Lão nông thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng nấm
Ông Phan Ngọc Tuấn bắt đầu mở trang trại trồng nấm ở Gia Lai từ năm 1993 vì nhận thấy khí hậu ở đây mát mẻ, không quá nóng cũng không quá lạnh, nguồn nguyên liệu cũng rất dồi dào từ mùn cưa cây cao su nên phù hợp để trồng và phát triển cây nấm.
Những năm đầu khởi nghiệp, ông trồng mộc nhĩ và nấm bào ngư với quy mô lớn. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế đem lại không cao do đầu ra khó khăn, cây nấm chưa được sử dụng nhiều và thông dụng nên giá thành sản phẩm rất thấp, cơ sở nấm của ông Tuấn trở nên điêu đứng. Ông cũng bị bệnh nặng trong một thời gian dài khiến cơ sở gần như phải ngừng hoạt động, chỉ sản xuất meo giống để bán.
Từ năm 2014, nhận thấy thị trường nấm ở Gia Lai có dấu hiệu khởi sắc do nhiều người đã biết tới nấm như một nguồn thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Ẩm thực chay ở Phố núi cũng rất phát triển nên cần dùng nấm như một trong các nguyên liệu chế biến chính, ông Tuấn quyết định sản xuất trở lại, cấy tạo giống nấm mới, nghiên cứu quy trình kỹ thuật trồng hiện đại hơn.
Hiện nay, trang trại nấm của ông Tuấn đã được mở rộng lên hơn 2.000 m2 theo quy trình khép kín, mỗi tháng đóng được hơn 180.000 túi gồm 4 loại nấm: mộc nhĩ, nấm rơm, nấm sò và nấm linh chi. Trong quá trình trồng, ông liên tục cải tiến giống để phù hợp với khí hậu của địa phương, đồng thời tận dụng nguồn mùn cưa cao su, nguồn bắp, cám gạo dồi dào để tăng thêm nguồn cung cấp dinh dưỡng, từ đó nâng cao năng suất cho trại nấm của mình
Đặc biệt, ông đã cấy ghép thành công nấm sò xám từ giống nấm sò Nhật Bản với giống nấm sò trắng TP Hồ Chí Minh. Giống nấm sò mới này ít bị bệnh, dễ nuôi trồng, chống chịu được với cả nhiệt độ nóng và lạnh, cho năng suất cực cao khi chu kỳ thu hoạch mỗi túi chỉ xoay vòng trong 3 ngày, liên tục kéo dài đến 5-6 tháng.
Ngoài ra, nhờ quá trình nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần nên ông Tuấn đã trồng thành công các loại nấm linh chi quý, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Hoàng Chi Nhật Bản và Linh Chi đỏ Hàn Quốc. Trung bình mỗi vụ, ông duy trì hơn 40.000 túi nấm linh chi, thu hoạch khoảng 5 tạ nấm quý, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.
“Nấm là loài khó tính, nếu tưới bằng nước bẩn, nhiễm phèn, nhiễm khuẩn hay thừa sắt thì sẽ chết, không thu hoạch được nên lúc cấy trồng phải tuyệt đối giữ sạch nguồn nước. Tôi cũng xác định làm nấm sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đưa ra thị trường sản phẩm nấm chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng", ông Tuấn chia sẻ.
Mỗi ngày cơ sở nấm của ông Tuấn cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng, quán ăn, chợ đêm trên địa bàn TP Pleiku và xuất sang các tỉnh, thành lân cận như An Khê, Kon Tum, Đà Nẵng 1 đến 2 tạ nấm sò, 70 kg đến 1 tạ nấm rơm đem về thu nhập gần 10 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, ông còn cung cấp nấm linh chi khô làm thuốc cho các cơ sở dược ở Gia Lai và TP Hồ Chí Minh.
Vấn đề khó khăn nhất hiện nay với cơ sở trồng nấm của ông Tuấn là thuê được lao động lành nghề để đóng gói các túi nấm. Công việc này tuy khá đơn giản nhưng phải nhanh nhẹn, đóng được hàng nghìn túi mỗi ngày và đảm bảo tuyệt đối sach sẽ, cẩn thận nên ít ai làm được. Ngoài ra, mùn cưa cây cao su đang được sử dụng nhiều làm củi nén nên trở nên khan hiếm hơn, từ đó giá thành tăng cao cũng gây khó khăn hơn cho việc sản xuất nấm.
“Cơ sở nấm của ông Tuấn đã tạo được nguồn thu nhập ổn định hơn 1 tỷ đồng/năm cho gia đình và tạo việc làm ổn định cho hơn 20 người lao động địa phương. Đồng thời, ông Tuấn còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, hội viên muốn trồng nấm, cải thiện, nâng cao thu nhập.” - Ông Lâm Văn Nhơn – Chủ tịch Hội Nông dân phường Chi Lăng (TP Pleiku) cho biết.
Là người luôn ấp ủ mong muốn giúp đỡ bà con thoát nghèo nên ông Tuấn đã không ngừng nghiên cứu để cải tạo các giống cũ và phát triển thêm nhiều giống cây trồng mới. Hiện tại ngoài nấm thì ông đang trồng thử nghiệm giống chuối mới lai tạo từ giống chuối Thái Lan, có thể cho mỗi nải chuối nặng đến 30kg và ít sâu bệnh. Ông mong rằng những thử nghiệm này của mình sẽ thành công, từ đó nhân rộng ra giúp bà con nông dân có nguồn lợi kinh tế cao và đỡ cơ cực hơn với việc trồng cây mưu sinh.