Mô hình thanh niên khởi nghiệp ở Ninh Thuận
Những năm qua, hưởng ứng phong trào "Thanh niên khởi nghiệp" do Trung ương Ðoàn phát động, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) ở Ninh Thuận không ngừng phát huy vai trò xung kích, năng động trong khởi nghiệp và đã thành công, vươn lên làm giàu ngay trên vùng đất cằn cỗi của quê hương mình.
Tháng 3, thời tiết ở Ninh Thuận nắng nóng hầm hập, chúng tôi cùng cán bộ Xã đoàn Phước Hòa, huyện Bác Ái tham quan mô hình trồng sáu sào cây chanh dây của anh Trương Tự Trị ở thôn Chà Panh đang cho thu hoạch 500 kg quả/sào sau bảy tháng trồng. Giữa vườn cây trĩu quả, anh Trị cho biết: Trong một lần đi thăm người quen ở Ðà Lạt vào năm 2016, thấy nhiều nông dân nơi đây trồng chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho nên đầu năm 2017, tôi lên tỉnh Lâm Ðồng mua giống về trồng thử nghiệm. Năm đầu, tôi làm giàn chưa bảo đảm kỹ thuật, gặp thời điểm có mưa nhiều, đất bị lún làm sập cả giàn chanh dây, tôi lại phải đi vay bạn bè 100 triệu đồng làm lại giàn kiên cố, đúng kỹ thuật và tiếp tục chăm sóc. Sau bảy tháng, tôi đã thu hoạch lứa quả đầu tiên, lãi 40 triệu đồng.
Theo quy trình, cứ bốn ngày, anh Trị thu hoạch một lần với năng suất từ 450 đến 500 kg/sáu sào, thương lái đến tận vườn thu mua sản phẩm với giá từ 15 đến 25 nghìn đồng/kg. Bình quân, mỗi tháng thu lãi khoảng 40 triệu đồng.
Thấy được tiềm năng kinh tế của loại cây này, nhiều đoàn viên, thanh niên dân tộc Ra Glai đã đến tham quan và được anh Trị hướng dẫn cách trồng, chăm sóc. Theo đó, nhiều thanh niên đã đầu tư trồng cây chanh dây và ký hợp đồng với các thương lái từ tỉnh Lâm Ðồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, mô hình mới trồng thí điểm nhưng đã mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao, cho nên đã có nhiều hộ dân trồng theo. Hiện tại, xã đã liên hệ với các công ty bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ về giống và hướng dẫn kỹ thuật cho thanh niên thuận lợi hơn trong sản xuất, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên lập thân, lập nghiệp.
Năm 2017, các tổ chức cơ sở đoàn huyện Bác Ái đã xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ, giúp đỡ nhau làm ăn như tổ đổi công, góp vốn xoay vòng, nuôi bò vỗ béo, nuôi heo đen, trồng lúa nước, trồng nấm… Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân các nguồn vốn vay cho đoàn viên, thanh niên có nhu cầu vay vốn, với tổng dư nợ hơn 15 tỷ đồng.
Bí thư Huyện đoàn Lê Thành Mười cho biết, giờ đây, suy nghĩ bỏ làng đi nơi khác lập nghiệp trong thanh niên dân tộc Ra Glai không còn nữa, đoàn viên, thanh niên đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại, mô hình nuôi heo đen, trồng chanh dây, trồng nấm trên chính mảnh đất thôn, xã của mình với mục đích góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều đoàn viên, thanh niên khác. Nhờ đó, tình trạng thanh niên uống rượu say rồi gây gổ đánh nhau hay vướng vào tệ nạn xã hội đã giảm đáng kể.
Anh Patau Axah Bình ở thôn Ha Lá Hạ, xã Phước Thắng từng vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua một cặp bò giống sinh sản về nuôi. Ðể bảo đảm nguồn thức ăn cho bò, anh đã trồng ba sào cỏ voi. Sau sáu tháng chăm sóc, con bò giống thứ nhất sinh được một bê con, khoảng tháng 6 tới, con bò giống thứ hai sẽ sinh thêm bê con. Ðầu năm 2018, anh được Nhà nước hỗ trợ thêm một con bò nuôi theo hình thức xoay vòng, tin chắc đời sống gia đình sẽ được cải thiện hơn nữa.
Huyện đoàn Bác Ái còn phối hợp các doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, tổ chức ngày hội việc làm tại địa phương, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên dân tộc Ra Glai. Anh Ka Máu Rảm là thanh niên đầu tiên ở thôn Ma Hoa, xã Phước Ðại, huyện Bác Ái đăng ký về sinh sống và lập nghiệp tại "Làng thanh niên lập nghiệp" ở thôn Châu Ðắc. "Tôi rất vui khi về sống ở nơi được đầu tư đầy đủ hạ tầng điện, đường, trường học, trạm y tế. Về nơi định cư mới, được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng nuôi gà, lợn, bò, vài năm nữa thôi, đời sống gia đình tôi sẽ được cải thiện nhiều hơn", anh Ka Máu Rảm bộc bạch.
Bí thư Huyện đoàn Bác Ái Lê Thành Mười cho biết thêm, phong trào thanh niên miền núi tham gia phát triển kinh tế là một trong những nội dung được Ban Thường vụ Huyện đoàn quan tâm chỉ đạo. Qua khảo sát tại chín xã đoàn, đã có 15 mô hình thanh niên lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế, từng bước góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đoàn viên, thanh niên.
Bằng sự nỗ lực và tinh thần xung kích của đoàn viên, thanh niên cùng với mô hình "Làng thanh niên lập nghiệp" đang được hình thành tại xã Phước Ðại, huyện Bác Ái, phong trào thanh niên DTTS khởi nghiệp ở Bác Ái ngày càng được nhân rộng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.