Nhà trồng nấm tự động giúp sinh lời qua hai mùa vụ

Hệ thống tự điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ, CO2 trong nhà, giúp trồng nấm quanh năm với năng suất đều đặn.

Mô hình nhà trồng nấm tự động với công nghệ IoT - Internet vạn vật có khả năng giám sát các thông số môi trường và điều khiển thiết bị liên quan, đảm bảo tạo ra điều kiện tốt cho nấm phát triển, đạt năng suất cao. Đây là dự án khởi nghiệp của nhóm bạn 8x, với sự hỗ trợ của Viện nghiên cứu Công nghệ sinh học và môi trường - đại học Nông Lâm TP HCM.

Công nghệ sẽ thay người trồng chăm sóc nấm, theo dõi và báo cáo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, nồng độ CO2, là bốn yếu tố quan trọng nhất tác động đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong nhà trồng gắn các cảm biến không dây để giám sát. Các dữ liệu đo được từ cảm biến sẽ truyền đến bộ phận hộp chủ có lắp Internet và cập nhật liên tục lên hệ thống đám mây Cloud. Người sử dụng có thể tương tác và điều khiển qua các thiết bị điện tử.

Nhà trồng được trang bị hệ phun sương, quạt, đèn led hoặc máy lạnh... giúp điều chỉnh thông số môi trường. Nếu cảm biến xác nhận độ ẩm trong nhà trồng quá thấp so với thông số chuẩn được cài đặt, hệ thống sẽ tự động bật quạt và phun sương để cân bằng, hoặc bật đèn led khi nhận biết ánh sáng không đủ.

Người sử dụng có thể thiết lập thông số theo quy trình do công ty nghiên cứu hoặc tự mình lựa chọn. Giao diện điều khiển trên điện thoại hay máy tính cho phép người sử dụng tắt, bật các thiết bị, hẹn giờ, tạo thời gian biểu cho cả mùa vụ theo ngưỡng phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của nấm, dù đang ở bất cứ nơi đâu.

Công nghệ này giúp tiết kiệm nhân công, ổn định năng suất và chất lượng cho sản phẩm đầu ra, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và có thể điều chỉnh thời điểm thu hoạch nấm. Một trong những thành viên sáng lập, Phạm Văn Bình cho biết: “Mô hình trồng nấm truyền thống phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của người trồng và điều kiện tự nhiên, thời tiết biến đổi sẽ gây thất thu. Ứng dụng công nghệ giúp người ít kinh nghiệm có thể trồng được nấm quanh năm”.

Nếu nhận yêu cầu của khách hàng, nhóm đến khảo sát địa hình để thiết kế nhà trồng phù hợp, lắp đặt các thiết bị và cung cấp quy trình trồng nấm. Để đảm bảo chất lượng nấm tốt, Bình cũng đi đến từng trang trại cung cấp phôi giống, xem xét quy trình tạo phôi nấm, từ đó lập nên danh sách các nơi đảm bảo chất lượng nhằm tư vấn cho khách hàng. Với những nông dân đã có sẵn nhà trồng, nhóm cung cấp hệ thống thiết bị của mình để việc giám sát, điều chỉnh dễ dàng hơn.

Mô hình này không chỉ áp dụng cho trồng nấm mà còn phù hợp với rau thủy canh. Hiện công ty có 20 khách hàng sử dụng sản phẩm. Mỗi nhà trồng có diện tích 72m2, chứa 10.000 phôi nấm và đầy đủ thiết bị sẽ có giá vào khoảng 80 triệu đồng.

Theo tính toán của nhóm, một vụ trồng nấm bào ngư xám khoảng 4,5 tháng, khi áp dụng hệ thống sẽ mang lại năng suất trung bình 280 gram mỗi bịch phôi. Nhà trồng đạt 2,8 tấn nấm mỗi vụ. Với giá nấm trung bình 30.000 đồng mỗi kg thì sau hai vụ trồng, người dân có thể thu hồn số vốn bỏ ra và bắt đầu sinh lời.

“Phương pháp trồng truyền thống có thể có chi phí rẻ hơn lúc đầu, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro, bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong khi ứng dụng công nghệ bài bản, dù tốn kém nhưng năng suất ổn định hơn”, Bình phân tích.

