Nông dân 4.0 ngồi rung đùi, "ôm" điện thoại và thu lợi nhuận khủng

Sáng chế thích ứng biến đổi khí hậu

Người nông dân có sáng chế đặc biệt đó là anh Cao Phát Triển (43 tuổi, ở ấp Thới Xương 1, phường Thới Long, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ), vừa nhận giải khuyến khích cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0”, do báo Nông Thôn Ngày Nay phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức.

Anh Triển kể, anh xuất thân từ gia đình nông dân gặt, học xong cấp hai vì điều kiện sức khỏe anh nghỉ học. Từ đó anh ở nhà phụ giúp cha mẹ làm vườn. Nhà có 8 công vườn trồng cây ăn trái nhưng tưới tay phải mất 2 ngày mới xong. Nhận thấy việc tưới cây bằng tay vừa tốn công sức vừa tốn thời gian nên anh nghiên cứu chuyển sang tưới máy, kéo ống điều khiển bằng tay.

“Máy tưới cây điều khiền bằng tay vào khoảng năm 1995 là hiện đại nhất rồi nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa vừa ý vì vẫn còn tốn nhiều công lao động và chi phí xăng dầu”- anh Triển nhớ lại.

Đến năm 17 tuổi, sau nhiều đêm trằn trọc anh có ý tưởng làm hệ thống tưới tự động vì thấy ở các công viên và trên ti vi chiếu nhiều mô hình này rất hay. Nếu áp dụng được ở nhà mình thì rất có lợi từ công lao động đến chi phí đầu tư. Từ đó, anh tìm tòi, học hỏi trên sách báo, internet, đồng thời, đi tham quan nhiều mô hình khác của nông dân trong vùng để học hỏi kinh nghiệm trồng cây và xem nguyên lý hoạt động của hệ thống phun, tưới tự động có hiệu quả trên rau màu, cây ăn trái.

Nghĩ là làm, năm 1997, anh bắt đầu làm hệ thống tưới tự động nhưng lần đó thất bại vì kinh nghiệm thực tế còn hạn chế và vốn đầu tư không đủ nên anh đành gác lại ý tưởng đó để chờ cơ hội.

Nói gác lại nhưng thực chất anh dành thời gian lên mạng nghiên cứu và thí nghiệm bằng những mô hình nhỏ. Đến đầu năm 2013, sau nhiều năm tích lũy được vốn và kinh nghiệm anh bắt tay vào thiết kế bản vẽ mới trên lý thuyết.

Ban đầu anh lắp thử hệ thống trên 4 công vườn trồng quýt của gia đình và bất ngờ mô hình của anh thành công hơn mong đợi. “Tôi lo nhất là khi ráp xong lượng nước không đủ để tưới đều cả vườn. Nhưng khi bật motor (mô tơ) lên thì nước phun đều khắp cả vườn. Lúc đó, cả tháng trời, mừng không ngủ được” - anh Triển vui vẻ nhớ lại.

Theo anh Triển, để thành công, anh chạy nhiều nơi mua dụng cụ về thử, tháo ra ráp vào thử nghiệm nhiều lần từ bét phun sương nhuyễn hao điện, đến bét đa chức năng cánh đập… lắp vào vườn.

Anh Triển cũng cho biết thêm: “Hiện nay biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thể hiện rõ nhất tại địa phương anh nước sông ngày cạn kiệt. Đồng thời, nước ta hiện đang hội nhập sâu, rộng vào sân chơi quốc tế nên không thay đổi tư duy thì sẽ thua trên sân nhà. Với hệ thống phun phân, thuốc và tưới tự động như của anh thì chỉ cần bơm nước vào mương một lần trữ lại đó rồi sử dụng cho vài tháng, cho dù nước sông có kiệt đi nữa cũng không lo vì mỗi lần tưới tốn ít nước. Trong khi đó, sử dụng tưới bằng máy hoặc tay thì vất vả với thời tiết nắng khắc nghiệt như hiện nay. Ưu điểm là không tác động trực tiếp lên cây, hệ thống phun sẽ làm hạn chế tối đa các côn trùng gây hại giúp trái đẹp, bóng loáng để cạnh tranh với sản phẩm ngoại”.

Giảm chi phí, tăng lợi nhuận “khủng”

Khi trao đổi với phóng viên, anh Triển cũng phấn khởi cho biết, gia đình anh có 8 công vườn trồng quýt; Tết vừa rồi thu hoạch 16 tấn quýt tiều và 1 tấn quýt đường bán với giá trung bình 30.000 đồng/kg, thu được trên 500 triệu đồng. Trong khi chỉ cần ngồi nhà điều khiển là xong. Điều mà trước đây có nằm mơ cũng không thấy.

Anh Triển tâm đắc phân tích tính ưu việt của hệ thống tưới tiêu “con cưng” của mình rằng: “Trên diện tích 8 công vườn của gia đình, trước đây mỗi lần tưới máy mất 5 giờ và thuê 1 người theo cầm ống, tốn 140.000 đồng/lần tưới; còn tưới tay sẽ mất gần 2 ngày mới giáp, chi phí thuê nhân công gần 300.000 đồng. Còn hiện nay chỉ cần điều khiển bằng điện thoại khoảng 10 phút, tốn 2.000 đồng là xong, giảm chi phí 70 lần so tưới máy và 150 lần tưới tay. Điều quan trọng là giảm được chi phí và giá thành sản xuất. Đồng thời, mình chủ động hoàn toàn trong quy trình chăm sóc như sử dụng cỏ để che phủ, chống xói mòn, giúp bộ rễ có đầy đủ ô xy, nước… giúp vườn cây phát triển xanh tốt”.

Nếu chỉ tưới tự động không thì chưa đủ, nông dân làm vườn còn phải bón phân, phun thuốc nên sau thành công hệ thống tưới nước tự động, đầu năm 2014, anh nghiên cứu lắp thêm hệ thống phun thuốc và bón phân tự động. Anh cho biết, để sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp thì cần phải giải quyết vấn đề về sâu bệnh; đặc biệt là bảo vệ sức khỏe và môi trường xung quanh mà con người không cần phải trực tiếp tác động vào. Mô hình phun thuốc tự động, sẽ tiết kiệm hóa chất, công lao động là khoảng 35 triệu đồng mỗi năm.

Theo anh Triển, điểm nổi bật của mô hình là có thể tưới tự động ở mọi lúc mọi nơi, thậm chí hàng trăm cây số mà chỉ cần có sóng điện thoại, điều khiển bằng điện thoại thông minh qua kết nối con chip điện từ được lắp tại hệ thống máy bơm với phần mềm cài trên điện thoại di động.

Sau khi lắp đặt thành công phục vụ cho vườn nhà và người thân, chòm xóm, nhiều nông dân đến tham quan và nhờ hướng dẫn cách làm. Tiến lành đồn xa, ngày càng nhiều nông dân cả nước tìm đến anh tham quan và thuê lắp.

Tính từ năm 2013 đến cuối năm 2017 mỗi năm anh lắp đặt khoảng 100 hệ thống lớn nhỏ, có mô hình trên 10 ha. Đặc biệt, 5 tháng đầu năm 2018 anh lắp đặt 30 hệ thống tưới và phun thuốc. Khách hàng của anh giờ không còn là bà con nông dân trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà từ Bắc chí Nam đều đặt anh lắp đặt. Riêng với những nông dân ở xa, không tiện đi lại có thể gọi điện thoại trao đổi với anh để anh hướng dẫn kỹ thuật và được anh cung cấp máy móc trang thiết bị đến tận nhà.

Bình luận của bạn