Lập nghiệp thành công từ về quê trồng cam
Tốt nghiệp Học viện Tài chính, được nhận vào một ngân hàng tư nhân nhưng Cẩm Ly lại quyết định rẽ ngang về quê để buôn cam.
“Đến giờ bố vẫn chưa nói chuyện thường xuyên với em. Chỉ lâu lâu gọi điện cho mấy bác nông dân cùng em làm cam để biết tình hình, chứ bố vẫn giận. Vì con gái đang yên lành bỏ công việc đàng hoàng, về trồng cam sạch và xây dựng thương hiệu cho vùng trồng cam” - cô gái dân tộc Tày Nguyễn Thị Cẩm Ly - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sơn Nữ, thôn Xa Hạc, xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) nhỏ nhẹ cho hay.
Bố có giận, con vẫn làm
Những ngày này, cô gái người Tày (sinh năm 1992) đang tất bật ở vườn cho vụ thu hoạch muộn. Dáng người nhỏ nhắn, ăn nói nhỏ nhẹ, nhưng khi bắt tay vào làm việc lại rất dứt khoát và quyết tâm. Tốt nghiệp Học viện Tài chính, được nhận vào một ngân hàng tư nhân nhưng Cẩm Ly lại quyết định rẽ ngang về quê để buôn cam. “Em còn nhớ như in buổi tối lúc em nói chuyện bỏ việc để làm cam, bố em giận đến độ hất luôn mâm cơm đang ăn dở xuống nền nhà” - Cẩm Ly nhớ lại.
Cẩm Ly mặc trang phục dân tộc Tày giới thiệu cam ở hội chợ.
Sinh ra trên đất trồng cam nên Cẩm Ly biết được quả cam quê mình có giá trị ra sao, nhất là khi thương hiệu cam Hàm Yên ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, cô gái trẻ nghĩ nếu đem xuống thành phố thế nào cũng sẽ tiêu thụ được. Nhưng thực tế cho thấy, những suy nghĩ của cô lúc đó còn quá đơn giản.
Đầu năm 2016, Cẩm Ly đưa chuyến cam đầu tiên về bán ở Hà Nội. Nhưng đi đến chào hàng ở 10 nơi, cả 10 đều lắc đầu từ chối. Thiếu kinh nghiệm cộng với chưa học được bảo quản cam, vụ “ra quân” đầu tiên cô gái trẻ lỗ vài chục triệu đồng. Mới ra trường đi làm chưa được bao lâu, nên đây là một thiệt hại khá lớn với Cẩm Ly. Còn bố mẹ lại càng chắc chắn việc Cẩm Ly chọn con đường này là sai lầm.
“Lúc đó bố mẹ em thậm chí đã âm thầm đi xin việc ở gần nhà cho em, nhưng em vẫn cứ quyết tâm làm. Giận quá, bố mẹ quyết định cắt luôn “viện trợ”. Khi ấy em mới thấy khó khăn thực sự. Để theo đuổi đam mê của mình, em vừa làm vừa học về khởi nghiệp, mua sách về nông nghiệp để nghiên cứu thêm” - Ly chia sẻ.
Quyết tâm làm về cam, cô gái trẻ đi về các vùng cam của huyện, gặp gỡ những người trồng cam, các HTX để liên kết cùng tạo ra sự khác biệt. Nhưng để thay đổi được thói quen, cách làm của người dân là điều không dễ dàng. Theo Cẩm Ly, trước đây người trồng cam ở miền núi cũng chỉ chăm bón theo cách thông thường, nhưng càng về sau khi làm hàng hóa, nhiều người trồng lên, sâu bệnh nhiều, hầu hết đều phải phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để diệt trừ sâu bệnh, trừ cỏ, vừa ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm lẫn sức khỏe người sử dụng. Nhưng bảo họ không làm như thế nữa lại không dễ, vì họ đã quá quen với cách canh tác như vậy.
