Lão nông “biến” vùng đất núi thành “vàng”

Bỏ việc kinh doanh, lão nông Trần Văn Danh ở ấp An Thạnh, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang) quyết định mua 1,3 ha đất đồi dốc để trồng 1.200 gốc quýt đường. Nhờ nắm được kỹ thuật, vụ thu hoạch đầu tiên cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng.

Vượt con đường mòn dài hàng trăm mét, xuất hiện trước mắt chúng tôi là một vườn quýt xanh mướt, nhiều cây chen chúc trong những tảng đá lởm chởm. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Danh kể: “Trước đây, gia đình sống trên núi Cấm với việc kinh doanh nhà trọ và buôn bán, tuy nhiên không mấy hiệu quả. Năm 2010, ông quyết định xuống đồi Latina (núi Cấm) để sang 1,3 ha đất đồi dốc để trồng trọt. Khi còn buôn bán có quen được một người bạn ở Định Quán (Đồng Nai) rồi kết nghĩa, sau đó được mời ra tham quan rồi mới nghĩ ra ý định trồng quýt trên đồi”.

alt

Có được ý nghĩ trong đầu, nhưng còn để thực hiện được là một chuyện không dễ. Bởi trồng quýt yếu tố cần thiết nhất là nguồn nước. Vì thế, vợ chồng ông Danh đến ngành Kiểm lâm xin được mở vườn đồi chuyển sang trồng quýt và sử dụng hồ khai thác đá để lấy nước tưới. Mọi việc thuận lợi, ông Danh ra tận miệt Định Quán đặt mua 1.500 cây quýt ghép gốc cam xoàn với giá 25.000 đồng/cây (gồm phí vận chuyển) về trồng trên mảnh đất đá của mình.

Theo ông Danh, quýt trồng mỗi năm cho thu hoạch một đợt trái. Để đầu tư cho 1,3 ha quýt chi phí bỏ ra cho việc mua giống, phân bón, thuốc BVTV…cho đến khi thu hoạch là khoảng 60 triệu đồng. Quýt trồng ở vùng đất này vào thời điểm cho trái thường hay bị một số côn trùng chích hút nhưng cũng chỉ ở mức độ hạn chế. Ngoài ra trồng quýt không sử dụng nhiều phân thuốc nên trái thơm, ngọt và được thị trường ưa chuộng.

Tháng 10/2014, 800/1.200 cây quýt của ông Danh cho thu hoạch trái với sản lượng 25 tấn, được bán với mức giá 13.000 đồng/kg. Toàn bộ số quýt được thương lái vận chuyển về Phú Quốc, Hà Tiên, Campuchia để tiêu thụ.

Nói về việc trồng quýt đường trên đất đồi dốc, ông Danh, chia sẻ: “Đất ở đây chủ yếu là đất pha cát và quýt phát tán rộng nên trồng với khoảng cách 3m2/cây là lý tưởng nhất. Để đất không bị rửa trôi và hạn chế lượng nước tưới thì tiến hành viền đá xung quanh gốc quýt nhằm hạn chế xói mòn, tiết kiệm chi phí…”.

Ngoài ra, để tránh tình trạng thiếu nước tưới khi chuyển sang mùa khô, ông Danh chủ động đầu tư máy bơm cao áp, lắp đường ống dẫn trên 500 m và đào hồ chứa cấp 2 với sức chứa 30m3 nước, phục vụ việc chăm sóc dễ dàng, thuận tiện.

alt

Ông Danh, cho biết thêm: “Năm đầu tiên quýt cho trái nên không rơi đúng vào dịp tết, năm sau tôi sẽ học cách để quýt thu hoạch rộ vào thời điểm Tết Nguyên đán như vậy sẽ bán được giá hơn. Tết Ất Mùi vừa rồi, vườn quýt của gia đình ông Danh cho thu hoạch thêm khoảng 2 tấn với giá gần 30.000 đồng/kg. Năm nay, vườn quýt thu hoạch năng suất thế này chứ vài năm tiếp theo năng suất tăng lên gấp nhiều lần”.

Như vậy, với 25 tấn quýt thu hoạch trước đó và 2 tấn vào dịp tết này, trừ đi chi phí khu vườn cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng.

VnCharm

Nguồn : dantri.com.vn

Bình luận của bạn