lễ, tết, tiệc cuối năm, đầu xuân. Thêm vào đó, cánh đồng thả gà đến khi cấy vụ xuân cũng tươi tốt hơn, giảm lượng phân bón và dịch bệnh do một lượng lớn chất thải của gà ngấm vào đất, loại bỏ được những thiên địch, mầm bệnh do cây trồng từ vụ trước để lại.
Từ những lợi ích đó, phong trào nuôi gà thả đồng nhanh chóng phát triển. Ban đầu từ một vài hộ nuôi ở xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản, nay đã nhanh chóng lan ra các xã quanh vùng như Hiển Khánh, Tân Khánh, Minh Tân… và được thực hiện có quy trình bài bản hơn. Để chuẩn bị cho mùa nuôi gà thả đồng an toàn, từ 1-2 tháng trước khi thu hoạch lúa, người chăn nuôi phải chuẩn bị con giống, nuôi nhốt trong chuồng đến khi gà đủ cứng cáp mới thả đồng để hạn chế những rủi ro do môi trường tự nhiên đem lại; tính thời gian gối lứa để liên tục có gà cung ứng ra thị trường.
Có hộ thì tiếp tục bón phân, giữ nước trong đồng để lúa lên bông “chét” làm thức ăn cho gà sau đó mới rút nước làm khô mặt ruộng hay thiết kế những chiếc chuồng di động để đưa gà đi kiếm ăn ở các cánh đồng xa…Với cách để lúa lên bông "chét" này, nhiều hộ đã nâng tổng đàn từ vài trăm con lên vài nghìn con gà, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đi đầu trong phong trào nuôi gà thả đồng ở xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản là gia đình ông Trần Văn Bảy, thôn Phú Lão. Với lợi thế nhà ngay sát ruộng nên sau khi dồn điền đổi thửa, ông đã không canh tác lúa mà nuôi gà thả đồng 2 vụ/năm, mỗi lứa từ 2.000 - 4.000 con. Để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, ông Bảy chọn giống gà Bắc Giang, gà ri Lạc Thủy (Hòa Bình) bởi đây là giống gà có chất lượng thịt ngon, sức đề kháng tốt và nhỏ con (con mái từ 1,2 đến 1,7kg; con trống từ 1,7 đến 2,5kg) nên rất tiện dụng cho bữa ăn của những gia đình nhỏ 4 người như hiện nay.
Đặc biệt, vào vụ cuối năm, ông Trần Văn Bảy chọn nuôi chuyên gà trống để phục vụ nhu cầu gà lễ dịp Tết nên hiệu quả kinh tế tăng lên rất nhiều. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Bảy có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi gà thả đồng. Gia đình các ông Đỗ Vạn Thịnh, Đỗ Vạn Biều, Lê Văn Lai cùng ở Thôn Vinh, xã Minh Thuận chỉ nuôi gà thả đồng riêng vụ tháng 10 tranh thủ những chân ruộng hai lúa, không cấy cây vụ đông để nuôi thả gà. Các ông cũng chọn giống gà Móng đặc sản với chất thịt đậm ngọt, săn chắc, da vàng đều, mỏng tang có trọng lượng trung bình mỗi con to hơn giống gà ri Lạc Thủy (Hòa Bình) để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho cỗ, tiệc đông người.
Ông Đỗ Vạn Thịnh cho biết: “Nuôi gà thả đồng ở xóm Vinh gần như đã trở thành giải pháp cứu cánh cho các hộ chăn nuôi địa phương hiện nay. Gia đình tôi năm nay xuống giống 3.000 con gà Móng (Bắc Ninh) để nuôi thả đồng. Sản phẩm gà nuôi thả đồng được thị trường ưa chuộng bởi ngoài việc gà chạy nhảy nhiều nên thịt rất săn chắc, thơm ngon, trong suốt quá trình nuôi chỉ phải tiêm vắc-xin phòng bệnh thông thường như cúm gia cầm, tụ huyết trùng, viêm phổi cấp tính và định kỳ bổ sung men tiêu hóa chứ không phải sử dụng đến kháng sinh chữa bệnh nên sản phẩm không bị tồn dư hóa chất như gà nuôi nhốt. Do đó giá bán gà cũng cao hơn hẳn so với gà nuôi công nghiệp”.
Nuôi gà thả đồng là một bước đi mới, mạnh dạn, sáng tạo của người dân trong quá trình sản xuất để phù hợp với thực tiễn, gắn với thị trường. Nhờ đó mà đời sống kinh tế được nâng lên, nhiều hộ còn làm giàu từ mô hình này. Tuy nhiên, để nuôi gà thả đồng phát triển bền vững, an toàn cho các hộ nuôi nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung, đặc biệt là phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm rất cần sự hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, khoa học của ngành chức năng như thiết kế chuồng nuôi đảm bảo tránh gió lùa, tránh rét, tránh chuột, rắn và những con vật khác tấn công vào ban đêm; cách luyện cho gà thói quen ăn uống, di chuyển và hiệu lệnh tập hợp tìm về chuồng khi đến giờ ăn, giờ ngủ, hay khi gặp nguy hiểm để hạn chế những thiệt hại khi chăn thả tự nhiên.