Những ông chủ bỏ học thạc sĩ, về nước khởi nghiệp

Anh Trương Trọng Toại sáng lập công ty Robotics 3T với mong muốn phát triển hệ thống robot công nghiệp đạt hiệu quả cao về chi phí, sáng tạo về cấu hình và giải pháp công nghệ, đáp ứng nhanh nhu cầu tự động hóa sản xuất.

Khi nghiên cứu được một năm tại Hàn, chàng trai 8x nhận ra chương trình mà mình đang theo học chủ yếu định hướng ứng dụng công nghệ tự động hóa trong 50 năm tới tại những quốc gia phát triển, trong khi điều anh cần là kiến thức giúp ích Việt Nam ở thời điểm hiện tại và tương lai gần. Anh quyết định từ bỏ suất học thạc sĩ tại xứ kim chi từng rất vất vả mới "săn" được.

Thời gian đầu khởi nghiệp tại Việt Nam, Toại gặp khó khăn về vốn. Nhờ kiên trì, anh dần thu hút sự quan tâm, đầu tư từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ - những người muốn tìm giải pháp nâng cao năng suất lao động và thay thế nguồn nhân công rẻ bằng robot công nghiệp.

Năm 2014, khi xây dựng nên Robotics 3T, chàng trai 8x xác định đặc thù của mảng robot là tích hợp kiến thức trong nhiều lĩnh vực như thiết kế cơ khí, mạch điều khiển, thuật toán và phần mềm điều khiển, vì thế, anh dành trọn 3 năm chỉ để xây dựng nền tảng vững chắc về công nghệ.

Hiện Robotics 3T vẫn trong giai đoạn nghiên cứu nhưng đã cho ra mắt, phân phối trong và ngoài nước khoảng 20 sản phẩm công nghệ chất lượng cao như: card thu thập dữ liệu, máy điều khiển nhiều trục, bộ điều khiển độ cao đầu cắt plasma… Doanh thu dự kiến của Robotics 3T 2016 đạt 6 tỷ đồng

Năm 2017, anh dự định mở thêm trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội và Đà Nẵng, phấn đấu để được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập.

Trong tương lai, Toại mong muốn Robotics 3T có thể cạnh tranh trực tiếp với robot công nghiệp của những thương hiệu lớn thế giới, dành ưu thế về công nghệ, giá thành sản phẩm rẻ hơn 40-60%.

Ngoài ra, chàng trai trẻ cũng kỳ vọng nâng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất robot lên khoảng 85% để hạn chế nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài, giúp doanh nghiệp tiết kiệm các khoản chi phí như vận chuyển, lắp đặt, thuê chuyên gia bảo trì…

Bỏ học quản trị kinh doanh tại Mỹ, về nước bán vé xe online

Mô hình kinh doanh vé xe online được Trần Nguyễn Lê Văn manh nha khi đang học MBA, chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Mỹ vào 2012. Ngày ấy, mỗi lần thấy báo từ quê nhà đăng cảnh sinh viên, người lao động phải xếp hàng cả ngày để mua vé, vừa lãng phí thời gian lại mệt mỏi, anh quyết định thôi học, xây dựng hệ thống đặt vé trực tuyến giống ở Mỹ.

Năm 2013, ngay khi về nước, chàng trai trẻ thành lập nên Công ty Cổ phần Vexere - nơi cung cấp hệ thống bán vé xe trực tuyến, để giúp giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc mua vé xe của hành khách cũng như phân phối vé của các hãng xe.

Văn mong muốn Vexere trở thành nơi hợp tác bán vé, giúp các nhà xe xây dựng quy trình nghiệp vụ chuyên nghiệp, quản lý dễ dàng hơn. Khách hàng cũng có kênh thông tin tham khảo uy tín, cập nhật lịch trình, giá vé, lựa chọn hãng xe uy tín dựa vào phản hồi, đánh giá của người khác.

Thông qua hệ thống Vexere, hành khách chỉ cần nhập địa điểm đi và đến, lựa chọn thời gian khởi hành, chọn chỗ và thanh toán vé trực tuyến. Sau đó, người dùng nhận vé xe trực tiếp qua email và SMS. Vé sẽ hiển thị lên ngay tức thì trong phần mềm quản lý hãng xe, giúp họ biết được nghế đó đã có người đặt.

Nhờ trang web này, người dùng không còn phải tốn thời gian xếp hàng mua vé tại các bến xe, giúp giảm thời gian đi lại và chờ đợi. Hơn nữa, hành khách có cơ hội chọn chỗ ngồi mà mình yêu thích, có nhiều lựa chọn hơn khi có thể so sánh giá vé, lịch trình, chất lượng xe giữa các hãng xe với nhau.

Các hãng xe cũng có cơ hội mở rộng độ phủ sóng thương hiệu trong nước và quốc tế, nhờ đó tăng cường số lượng vé bán. Khách hàng mua vé qua Vexere đã thanh toán trước nên tỷ lệ hủy vé với hãng xe cũng giảm thiểu.

Sau 3 năm thành lập, Vexere đạt được vị trí nhất định trên thị trường mua bán vé online. Website đã cung cấp thông tin của hơn 1.000 hãng xe khách tại Việt Nam, với hơn 700.000 lượt truy cập hàng tháng và 24 triệu lượt mỗi năm.

Tháng 6 năm ngoái, quỹ đầu tư Nhật Bản CyberAgent Ventures rót vốn lần hai vào công ty Vexere.

Bình luận của bạn