Mở mạng xã hội cho cộng đồng “ăn, chơi”
Nếu dự án của chàng trai 26 tuổi này thành công, trong tương lai không xa, sẽ có một mạng xã hội “made in Viet Nam” dành cho cộng đồng những người Việt yêu thích trải nghiệm ẩm thực, vui chơi giải trí...
“Tiếng sét ái tình” với kinh doanh
Hẹn PV ở văn phòng công ty trên đường Nguyễn Cao, khu Mỹ An, Phú Mỹ Hưng (Q.7, TPHCM) vào thời điểm chạy nước rút để tung ra sản phẩm đầu tiên, Đỗ Khoa, người sáng lập Công ty SmartCa kể về quá trình “tiềnkhởi nghiệp” khá lòng vòng nhưng thú vị.
Tốt nghiệp ngành Quản lý đất đai, Đại học Nông Lâm, chàng trai mê âm nhạc này có một năm mở cửa hàng bán đàn guitar ở Thủ Đức chỉ vì... mê chơi guitar. Sau khi thỏa mãn tình yêu dành cho guitar, anh có ba năm làm đo đạc xây dựng cho công ty xây dựng của bố.
“Làm đo đạc xây dựng thì có tiền, nhưng hình như vẫn chưa dò đúng kênh đam mê của mình. Cho tới một ngày, cách đây chừng hai năm, tôi lên Facebook đọc linh tinh và thấy doanh nhân Tạ Minh Tuấn có buổi thuyết trình về khởi nghiệp. Tôi lò dò đi thử cho biết và được anh Tuấn khơi dậy đam mê. Tôi học một khóa khởi nghiệp do anh Tuấn đứng lớp và sau đó tiếp tục học quản lý ở trường PACE trước khi triển khai ý tưởng của mình. Sự chuyển hướng kinh doanh với tôi là một tiếng sét ái tình”, Khoa nói.
SmartCa là sự gặp gỡ, cộng hưởng ý tưởng của Đỗ Khoa và một người bạn khác, Lê Tuấn Khoa. Họ trở thành hai thành viên sáng lập dự án từ tháng 10-2013 và cả hai trung thành theo đuổi thực hiện ý tưởng cho đến hôm nay.
Khởi đầu với một mô hình kinh doanh kết nối cộng đồng qua mạng xem ra hấp dẫn trong thời mạng xã hội đang chi phối lối sống của người trẻ, nhưng trên thực tế, mọi thứ không hề đơn giản. SmartCa mất hết tám tháng để ổn định đội ngũ và phát triển sản phẩm.
Sản phẩm của SmartCa là trang web mạng xã hội Yolive đang dần ổn định. Trên Yolive, các thành viên trang sẽ chia sẻ với nhau về các điểm ăn uống, vui chơi trong thành phố, các vùng miền mà họ quan tâm như trên các mạng xã hội khác. Nhưng sự tập trung của chủ đề sẽ giúp cho Yolive trở thành một bản đồ dịch vụ hay xa hơn, là một database (cơ sở dữ liệu) về loại hình dịch vụ ẩm thực, giải trí phục vụ cho cộng đồng hiệu quả.
“Ngoài chuyện chia sẻ cảm xúc, giới thiệu những điểm ăn uống, vui chơi thì thành viên của trang mạng này có thể đưa ra nhận xét và viết bài đánh giá. Chúng tôi sẽ bán Yotip, dưới dạng một con dấu chứng nhận cho các đối tác là nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống hay vui chơi giải trí để họ có thể dùng con dấu này khuyến mãi, làm quà tặng cho khách hàng. Khách hàng sẽ dùng con dấu này để tích điểm, nhận các phần quà theo định kỳ của Yolive. Đổi lại, khi khách hàng có phản hồi, viết bài, chụp ảnh chia sẻ các thương hiệu dịch vụ ăn uống và giải trí thì ngoài việc các thương hiệu này được quảng bá rộng rãi, căn cứ trên số lượt đọc, lượt yêu thích (like) và bình luận (comment), chia sẻ (share) chính khách hàng sẽ xếp hạng dịch vụ và các sản phẩm mà họ trải nghiệm và quan tâm.
Ngoài ra, qua việc xây dựng các Fanpage cho từng cơ sở dịch vụ, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, dự án sẽ giúp cho các doanh nghiệp tham gia có thể hệ thống hóa thành phần khách hàng của mình, hiểu về nhu cầu của họ để nâng cấp sản phẩm và dịch vụ tốt hơn. Ở đó sẽ không có những mục quảng cáo thô theo kiểu hàng ngày chúng ta vẫn thấy trên mặt báo hoặc các trang web dịch vụ quảng cáo ăn uống, vui chơi gây ít nhiều khó chịu và không đáng tin cho khách hàng, mà mọi thứ phải xuất phát từ chính nhu cầu và đánh giá trung thực của cộng đồng tiêu dùng. Điều này tạo ra hình ảnh, giá trị thực chất nhất của sản phẩm, dịch vụ và tạo ra cơ hội xuất hiện bình đẳng giữa một gánh hủ tíu gõ trong hốc hẻm với một nhà hàng lớn”, Đỗ Khoa chia sẻ.
Càng khó khăn càng phải tạo ra nhiều giá trị
Chỉ sau vài tháng thử mở giới thiệu ý tưởng SmartCa dưới hình thức trang Fanpage trên Facebook, đã có 3.200 thành viên tham gia và góp nhiều ý kiến.
“Trung thực - tích cực và hòa đồng” là ba tiêu chí mà SmartCa hướng đến khi xây dựng cộng đồng này. Và dĩ nhiên, là tiêu dùng thông minh. Đỗ Khoa giải thích: “Thông minh là khi bạn có đủ thông tin để có quyết định sáng suốt, chọn lựa tốt nhất khi thực hiện hành vi tiêu dùng”.
Đầu tháng 6-2015, SmartCa sẽ tiếp thị con dấu Yotip với các nhà hàng và cơ sở vui chơi giải trí tại TPHCM. Khoa nói: “Cái khó nhất là thuyết phục đối tác biết và tin vào tính hiệu quả của việc đầu tư mạng ảo nhưng mang đến hiệu quả thật. Làm được điều đó, trước hết chính mình phải tin vào dự án của mình. Nếu không có niềm tin, khó có thể thuyết phục cộng sự, đội ngũ và khách hàng”.
Chứng minh về niềm tin vào dự án, Khoa đã mất vài tháng thuyết phục ba mẹ mình tin và ủng hộ (trước đó, ba mẹ Khoa can ngăn quyết liệt). Ngoài ra, anh cũng đi vay 500 triệu đồng chi phí cho giai đoạn khởi động. Nguồn vốn vay đang cạn kiệt. Lại phải lúc kinh tế gia đình có vấn đề - công ty xây dựng của bố Khoa bị phá sản, nhưng chàng trai tuổi 30 vẫn tin tưởng rằng, chẳng bao lâu nữa, SmartCa sẽ đẻ ra tiền. Khoa vẫn hài hước giải thích: SmartCa nghĩa là Smart Consumer Association (cộng đồng tiêu dùng thông minh), Yolive là you live, lấy cảm hứng từ câu “Just because you live alive, doesn’t mean you are living” (Bạn đang tồn tại không có nghĩa là đang sống) hay Yotip là your tip (tiền boa của bạn) hay cũng là đọc trại của từ “Dô típ” (Vô tiếp)...
Đối thủ cạnh tranh trong tương lai của SmartCa sẽ là ai?, tôi hỏi. “Tôi xác định đối thủ cạnh tranh của mình không phải là trang Foody.vn của Việt Nam mà sẽ là trang Foursquare.com của Mỹ. Chúng tôi sẽ tổ chức trang web của mình theo kiểu tương tác “ra chất” mạng cộng đồng hơn Foursquare.com và biên giới sơ đồ không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà còn ở các điểm đến ở các nước khác mà cộng đồng muốn chia sẻ...
Say sưa và tin tưởng với dự án kinh doanh, chàng trai trẻ không khỏi ưu tư với công việc của những bạn bè trong nhóm khi ý tưởng chưa đẻ ra được tiền: “Tôi phải vay tiền để bù đắp phần nào vì thấy anh em vất vả chạy ngược chạy xuôi kiếm sống để hỗ trợ dự án”.
Trước văn phòng của SmartCa có một tiệm cà phê nhỏ, Khoa nói đùa rằng anh đã “đẻ việc” cho mẹ mình có cái để đắp đổi qua ngày trong lúc kinh tế gia đình lâm vào khó khăn mà mình lại chưa đẻ ra tiền. Một gian phòng của gia đình rộng chừng 25 mét vuông được tận dụng làm phòng cho nhóm cộng sự làm việc.
“Với người khởi nghiệp, có vốn thì tốt, nhưng đôi khi cái gì sẵn lại là cái dở. Ngược lại, sự khó khăn tiền bạc khiến chúng tôi phải xoay xở và sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn”, Đỗ Khoa lạc quan chia sẻ.
Theo Thesaigontimes.vn