Ngư dân ‘bạc tỷ’ trên đất Quảng Bình
Con nhà nòi
Ngày cuối năm trời lạnh như cắt da cắt thịt, trên âu thuyền Nhật Lệ, Nguyễn Công Hoan đang cùng anh em ngư dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho chuyến biển xuyên Tết Dương lịch. Phải sau gần 3 năm, tôi mới gặp lại anh, Nguyễn Công Hoan vẫn thế, mập mạp, trắng trẻo, giộng nói nhẹ nhàng đến nỗi nếu ai mới gặp lần đầu sẽ khó nhận ra một ngư dân dạn dày sóng gió biển khơi.
Hoan kể, 16 tuổi, anh đã theo cha đi biển, đến nay, số lần vươn khơi chính anh cũng không thể thống kê nổi. Nhờ những lần ra khơi cùng cha, anh đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm từ người cha “nổi tiếng” của mình, để giờ đây, anh đã kế thừa sự nghiệp của cha một cách "lẫy lừng" nhất.
Cha của anh Hoan là ông Nguyễn Hữu Bứu, một ngư dân có tiếng ở Quảng Bình. Ông Bứu nguyên là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) đánh cá Nhật Lệ 2. Năm 1997, khi Chính phủ triển khai chương trình đánh bắt hải sản xa bờ (được triển khai tại 29 tỉnh, thành phố), năm 1998, gia đình ông Bứu quyết định chuyển đổi mô hình đánh bắt, sang lại tàu nhỏ, thành lập HTX, vay thêm vốn mua tàu lớn, công suất 150 CV.
Thời điểm đó, cả tỉnh có 37 HTX đánh cá, còn xã Bảo Ninh có 5 HTX. Tuy nhiên, hoạt động khoảng được hai năm, do nhiều nguyên nhân, các HTX đánh cá của cả tỉnh nói chung, của Bảo Ninh nói riêng lâm vào khó khăn và cuối cùng phá sản, giải thể, duy chỉ có HTX đánh cá Nhật Lệ 2 của ông Bứu là vẫn trụ vững, phát triển từ một tàu đánh cá lên hai chiếc, ba chiếc rồi bốn chiếc, mỗi chiếc trị giá trên 5 tỷ đồng.
Lúc đó, cơ cấu lao động ở HTX Nhật Lệ 2 gồm 60 lao động, trong đó có 12 cổ phần. Lao động trong HTX của ông Bứu đã được trả bình quân thu nhập 3.000.000 đến 4.000.000 đồng mỗi tháng
Đến cuối năm 2009, vì nhiều lý do khách quan và xu thế chung, HTX Nhật Lệ 2 đành phải giải thế, ông Bứu cũng không còn đi biển nữa mà về làm Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh. Trước lúc nghỉ đi biển, ông Bứu đã giao toàn bộ tài sản và công việc đi biển lại cho anh Hoan và người em trai.
“Ngày đó, khi được cha tin tưởng giao cho toàn bộ tài sản và công việc đi biển, tôi rất mừng nhưng cũng lo lắng rất nhiều. Mừng vì từ đây tôi có thể thỏa chí tang bồng của tuổi trẻ trong việc chinh phục biển khơi.
Còn lo vì sợ không kế thừa và phát huy được sự nghiệp của cha, không tạo được công ăn việc làm cho hàng chục lao động là con em bạn tàu đã một đời gắn bó với cha. Nhiều cái lo buộc tôi phải cố gắng vượt bậc...”, anh Hoan .
Người đi trước “Nghị định 67”
Nếu như xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) là một trong những địa phương đi đầu trong toàn tỉnh về việc đầu tư tàu lớn để đánh bắt xa bờ thì Nguyễn Công Hoan là một gương mặt tiêu biểu nhất. với chúng tôi, anh Hoan cho biết, sau khi tiếp quản cơ ngơi từ người cha, thời điểm đó, gia đình anh đã được sở hữu 4 chiếc tàu cá (do có nhiều cổ phần ở HTX Nhật Lệ 2).
