Lão nông “biến” gỗ củi đun thành tác phẩm "tuyệt mỹ"

Dù đã ở cái tuổi 60, nhưng đôi tay của lão nông Nguyễn Công Cách ở xóm 1, xã Long Sơn ( Anh Sơn, Nghệ An) vẫn săn chắc. Ngày ngày ông cần mẫn với "khiếu" điêu khắc của mình để cho ra đời những tác phẩm độc đáo, được nhiều người mến phục.

Những khúc gỗ tưởng như chỉ để dùng làm củi đun, nhưng qua đôi tay khéo léo, trí óc giàu tưởng tượng của lão nông Nguyễn Công Cách, nó đã trở thành những sản phẩm điêu khắc độc đáo khiến nhiều người nể phục.  

Bàn tay tài hoa cùng lòng say điêu khắc

Gặp ông trong ngôi nhà ngổn ngang gốc cây, nằm ngay sát con đường 7 chạy qua huyện Anh Sơn. Sau một vài câu chuyện xã giao, ông đã cởi mở trải lòng với chúng tôi về cái “nghiệp” điêu khắc của mình.

Theo lời ông kể: Ông “bén duyên” với nghề điêu khắc vào năm 2004, trong lần đến thăm một cơ sở chuyên sản xuất, buôn bán bàn nghế trên địa bàn huyện Anh Sơn. Sau hồi quan sát, trò chuyện với chủ cơ sở, biết được nhu cầu người tiêu dùng đang có xu hướng ưa thích các loại bàn ghế gỗ có khắc hình các con vật. Từ đó với kinh nhiệm nghề mộc đã có từ những năm trước, trong đầu ông nảy sinh ý định làm đồ khắc gỗ. Nghĩ là làm, không lâu sau đó ông đã cho “ra đời” tác phẩm đầu tiên là bộ bàn ghế có khắc hình 12 con giáp. Tác phẩm điêu khắc “đầu tay” của ông vừa ra đời đã được nhiều người dân nhận xét, đánh giá không chỉ đẹp về mẫu mã mà còn hết sức có “thần”.

alt

Sau thành công lần đó, nhận thấy khả năng bản thân có thể điêu khắc các con vật, ông Cách quyết tâm đầu tư tâm sức vào việc chế tác để cho ra đời nhiều tác phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời thêm thu nhập cho gia đình.

Ông chia sẻ: “Vì không được đào tạo qua bất cứ một trường lớp điêu khắc nào nên lúc đầu để hoàn thành một sản phẩm có “thần”, đạt chất lượng thẩm mỹ, tôi phải mất rất nhiều công sức, trải qua nhiều năm tích lũy. Tôi phải tham khảo ý kiến của nhiều người có kinh nghiệm về điêu khắc, tự đi sưu tầm tranh ảnh, quan sát các bức tượng để khắc ghi, nhớ hình ảnh, rồi mới lùng sục, tìm kiếm các thân, rễ cây có hình dáng các con vật mà mình muốn chế tác, cuối cùng mới bắt tay vào thực hiện tác phẩm… Đến bây giờ, sau nhiều năm, chỉ nhìn vào thế của rễ, thân cây là tôi đã có thể biết được mình nên dùng nó để chế tác ra sản phẩm nào phù hợp mà không phải mất nhiều thời gian suy nghĩ…”.

Với niềm đam mê nghề như vậy, nhưng để có được những thân, rễ cây phục vụ cho việc chế tác quả không dễ dàng gì. Ông Cách cũng từng có năm tháng không quản ngại khó khăn, vất vả, lặn lội khắp rừng núi để tìm kiếm những gốc cây, thân cây khô, rồi khai quật, thuê xe chở về nhà, nhưng đó là khi trong rừng còn nhiều rễ cây. Khi rễ cây trong rừng trở lên khan hiếm, ông chấp nhận bỏ tiền túi ra để "sưu tầm" về. Có người thương tình ông vất vả lại yêu nghề nên đã cho, không lấy tiền mặc dù những rễ, gốc cây đó ông rất ưng ý. “Lúc đầu mới đi tìm kiếm, rễ cây trong dân làng rất sẵn, nhiều người chỉ để làm củi nấu nướng nên hầu hết họ cho không lấy tiền. Nhưng sau này do nhu cầu khan hiếm và tôi có mục đích sưu tầm về để làm tác phẩm điêu khắc, nên cũng phải bỏ tiền thuê, mua tới hàng triệu đồng. Biết là quá đắt nhưng gặp phải bộ rễ ưng ý cũng liều mua…” – ông Cách phân trần.

Những tác phẩm điêu khắc của ông chủ yếu được làm từ thân, rễ khô của gỗ mít, dổi, đinh hương, săng lẻ. Theo ông, những loại gỗ này sau khi hoàn thành, tác phẩm vừa có độ bền cao, không bị mối mọt, cong vênh, lại có nhiều đường hoa văn nên rất đẹp.

Thành công ngoài mong đợi

Từ những phần thân, rễ cây khô cứng thô ráp, xù xì khi được đôi bàn tay tài hoa của ông gọt rũa, nó đã trở thành những tác phẩm “rồng bay phượng múa” hết sức sinh động. Những tác phẩm điêu khắc của ông phong phú, đa dạng nhưng đề tài chỉ tập trung vào “thế giới động vật”. Từ các con vật nhỏ nhỏ như ếch nhái, chim, chuột… cho đến đại bàng, khỉ, sư tử, hổ, voi...

Dù hiện nay đã bước sang tuổi 60, nhưng ngày nào ông Cách cũng vẫn tay búa tay đục. Ông tâm sự: “tôi tập trung chủ yếu vào điêu khắc các con vật là vì hầu hết các loại rễ cây đâu đó đều mang sẵn một phần hình hài các con vật. Hơn nữa, những hình hài ấy nó gần gũi thiên nhiên, với làng quê nông thôn mà xưa nay nhiều người ở muôn phương đêu rất thích…”. Có lẽ Cũng nhiều khi, sản phẩm các con vật từ nhỏ đến to lớn như đại bàng, hổ, voi báo, sư tử… chưa kịp hoàn thành đã có người đến chiêm ngưỡng và đặt mua với mức giá dao động từ 1 đến 15 triệu đồng/con.

Theo báo Dân Việt

Bình luận của bạn