Làm giàu từ nuôi động vật hoang dã
Khởi nghiệp từ những đồng vốn vay, anh Nguyễn Anh Tuấn ở xã Duy Minh (Duy Tiên - Hà Nam) đã mạnh dạn mở mô hình nuôi bồ câu Pháp, rắn mối, rắn hổ mang bành. Đến nay, mỗi năm trừ chi phí anh thu lãi gần 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Bén duyên… bồ câu
Về xã Duy Minh, hỏi về mô hình trang trại của anh Tuấn, anh Đàm Trung Thông, Bí thư Đoàn thanh niên xã Duy Minh khoe, “mô hình nuôi chim bồ câu Pháp, rắn mối, rắn hổ mang bành của Tuấn là mô hình kinh tế mới nhưng rất hiệu quả. Nhiều thanh niên trong tỉnh thường xuyên đến học tập”.
Anh Nguyễn Anh Tuấn đang cho chim bồ câu Pháp ăn. |
Học xong THPT, anh Tuấn (SN 1984) tìm con đường làm giàu bằng xuất khẩu lao động sang Tiệp Khắc. Sau 3 năm vất vả ở xứ người, anh Tuấn trở về nước với một khoản nợ lớn. Sau đó, anh xin làm việc tại một công ty xây dựng ở Bắc Giang. Gần công trường xây dựng anh thấy nhiều gia đình ở Bắc Giang mở mô hình nuôi chim bồ câu Pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Tuấn nghĩ gia đình mình cũng có thể nuôi bồ câu Pháp được vì vườn rộng, giống chim kháng bệnh tốt, thức ăn đơn giản chỉ là lúa ngô. Năm 2013 anh Tuấn về quê, tận dụng không gian ban công trên tầng mở trang trại nuôi bồ câu Pháp. “Thời gian bắt đầu nuôi là khoảng thời gian khó khăn nhất, kinh nghiệm nuôi mình chưa có, chuồng gia đình làm nan dày quá chim không thò cổ ra ăn được. Lại không biết cách chăm sóc, tiêm thuốc nên sau một thời gian đàn chim chết sạch”, anh Tuấn kể.
Anh Tuấn cho biết, lúc đó gia đình, bạn bè đều khuyên anh nên bỏ ý định nuôi chim bồ câu làm giàu để tìm con đường khác làm ăn. Nhưng với quyết tâm cao, anh khăn gói đi các tỉnh ngoài như Hưng Yên, Hải Dương… để quan sát, ghi chép tập tính sinh hoạt của chim, từ đó tìm ra các biện pháp chăn nuôi hiệu quả. Ngoài ra, anh còn tìm hiểu thêm trên sách báo, mạng. Với cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, từ 50 cặp chim giống, đến nay trang trại anh Tuấn đã có 600 cặp chim bồ câu Pháp sinh sản.
Theo mô hình nuôi lồng công nghiệp, mỗi cặp bồ câu Pháp nuôi bán lấy thịt có giá 140.000 đồng, bồ câu nuôi bán làm giống mỗi cặp có giá từ 240.000 đồng. Sau khi giảm trừ các khoản chi phí thức ăn, lương công lao động, thuốc trừ bệnh... gia đình anh thu về khoảng 20 triệu đồng tiền lãi/tháng. Mỗi năm trừ hết chi phí, anh thu lãi gần 200 triệu đồng.
“Cố nuôi 10 loài vật hoang dã trong vườn”
Đó là mục tiêu của anh Tuấn, khi anh muốn nuôi tận 10 loài vật hoang dã, có giá trị kinh tế cao trong vườn. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ trứng chim thối, chim non chết anh Tuấn học hỏi kinh nghiệm, xây chuồng trại nuôi rắn hổ mang bành. Đến nay đàn rắn của gia đình anh đã lên tới hàng trăm con.
Không chỉ dừng lại ở việc nuôi chim bồ câu Pháp, rắn hổ mang bành, qua sách báo anh Tuấn biết được rắn mối là một vị thuốc bổ, có giá trị dinh dưỡng cao, hiệu quả kinh tế cao. Thấy ở quanh vườn nhà, bụi rậm ở quê nhà cũng có nhiều rắn mối, anh Tuấn xách cần câu đi dọc ruộng vườn, ao chuồng nhà dân xung quanh để câu rắn mối và kêu gọi đám trẻ con câu rắn mối về bán cho anh. Câu được con nào, anh dựng chuồng cẩn thận đặt con giống vào nuôi. “Mình đang nhờ người nghiên cứu xem có thể tạo ra được chiếc máy ấp trứng rắn mối giống như ấp trứng rắn hổ mang bành. Nếu thành công hiệu quả về con giống sẽ được cải thiện rõ rệt”, anh Tuấn bộc bạch.
Từ mấy chục con giống ban đầu, đến nay đàn rắn mối của gia đình anh đã lên tới hơn 6.000 con giống. Anh Tuấn cho biết, rắn mối nhà anh bán với giá 500 nghìn đồng/kg, có nhiều nhà hàng đặt mua nhưng anh không đủ số lượng bán. Để đàn rắn mối phát triển, anh Tuấn mở tiếp mô hình nuôi sâu gạo làm thức ăn cho rắn mối và cung cấp cho thị trường chim cảnh. Với những người có nhu cầu nuôi, anh luôn hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăm sóc và giúp liên hệ bao tiêu đầu ra của sản phẩm. “Mục tiêu của mình là có thể nuôi được 10 loài vật hoang dã có giá trị kinh tế cao trong vườn. Trang trại mình vừa nhập 3 đôi cầy hương về nuôi thử nghiệm”, anh Tuấn nói.
Nguồn: