Làm giàu từ cây cam trên huyện đảo Vân Đồn
Những năm gần đây, ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nhiều nông dân đã chuyển đổi đất trồng rừng, đất đồi kém hiệu quả sang trồng cây cam, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Là một huyện gần biển được thiên nhiên ưu đãi, Vân Đồn có diện tích đất rừng khá lớn. Nhiều năm nay, nhờ nhạy bén trong việc phát triển kinh tế mà nhiều hộ dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng rừng, đất đồi kém hiệu quả sang trồng cam cho thu hoạch cao, đời sống bà con ngày càng khấm khá.
Chúng tôi tới thăm gia đình anh Trần Văn Hậu, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn là một trong những người đầu tiên đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mô hình trồng cam diện tích lớn trên địa bàn huyện. Những trái cam trĩu quả, sai bện, cây nào cây nấy nhìn thật thích mắt.
Vừa ngơi tay cân cam xong, anh Hậu dẫn chúng tôi tham quan toàn bộ vườn cam của gia đình. Anh cho biết: “Gia đình tôi có hơn 7ha trồng cam các loại. Trước đây, tôi trồng cây keo, nhưng giá trị thu được không lớn. Khi biết được Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng có nhiều loại cam chất lượng, đặc biệt là cam đường canh, tôi đã tìm mua loại cam này về trồng thử. Vụ đầu tiên, cam cho thu hoạch rất ít. Sau một thời gian, tôi học được việc bón chế phẩm đỗ tương khi cây gần ra quả. Vậy là năm đó, cam đường canh của tôi cho thu hoạch khá cao. Từ đó, tôi quyết định mở rộng trồng thêm cam Vinh và cam sành. Tới nay, các loại cam đã cho thu hoạch tốt. Một vụ tôi thường thu hoạch trên 40 tấn quả/ha”. Với giá bán ra thị trường khoảng 35.000-40.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm gia đình anh Hậu thu về khoảng 700-800 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh Hậu còn thành lập một hợp tác xã trồng cam. Với vai trò là giám đốc, anh thường xuyên hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên trong hợp tác xã.
Cũng giống như gia đình anh Hậu, gia đình chị Lê Thị Bảy, thôn 10-10, xã Vạn Yên cũng “đổi đời” nhờ trồng cây cam. Với 18 năm trồng cam, giờ đây, gia đình chị Bảy đã có nhà cao tầng với đầy đủ tiện nghi, xe ô tô. Chị Bảy kể, chị quê gốc ở Hải Dương, cuộc sống vốn khó khăn, năm 1998, chị và gia đình rời quê ra huyện Vân Đồn phát triển kinh tế. Xoay đủ thứ nghề, gia đình cũng vẫn chỉ đủ ăn. Cùng năm đó, chị đánh bạo thuê đất để trồng cây keo ở đất đồi thôn 10-10. Trồng cây keo cũng không cho thu hoạch cao. Chị Bảy quyết định trồng thêm cây cam và nhận thấy đây là loại cây phát triển tốt. Vậy là chị quyết định đầu tư thêm diện tích trồng cam. Sau 10 năm trồng cam, chị đã có của ăn của để và về quê mua đất, xây nhà.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam trĩu quả của gia đình, chị Bảy cho biết: “Cây cam là loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, nên tôi đã quyết tâm đầu tư vào trồng cam. Để trồng được cây cam cho quả ngon, đáp ứng tiêu chuẩn cam VietGap của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đòi hỏi người trồng cam phải dồn công sức và tâm huyết mới được. Năm nay, sản lượng thu hoạch của gia đình tôi ước đạt 30 tấn. Với giá bình quân từ 35.000-40.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình cũng có lãi 300-400 triệu đồng”. Ngoài ra, từ việc trồng cam, mỗi năm gia đình chị Bảy còn tạo việc làm theo mùa vụ cho khoảng 10 lao động nông thôn, với thu nhập 100.000 đồng/ngày.
Ông Chu Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn cho biết: “Chúng tôi luôn coi cam là cây mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và làm giàu của người dân. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng thương hiệu “Cam Vạn Yên” để vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng đang xây dựng những chính sách hỗ trợ cho các gia đình, các hợp tác xã trồng cam ở xã để phát triển kinh tế địa phương. Cùng với đó, chúng tôi đang chuẩn bị lên phương án đăng ký thương hiệu sản phẩm cho cây cam Vạn Yên của địa phương và phát triển theo hướng hàng hóa”.
Ông Bắc cho biết thêm, cam là mặt hàng mà nhiều năm nay, xã đã mang đi giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ, triển lãm của tỉnh. Sắp tới, xã sẽ mở rộng phát triển vùng cam này trong diện tích quy hoạch; đồng thời, tập trung xây dựng chợ đầu mối, nhà máy chế biến các sản phẩm về cam, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Cùng với việc phát triển quy mô sản xuất, chất lượng cam Vạn Yên ngày càng được nâng cao, quả cam to đều, ngon, ngọt hơn. Cam Vạn Yên ở Vân Đồn đã và đang tạo nên thương hiệu mang lại sự phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc nơi đây.