Thế nhưng, những chiếc tàu cá này đã không còn đáp ứng được ước mơ và nhu cầu vươn ra biển lớn, nên đến năm 2011 và 2012, anh Hoan đã lần lượt chuyển đổi 4 tàu nhỏ để đóng hai tàu lớn có công suất 800 CV trị giá 15 tỷ đồng (biển kiểm soát QB 91667 TS và QB 91868 TS). Đây là 2 chiếc tàu cá có công suất lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ lúc bấy giờ. Sau này, khi Nghị định 67 của Chính phủ ra đời, nhiều người vẫn đùa là anh Hoan đã đi trước cả “Nghị định 67”.
Theo anh Hoan, ở thời điểm năm 2013, về hình thức, HTX Nhật Lệ 2 không còn nhưng 2 chiếc tàu của gia đình anh Hoan vẫn bảo đảm việc làm cho 60 lao động (là con em của các thành viên HTX Nhật Lệ 2 trước đây) với thu nhập bình quân 9.000.000 - 10.000.000 đồng/người/tháng. Năng lực đánh bắt của 2 tàu cá mới của gia đình anh Hoan tăng 60-70% so với đội tàu cũ 4 chiếc. Cũng theo anh Hoan, từ khi đóng mới 2 chiếc tàu cá đến nay, tính ra đã hơn 5 năm với hơn 50 lần ra biển nhưng chưa chuyến biển nào tàu cá của anh lỗ vốn.
Đặc biệt, năm 2016, khi xảy ra sự cố môi trường biển, 2 chiếc tàu cá của gia đình anh Hoan vẫn thường trực đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa và dù giá hải sản xuống thấp kỷ lục, nhưng 2 chiếc tàu cá của anh đã đánh bắt vượt sản lượng, qua đó vẫn có lãi, duy trì được lao động và không phải nằm bờ.
Căn biệt thự 3 tầng trị giá hơn 7 tỷ đồng của anh Nguyễn Công Hoan đang được hoàn thiện
Nguyễn Công Hoan cho biết, nhờ nắm bắt được cơ hội trong việc sớm đóng tàu công suất lớn, từ năm 2013 đến nay, năm nào, 2 chiếc tàu cá của gia đình anh cũng thu về trên dưới 10 tỷ đồng, đỉnh điểm như những năm 2014-2015, tàu cá của gia đình anh Hoan cứ ra biển là thu về tiền tỷ. Mùa biển năm 2017, một năm sau sự cố môi trường biển, tính đến thời điểm này tàu cá của gia đình anh Hoan cũng đã thu về khoảng 10 tỷ đồng.
Hai chiếc tàu cá của gia đình anh Hoan hiện giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho trên 50 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng. Anh Phạm Văn Lành (SN1967), một ngư phủ đi bạn cho tàu cá của gia đình anh Hoan từ thời đang là HTX Nhật Lệ 2 đến nay, : “Sau khi HTX Nhật Lệ 2 giải thể, chúng tôi tưởng “bơ vơ” không có việc làm, nhưng tiếp tục được gia đình anh Hoan mời đi bạn cho đến hôm nay.
Thu nhập ổn định, được thưởng trong những chuyến biển có năng suất cao nên chúng tôi thực sự yên tâm gắn bó lâu dài với anh Hoan. Vả lại, được đánh bắt cá trên một chiếc tàu cá có công suất lớn, chúng tôi cũng vững tâm hơn trước sóng to gió lớn của biển khơi” - anh Lành .
Tròn 40 tuổi, nhưng với hàng chục năm can trường bám biển, Nguyễn Công Hoan đã gây dựng cho mình một cơ ngơi đáng mơ ước. Ngoài 2 chiếc tàu cá, xe hơi đắt tiền, hiện vợ chồng anh đang hoàn thiện ngôi biệt thự 3 tầng mà theo như bật mí của Hoan, nó được xây dựng với số tiền trên 7 tỷ đồng...
Với những thành tích lao động trên biển, anh Nguyễn Công Hoan đã được tặng giấy khen về bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 2013 của Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân; giấy khen của UBND thành phố vì đã có thành tích trong phong trào xây dựng thành phố, phong thi đua yêu nước, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh năm 2013, 2014...
Năm 2014, Nguyễn Công Hoan là 1 trong 63 nông dân được chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” bình chọn “Nông dân xuất sắc năm 2014”...