Người phụ nữ nghèo thành chủ trang trại nấm linh chi bạc tỷ
Từng phải sống nhờ vào tiền hỗ trợ hộ nghèo, bà Thiện đã quyết tâm vươn lên bằng nghề trồng nấm và trở thành bà chủ hợp tác xã (HTX) có doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng mỗi năm.
Trên chuyến xe điền dã ngoại thành Hà Nội, nhiều người kể câu chuyện làm giàu của bà Đào Thị Thiện (55 tuổi) ở Quảng Hội (Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội). Bằng ý chí vươn lên, cần cù, chịu khó, người phụ nữ "nghèo rớt mồng tơi" ngày nào giờ thành giám đốc một hợp tác xã (HTX) trồng nấm. Đón đoàn từ đầu đường thôn Quảng Hội là ông Nguyễn Xuân Thìn, Phó giám đốc HTX. Ông cho biết, bà giám đốc trang trại đang hướng dẫn cho một số lao động mới tới học nghề.
Sau khi men theo dọc chân núi Sóc Sơn, băng qua một con đập lớn giữa cánh đồng, xe dừng lại ở dưới chân dải đồi trồng keo. Các thành viên không khỏi choáng ngợp bởi trang trại trồng nấm linh chi trải rộng giữa cánh đồng.
Chủ trang trại tất tưởi chạy ra đón đoàn từ đầu ngõ. Sau khi dẫn khách vào nhà, bà rót nước linh chi mời khách. “Mọi ngưởi ở đây quanh năm uống loại nước này. Cây nhà lá vườn hơi đắng nhưng tốt lắm!”, bà hào hứng nói.
Bà Thiện cho biết, quyết định "làm liều" để thoát nghèo được nảy ra sau một lần tình cờ bà xem chương trình trồng nấm cho thu nhập cao trên tivi. Cùng với 2 triệu đồng gom góp được, bà làm đơn xin vay ngân hàng thêm 8 triệu đồng từ Quỹ Tình thương phụ nữ nghèo huyện Sóc Sơn.
Với số tiền ít ỏi, người phụ nữ nghèo chia nhỏ làm các khoản để mua nguyên liệu và chi phí đi lại. Trước khi về mở lán trồng nấm, bà sang các xã lân cận học và tham khảo mô hình. Sau 1 tháng triển khai, lứa nấm đầu tiên đã cho thu hoạch. Có hiệu quả, bà tiếp tục mở rộng quy mô trồng nấm lên 200 m2, sau đó tìm xuống Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp Hà Nội) để học hỏi kỹ thuật và mua sách về tự học. “Khi ấy, vốn ít, tôi phải trồng nấm trong cái lán nhỏ, mái che bằng bạt và bao xi măng.
Những khi mưa gió khốn đốn vô cùng. Sản xuất nhỏ lẻ nên mỗi lần thu hoạch xong, tôi lại lọc cọc xe đạp chở nấm sang xã khác gửi người ta bán hộ. Cứ lần này gửi thì lấy tiền của lần trước”, bà giám đốc HTX nhớ lại.
Sau 6 tháng trồng nấm, gia đình bà dư ra 40 triệu đồng. Bà Thiện tiếp tục dùng tiền lãi để mở rộng quy mô trang trại. Đến năm 2010, tổng diện tích trồng nấm lên tới 650 m2. Sản lượng đạt 350-400 kg một ngày, giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động.
Với sản lượng tăng lên mỗi ngày, người phụ nữ này trực tiếp liên hệ với các nơi để tìm đầu ra. Không ngờ, nhu cầu sử dụng nấm cao hơn so với bà mong đợi. Các đơn vị kinh doanh đều chấp nhận tiểu thụ sản phẩm. Song song đó, bà vận động bà con trong xã góp vốn và xin thành lập HTX nuôi trồng nấm, do bà làm Giám đốc. Ngoài giúp đỡ bao tiêu đầu ra, bà còn tình nguyện dạy nghề không công. Gia đoạn 2014-2015, HTX gồm 25 thành viên ở 5 tỉnh thành.
Quy mô lán trại là 11.400 m2, sản lượng nấm các loại đạt 75-77 tấn một năm, doanh thu 3,170 tỷ đồng. Trừ các chi phí, số tiền lãi thu được là 750-800 triệu đồng. Hiện tại, HTX tạo việc làm cho 66 lao động, trong đó một nửa làm thời vụ. Công nhân thu nhập đạt 1-4 triệu đồng. Sản phẩm từ 5 loại nấm (mỡ, rơm, sò, mộc nhĩ, linh chi) tiêu thụ cho 18 siêu thị và các cửa hàng trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Sáng (56 tuổi) là một trong những người đầu tiên tham gia HTX. Theo thành viên này, trước đây, 2 vợ chồng cấy vài sào ruộng, cả năm thu nhập 4-5 triệu đồng. Thế nhưng từ ngày làm nấm, cộng cả tiền công, mỗi tháng gia đình bỏ túi ngót 30 triệu đồng. Một nửa số tiền ông lại góp vốn để tái đầu tư. Theo ông Sáng, trồng nấm dễ rủi ro.
Vì thế, từ khâu làm nguyên liệu, chăm sóc đến khi thu hoạch, người làm phải thực hiện đúng kỹ thuật. "Vào những mùa hái nấm, chúng tôi phải thu hoạch thâu đêm suốt sáng cho kịp thời vụ. Vất vả nhưng có thu nhập nên ai ai cũng phấn khởi", ông Sáng chia sẻ. Gần đây, HTX mở thêm lớp dạy nghề trồng nấm. Học phí mỗi khóa là 1 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Thìn, Phó giám đốc cho biết, từ năm 2008 đến nay, HTX đã có 365 học viên tham gia. Trong đó, hầu hết các thành viên đã nuôi trồng thành công và cho thu nhập cao. Trong gian nhà mới xây còn hơi mùi vữa, chủ trang trại nấm cho biết: “Trước đây tôi nhát lắm.
Nhưng từ hồi trồng nấm, phải học nhiều, hỏi nhiều rồi đến khi thành công, năm nào tôi cũng được Nhà nước mời tham dự các hội thảo, trao bằng khen, thậm chí là phát biểu cảm nghĩ trên truyền hình”. Cầm từng tấm bằng khen, bà chia sẻ đó là cả gia tài. “Cái này không bán được thành tiền nhưng có nhiều tiền cũng không mua được đâu!”, bà chủ trang trại tự tin chia sẻ.
Nguồn: Newszing