Làm giàu từ gỗ mỹ nghệ

Tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng chuyên ngành Quản trị kinh doanh, nhưng anh Trần Ngọc Nhựt (thôn Liễu Trì, xã Bình Nguyên, H.Thăng Bình, Quảng Nam) không đi theo con đường của mình mà rẽ sang một hướng khác.

“Tôi đến với nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ cũng rất tình cờ, sau khi ra trường tôi phụ giúp cha buôn bán, chế biến gỗ. Để niềm say mê với gỗ mỹ nghệ thành hiện thực, anh đã xin phép gia đình đến làng Kim Bồng (Hội An) để học nghề, với một lòng quyết tâm học hỏi và với niềm đam mê rực cháy trong lòng, cộng thêm sự dạy bảo tận tình của những nghệ nhân tài hoa của làng mộc Kim Bồng, không ít lâu sau anh Nhựt đã làm ra những sản phẩm đơn giản nhưng bắt mắt.

Khi cầm dùi đục đẽo, gọt giũa, anh như quên hết thời gian, công việc có sức hút kỳ lạ đối với chàng trai trẻ. Từ việc làm những sản phẩm đơn giản trong những tháng đầu học nghề, sau hơn một năm, anh đã tạo ra được những tác phẩm khó hơn, tinh xảo hơn. 

Từ những khối gỗ vô tri, vô giác có giá trị thấp nhưng qua bàn tay khéo léo của anh Nhựt, những mảnh gỗ ấy đã trở thành những tác phẩm có giá trị kinh tế và tính thẩm mỹ cao.

alt

Anh Trần Ngọc Nhựt bên tác phẩm mẹ Thứ đoạt giải C của mình - Ảnh: Mạnh Cường
 
Sau 6 tháng ròng rã làm việc cả ngày lẫn đêm, bằng cả tấm lòng tôn kính người mẹ huyền thoại của dân tộc, mới đây anh Nhựt cho ra mắt tác phẩm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, có chiều cao 1,7m, rộng 1,8m rất sống động, khắc họa đầy đủ chân dung của một người mẹ với sự hy sinh cao cả.

Tác phẩm Mẹ Thứ được hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam năm 2014 (được tặng giải C).

Anh Nhựt tâm sự: “Đây là tác phẩm dự thi đầu tay rất có giá trị đối với tôi, tôi rất tự hào về tác phẩm này, dù đã có nhiều khách hàng trả hàng trăm triệu đồng để có được tác phẩm mẹ Thứ, nhưng tôi sẽ không bán và sẽ đem tác phẩm của mình đi trưng bày tại các hội chợ, bởi đây là kỷ niệm đẹp khó quên trong nghề”.

Có nghề mới trong tay, cộng với sự trợ giúp vốn liếng từ gia đình (Công ty TNHH lâm sản Ngọc Tri) anh Nhựt tự tin xây dựng xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại thôn Liễu Trì. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ sở đã đi vào hoạt động hơn được 3 năm, những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của anh Nhựt sản xuất đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.

Anh Dương Hiến Đông (21 tuổi) người thợ gắn bó với cơ sở 3 năm qua cho biết: “Để làm ra những sản phẩm này, người thợ cần có con mắt tinh tế, có tư duy sáng tạo, đòi hỏi sự kỳ công, tính kiên nhẫn và sự khéo léo trong nghệ thuật điêu khắc, tạo thế, dáng với nhiều đường nét tinh xảo thì mới tạo ra được những sản phẩm đẹp và có giá trị”.

Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh Nhựt tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với thu nhập thợ cả 10 triệu đồng/người/tháng, còn lại từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

“Tôi có nguyện vọng sẽ thu nhận và đạo tạo nghề cho các lao động nông thôn trong và ngoài địa bàn huyện, trong đó có cả những lao động khuyết tật vào làm việc tại cơ sở của tôi, để giúp các thanh niên nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định, nhằm tránh xa các tệ nạn xã hội”, anh Nhựt giãi bày.
 
Nguồn: Thanh Niên 
 
 
Bình luận của bạn