Lên rừng trồng atisô

Rời bỏ TP.HCM lên vùng rừng núi thuộc thôn Đạ Nghịt, xã Lát (H.Lạc Dương, Lâm Đồng) để làm nông, anh Nguyễn Trung Thành (45 tuổi) đã thành công khi chọn cho mình mô hình trồng cây dược liệu atisô.

Được du nhập vào TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) từ những năm đầu thế kỷ 20, atisô đã trở thành loài cây riêng có của thành phố hoa và cũng là loài cây mà sản phẩm của nó luôn được du khách lựa chọn để làm quà tặng người thân.

Thực tế, cũng không có nhiều loài cây nào mà toàn bộ cây từ rễ, gốc, thân cho đến lá, bông đều được sử dụng như cây atisô. Khoa học đã chứng minh atisô là cây dược liệu quý, có tác dụng hạ cholesterol, lợi tiểu, thường được dùng làm thuốc thông mật, thông tiểu tiện, tạo mật, tăng tiết mật, chữa các chứng bệnh về gan, thận, hạn chế sự hình thành các điều kiện bệnh lý liên quan đến stress và đặc biệt còn có khả năng phòng, chống các loại bệnh ung thư…

alt

Anh Nguyễn Trung Thành trong vườn cây dược liệu atisô nghịch vụ của mình - Ảnh: G.B

Tuy nhiên, dù là cây dược liệu quý nhưng phần lớn đời sống người nông dân ở Đà Lạt trồng loài cây này trong nhiều năm qua luôn gặp cảnh bấp bênh, phập phù, bởi giá cả lên xuống thất thường nên điệp khúc “bỏ - trồng” luôn xuất hiện. Vậy mà, vài năm trước, một người tay ngang - Nguyễn Trung Thành từ vùng đất khác đến đã mạnh dạn vào tận vùng rừng núi xa xôi trồng atisô và đã thành công.

Anh Thành kể, năm 2007, có người bạn làm ở một công ty giống tại TP.HCM rủ đi Đà Lạt tìm giống cây ớt nhưng tìm hoài không được. Một hôm ngồi chơi ở hồ Xuân Hương, nghe người ta nói nhiều người trồng hoa lily ở xứ này đều trở thành đại gia.

“Nghe vậy, mình về suy nghĩ rồi rủ anh em lên đây tìm mua đất trồng lily. Ba năm đầu thành công rực rỡ, nhưng sang năm thứ 4 thì “sập hầm” do cây giống về trễ và đại lý bông xù tiền mua bông. Thất vọng, mình bỏ xứ này ra Phú Quốc trồng ớt và cải ngọt, nhưng rồi cũng trắng tay. Chán nản, tháng 6.2013, mình quay lại vùng đất này. Cũng may, dù trắng tay nhưng đất vẫn còn, mình tìm hiểu rồi vay vốn về đầu tư trồng cây dược liệu atisô này và mọi chuyện đã tốt đẹp”, anh Thành kể.

Ban đầu, anh Thành mua cây giống atisô của một doanh nghiệp ở TP.Đà Lạt về trồng khảo nghiệm. Khi thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất, chất lượng đạt hiệu quả cao, anh liền mở rộng diện tích. Được 1 năm, công ty cung cấp cây giống không đủ để trồng, anh tìm hiểu, nghiên cứu kỹ và quyết định nhập giống atisô của Pháp về trồng toàn bộ trên diện tích 7 ha.

Theo anh Thành, cây atisô trồng không khó, có thể trồng ngoài trời, quan trọng là chăm sóc tốt và đúng quy trình. Kinh nghiệm cho thấy khi atisô còn nhỏ phải để cây sống chung với cỏ, khi cây phát triển khỏe mạnh, cứng cáp rồi mới làm cỏ. Điều này hơi lạ nhưng cho đến nay anh Thành vẫn chưa thể giải thích được vì sao.

“Điều quan trọng hơn, nhờ nghiên cứu và chăm sóc theo quy trình riêng thành công nên toàn bộ vườn atisô của mình đều là trái vụ (thu hoạch bông từ tháng 5 đến tháng 11) và mang lại hiệu quả cao. Bình quân 1 ha có 20.000 cây, mỗi cây thu 1 kg bông tươi, 15 - 17 kg lá, khoảng 0,5 kg thân rễ khô, giá thấp nhất cũng được 100.000 đ/cây, 1 ha đã có thể cho thu nhập tiền tỉ. Dự kiến, đến cuối năm nay, mình sẽ phát triển vườn atisô lên 13 ha…”, anh Nguyễn Trung Thành cho biết.

Theo Thanh Niên

Bình luận của bạn