Người phụ nữ trở về quê hương để làm giàu từ sen
Một hội viên phụ nữ năng động, sáng tạo và tiên phong trên con đường khởi nghiệp thành công từ việc khai thác “tài nguyên bản địa” để làm giàu chính đáng bằng tài năng, bản lĩnh của mình, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đó là chị Nguyễn Thúy Kiều (SN 1984) - chủ cơ sở chế biến Sữa Hạt Sen Ba Tre ở ấp A, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.
Tại Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất và nhân rộng điển hình tiên tiến năm 2017 do Hội đồng thi đua khen thưởng huyện Tam Nông tổ chức, chị Thúy Kiều là một trong 10 gương mặt điển hình tiên tiến được chọn làm diễn giả chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất và quá trình khởi nghiệp của mình. Chị Kiều đã vinh dự được Chủ tịch UBND huyện Tam Nông tặng Giấy khen
Từ khi thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, nông dân huyện Tam Nông đã chuyển đất ruộng làm lúa kém hiệu quả sang trồng sen bán gương, ngó và hạt… để kiếm nguồn thu nhập cho gia đình. Từ 17 ha ruộng trồng sen trong năm 2010, đến nay diện tích tăng lên khoảng 150 ha, tập trung nhiều tại xã Phú Thọ, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Cường, Phú Thành B và thị trấn Tràm Chim.
Bên cạnh việc trồng sen bán ngó, gương, hạt, lá, hoa, tâm, nhụy, năm 2016, chị Nguyễn Thúy Kiều ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông đã mở cơ sở chế biến sữa hạt sen mang thương hiệu “Ba Tre”, tạo nguồn lợi nhuận đáng kể cho gia đình, giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.
Sau khi tốt nghiệp Trung cấp kinh tế nông nghiệp - Trường Đại học An Giang (cơ sở II), chị Nguyễn Thúy Kiều không xin việc làm mà quyết định trở về quê xã Phú Cường tập trung vốn liếng đầu tư mua trang thiết bị và nguyên vật liệu mở cơ sở chế biến sữa hạt sen mang nhãn hiệu Ba Tre!
Chị Thúy Kiều cho biết: “Tôi thấy trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng sen và sản phẩm từ sen rất nhiều nên tôi có suy nghĩ lấy sen của Đồng Tháp để làm ra sữa là thức uống cho người tiêu dùng. Đầu tiên, tôi cũng làm với sản lượng ít để đem bán thử ra thị trường. Lúc đầu làm gặp nhiều khó khăn, do sản phẩm sữa hạt sen mới lạ chưa thu hút người tiêu dùng và chưa quen với thị trường. Nhờ kiên trì tiếp thị, giới thiệu sản phẩm dần dần được người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng nhiều. Rồi thị trường bán sữa hạt sen ngày càng mở rộng cho tới nay. Từ đó, sản lượng sữa hạt sen của tôi chế biến ngày càng tăng”
Đến cơ sở chế biến sữa hạt sen Ba Tre, xã Phú Cường chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh người lao động ở đây đang tăng nhịp độ sản xuất nhiều sản phẩm sữa hạt sen để cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện. Chị Thúy Kiều bày tỏ: Hạt sen được chọn chế biến là hạt tươi đã già, đủ độ béo. Sau khi lột sạch vỏ, bỏ phần tâm sen, hạt sen được đưa vào máy xay nhuyễn cùng với nước sạch. Hỗn hợp sau khi xay, được nấu sôi khoảng 7 phút.
Sữa sen sau khi nấu được lược lọc bã sen bằng vải thưa hay rổ lược. Sau đó, cho đường cát hoặc đường phèn vào rồi nấu thêm chừng khoảng 5 phút nữa là sẽ có sữa sen thơm lừng. Để sữa sen nguội và cho vào chai, với thể tích 350 ml.
Giá bán một chai sữa hạt sen dao động từ 10.000 - 12.000đồng/chai. Đây là một loại nước uống đang được người tiêu dùng rất ưa thích-nhất là giới trẻ, vì có hương vị đậm đà, thơm ngon và bổ dưỡng… Tại các phiên chợ Hàng Việt về nông thôn mới đây, sữa sen mang nhãn hiệu Ba Tre thu hút được nhiều người tiêu dùng chọn mua dùng nhiều…
Nguyên liệu chính để chế biến sữa sen Ba Tre của chị Kiều là: Hạt sen tươi, đường cát hoặc đường phèn… Lúc đầu, chị Kiều chỉ sản xuất nhỏ lẻ với những dụng cụ chế biến thô sơ. Mỗi ngày, chỉ sản xuất vài trăm chai sữa thành phẩm. Khi sản phẩm sữa hạt sen Ba Tre được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp tín nhiệm mua nhiều, chị Kiều đã đầu tư thêm vốn mở rộng cơ sở sản xuất, trang bị thêm thiết bị hiện đại, khép kín đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế và thương hiệu sữa hạt sen Ba Tre đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền; Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam chứng nhận đạt tiêu chuẩn “Hàng Việt Nam chất lượng cao” nên sản phẩm sữa hạt sen Ba Tre sản xuất ra càng ngày càng tăng, cung không đủ cầu.
Do sản phẩm sữa hạt sen của chị Kiều thơm ngon, không chất bảo quản, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm được nhiều người tiêu dùng tín nhiệm nên đã bán rất chạy. Sản lượng sữa hạt sen Ba Tre tiêu thụ ngày càng tăng. Không ít mối lái đặt hàng mua với số lượng lớn để mở đại lý. Sản phẩm sữa hạt sen Ba Tre không chỉ có mặt trên thị trường miền Tây Nam Bộ mà còn lên tận thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...
Hiện tại, trung bình cơ sở sản xuất và bán ra thị trường từ 28.000 đến gần 30.000chai sữa hạt sen thành phẩm/ tháng, thu lợi nhuận bình quân từ 15 - 20 triệu đồng. Cơ sở hiện đang tạo việc làm ổn định cho trên 10 lao động ở địa phương, với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/công nhân.
Chị Phan Thị Thúy Loan - nhân công vô sữa chai thành phẩm của cơ sở chế biến sữa sen Ba Tre cho biết: “Tôi làm ở cơ sở này lâu rồi và làm ở bộ phận vô chai sữa sen thành phẩm. Mỗi tháng kiếm thu nhập hơn 3 triệu đồng. Tôi thấy chị Kiều chủ cơ sở ở đây vui vẻ lắm, đối xử với anh chị em công nhân rất tốt, chị không có phân biệt giữa chủ và nhân công…”
Không chỉ chế biến sữa hạt sen mà chủ cơ sở còn chế biến chai sữa bắp non Ba Tre và gần đây cũng cho ra sản phẩm mới là sữa hạt sen bột sấy hòa tan đóng mỗi gói 20gram rồi đưa vào một hộp giấy 6 gói… đang được người tiêu dùng ưa chuộng.