Thế là Cẩm Ly quyết định đi theo hướng riêng của mình. Ban đầu Ly thuyết phục được bác Hoàng Thọ Phúc, thôn Xa Hạc, xã Nhân Mục trồng cam theo hướng hữu cơ để tạo ra những sản phẩm cam đạt năng suất cao, sạch và an toàn cho khách hàng. Ly cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm cho vườn cam của bác.
Mang cam sạch rong ruổi Bắc - Nam
Sản phẩm cam sạch của HTX Sơn Nữ.
Vụ cam đầu tiên, Ly mang đi giới thiệu khắp các hội chợ, kết nối với những mối quan hệ của mình, vừa làm vừa đón nhận phản ứng của khách hàng. Trong quá trình làm, cô gái trẻ cũng gặp không ít khó khăn. Ly kể: “Những ngày đầu, có rất nhiều kỷ niệm mà em nhớ mãi. Vì tiết kiệm giúp em tiền vận chuyển, thùng chỉ đựng được 20kg nhưng các bác nông dân ở nhà cứ dựng nắp hộp lên đóng 30kg, thùng nọ xếp lên thùng kia. Đến lúc em nhận được ở Hà Nội, cả một nhà la liệt mấy tạ cam, nhiều quả bị giập, không giao được cho khách”.
Bước ngoặt lớn nhất của Ly là khi cô kết nối được với Ban tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao ở Long Xuyên (An Giang) và Phiên chợ Xanh tử tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - đơn vị xây dựng Chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao tại TP.HCM để đưa cam và một số nông sản của Tuyên Quang vào giới thiệu và bày bán.
Lần đầu tiên vào TP.HCM, cô gái nhỏ khăn gói mang theo 5 tạ cam vào giới thiệu. Giữa Phiên chợ Xanh, cô gái trong trang phục người Tày thu hút được chú ý của nhiều người. Nhiều người thậm chí chưa bao giờ nghe tới tên loại cam sành Hàm Yên, nhưng chính hương vị và câu chuyện của Ly khiến họ chú ý. 5 tạ cam hết veo, không đủ để đáp ứng khách hàng.
Kết thúc hội chợ, Cẩm Ly rong ruổi khắp các cơ sở sản xuất, nhà vườn, HTX… ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gần cả tháng để học hỏi kinh nghiệm kinh doanh cũng như áp dụng kỹ thuật sản xuất để về hướng dẫn cho bà con vùng cao quê mình. Càng đi nhiều, cô càng chắc chắn về con đường mình đang theo đuổi, trồng cam theo hướng hữu cơ, không dùng thuốc BVTV...
Từ hộ bác Phúc, nhiều hộ khác bắt đầu tin tưởng vào cách làm của cô gái trẻ. HTX Cam sành Sơn Nữ ra đời. Cẩm Ly làm Giám đốc HTX và 16 thành viên là những người nông dân quyết tâm thay đổi cách canh tác. Sau 2 năm canh tác theo hướng hữu cơ, hơn 500 gốc cam sành của gia đình bác Phúc đã mang lại năng suất cao hơn. Mùa cam vừa qua, gia đình bác thu được hơn 20 tấn quả. “Năng suất tăng, giá thành ổn định, nhưng điều tôi tâm đắc nhất là sức khỏe. Trước phun BVTV hoá học giá thành thấp, tiết kiệm, nhưng làm xong là mệt đến 2-3 ngày, giờ khoẻ không mệt, buồn nôn nữa. Giờ có cho tiền tôi cũng không phun” - bác Phúc cho hay.
Đó không phải là thành công duy nhất mà Cẩm Ly đạt được. Cô đã học được cách bảo quản cam từ các nguyên liệu tự nhiên như vôi, tro được hun từ trấu, lá thông, rơm, vỏ trấu. Mùa đầu tiên, chuyển cam từ nơi miền núi lạnh buốt vào miền Nam nhiệt độ nóng quanh năm, số lượng cam hỏng hủy là 50%, năm nay giảm xuống hàng vào chỉ còn 5-7%. Đi cả nghìn cây số, quả cam vẫn tươi ngon.