Trước khi đến với dự án, Bình công tác trong nhóm nghiên cứu về cảm biến nano sinh học tại viện nghiên cứu thuộc đại học Quốc gia TP HCM. Anh vốn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và bắt đầu đào sâu tìm hiểu về nấm từ năm 2011. Bởi vậy, khi nghe ý tưởng của hai người bạn về xây dựng mô hình trồng nấm tự động, chàng trai sinh năm 1982 này nhanh chóng tham gia.

Thành viên thứ tư của nhóm là Nguyễn Hồng Quân, chuyên viên lập trình làm việc tại Malaysia với mức lương hơn 2.000 USD mỗi tháng. Quân quyết định nghỉ việc về nước và cùng nhóm theo đuổi giấc mơ nấm sạch, bởi niềm day dứt dù Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, anh hiếm khi tìm thấy nông sản Việt bày bán tại các siêu thị nước ngoài.

Tháng 7/2016, dự án của nhóm bạn thành lập, mang tên AgriConnect. Để cụ thể hóa các con số về độ ẩm, nhiệt độ cho nấm phát triển tối ưu và xây dựng quy trình trồng chuẩn, Bình đã tìm đến các trang trại nấm tiếp xúc với nông dân, đến trường đại học trò chuyện cùng chuyên gia, giảng viên về nấm. Thế nhưng anh vẫn chưa tìm được câu trả lời xác đáng, bởi kinh nghiệm mỗi người lại khác nhau, không đưa ra được mức chuẩn chính xác.

Nhóm quyết định xây dựng nhà trồng thử nghiệm tại đại học Nông Lâm TP HCM, mỗi đợt theo các thông số khác nhau để tìm ra môi trường cho nấm phát triển tốt nhất. Mô hình nhà trồng nấm ứng dụng công nghệ IoT dần hoàn thiện khi nhóm xây dựng được hệ quy trình chuẩn trồng nấm bào ngư xám và linh chi đỏ. Nhóm thuyết phục trang trại nấm tại Mỹ Tho, Tiền Giang sử dụng hệ thống của mình để thử nghiệm, vừa là khách hàng, vừa liên tục đưa ra những phản hồi để nâng cấp thiết bị liên tục.

Đầu năm 2017, dự án nhận vào chương trình hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp của Startup Vietnam Foundation. Thế nhưng, khó khăn lại tiếp tục đến dồn dập khi chưa kêu gọi được nhà đầu tư. Các thành viên sáng lập bỏ tiền túi của mình để nuôi dưỡng đứa con tinh thần trong suốt thời gian nghiên cứu, thử nghiệm. Mặc dù đã có khách hàng nhưng công ty chưa thu hồi được vốn. Áp lực bởi chặng đường dài phía trước và gánh nặng tài chính, hai thành viên rời bỏ dự án vào tháng 1/2018, chỉ còn lại Bình và Quân vẫn kiên trì theo đam mê đã chọn.

Thừa nhận điểm yếu về marketing và vốn, các thành viên mong muốn tìm được nhà đầu tư để có thể đưa dự án đi nhanh và xa hơn.

Sắp tới, nhóm sẽ nghiên cứu xây dựng quy trình trồng các loại nấm lạnh như nấm đùi gà, đông cô hay đông trùng hạ thảo. Trong năm 2018, hệ thống sẽ phát triển thêm tính năng nhật ký canh tác giúp nông dân giám sát quy trình kỹ càng hơn, từ đó rút ra cho mình kinh nghiệm trồng trọt. Với tiện ích truy xuất nguồn gốc bằng mã code, người tiêu dùng khi mua có thể biết được xuất xứ nấm từ xưởng phôi và nhà vườn nào.

“Việt Nam có đầy đủ những yếu tố để có thể thúc đẩy việc trồng nấm sạch và xuất khẩu”, Bình khẳng định. Điều kiện khí hậu đa dạng, thích hợp cho nhiều loại nấm phát triển quanh năm với năng suất cao, chất lượng tốt. Theo tính toán của nhóm, sản lượng các nguyên liệu để làm phôi nấm như rơm, rạ, mùn cưa, bã mía... đạt khoảng 40-50 triệu tấn một năm, nếu đưa vào sử dụng 10-15% sẽ sản xuất một triệu tấn nấm và hàng nghìn tấn phân hữu cơ mỗi năm, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nông sản Việt trên thị trường thế giới.

 

Bình luận của bạn